08/05/2016 08:52 GMT+7

Một người Ấn Độ thấy đèn xanh đèn đỏ ở VN "kỳ lạ"

RADHANATH VARADAN (người Ấn Độ) - NGỌC ĐÔNG ghi
RADHANATH VARADAN (người Ấn Độ) - NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Sống ở Việt Nam 15 năm, tôi thấy đèn tín hiệu giao thông Việt Nam khá kỳ lạ. Tại các ngã tư, đèn xanh được bật đồng loạt ở hai đầu một con đường khiến xe cộ tại hai đầu đồng loạt chen nhau chạy theo 
nhiều hướng...

Trong khi dòng người đang lưu thông, xe buýt 04 ép vào lề đường để trả khách trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình - Ảnh: Ngọc Dương
Trong khi dòng người đang lưu thông, xe buýt 04 ép vào lề đường để trả khách trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình - Ảnh: Ngọc Dương

Cụ thể là xe rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng, theo hai luồng ngược chiều nhau cùng lúc khiến kẹt xe ngay giữa đường.

Nhiều nút giao thông hỗn loạn

Tôi có thể lấy ví dụ ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), xe cộ di chuyển trên đường Nguyễn Thị Minh Khai từ hai hướng Nguyễn Văn Cừ và Bà Huyện Thanh Quan sẽ gặp đèn xanh cùng một lúc.

Và kết quả là việc di chuyển tại nút giao thông này trở nên hỗn loạn.

Theo tôi, sẽ dễ dàng hơn cho mọi người nếu đèn xanh bật ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám từ hướng Q.10 trước, trong khoảng 30 giây cho xe cộ di chuyển, quẹo trái, quẹo phải, đi thẳng gì đó, xong sau đó đến lượt đèn xanh ở góc Nguyễn Thị Minh Khai hướng từ Bà Huyện Thanh Quan. Cứ như vậy lần lượt hết góc đường này đèn xanh đến góc đường khác.

Hiện nay tình hình giao thông tại Ấn Độ có thể còn xấu hơn Việt Nam, nhưng nhờ có hệ thống đèn giao thông thiết kế đồng bộ nên ở nhiều con đường, người đi đường có thể lưu thông một mạch với tốc độ bình thường mà không phải gặp đèn đỏ lần nào cho đến hết con đường. Chính quyền gọi đó là “hành lang xanh”.

Các bạn hãy thử tưởng tượng việc đi trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) mà không phải dừng một lần đèn đỏ nào có tuyệt không?

Tôi chắc rằng nhiều người cũng giống như tôi, rất bực với chuyện đèn xanh chỉ kéo dài 20 giây, nhưng đèn đỏ lại lâu gấp đôi.

Ngoài ra, ý thức giao thông của người dân cũng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, thậm chí là tai nạn giao thông. Nhiều người có vẻ thờ ơ với văn hóa ứng xử trong giao thông, như không nhường đường cho xe nhỏ hơn, đi ngược chiều (ngay cả trên những con đường rất nhỏ), lấn tuyến. Tôi thường thấy tuyệt vọng với những hành vi thiếu ý thức trên đường.

Tôi nghĩ có quá nhiều người thiếu ý thức khi chạy xe trên đường là do họ vi phạm mà hầu như không bị phạt. Ở nước tôi, cứ đến 8g tối là có rất nhiều cảnh sát trên đường với máy đo nồng độ cồn nên chẳng còn ai dám lái xe sau khi nhậu cả.

Theo tôi, chính quyền nên quan tâm hơn đến chuyện giáo dục người dân về luật giao thông, đặc biệt là đối với trẻ em. Và việc xử phạt nghiêm khắc hơn có thể giải quyết được vấn đề này. Nếu ai đó chở trẻ em mà vi phạm luật giao thông thì mức phạt nên được tăng gấp đôi hoặc gấp ba.

Ông Radhanath Varadan - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ông Radhanath Varadan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Cho xe buýt chạy làn trong cùng bên phải

Ai cũng biết phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân là cách để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng điều đó cũng có nghĩa sẽ có hàng ngàn xe buýt trên đường, trong khi đường ở TP.HCM lại chật. Rồi hàng ngàn chiếc xe buýt đó sẽ thi nhau băng ngang đường, cắt ngang dòng xe máy để tấp vào các trạm rước, trả khách, gây ùn tắc giao thông.

Vậy tại sao chúng ta không cho xe buýt chạy ở làn sát lề bên phải? Khi đó, xe hơi đi làn giữa và xe máy đi làn trong cùng bên trái. Tổ chức lại làn đường cho xe buýt như vậy thì tùy khu vực, có thể bố trí các đèn tín hiệu, đường phụ, nơi cho xe máy rẽ... khi họ muốn qua đường để rẽ vào nhà, các cửa hàng, văn phòng...

Ngoài ra, làn đường riêng cho xe buýt cũng là giải pháp mà nhiều thành phố trên thế giới lựa chọn. Tại TP.HCM, tôi được biết cũng đang xây dựng một làn xe buýt riêng trên đại lộ Đông Tây - Mai Chí Thọ.

Công bằng mà nói, giao thông công cộng ở TP.HCM đã phát triển hơn nhiều. Tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng đi lại trong thành phố bằng xe máy sẽ dễ hơn xe buýt, nhưng tôi nghĩ đó có thể là do thói quen. Chúng ta nên thử dùng các phương tiện giao thông công cộng xem sao. Tôi cũng đang đợi hệ thống metro ở TP.HCM hoàn thiện để có thể dẹp chiếc xe máy của mình sang một bên...

* Ông Ngô Hải Đường (trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM):

Đã thử nghiệm “hành lang xanh”

Ông Radhanath Varadan góp ý TP cần tổ chức đèn tín hiệu giao thông ba pha thay vì hai pha. Thời gian qua, Sở GTVT TP đã triển khai lắp đặt đèn tín hiệu ba pha trên một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng (Q.1) và tại một số giao lộ trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1, Q.5).

Sở dĩ tổ chức đèn ba pha ở các tuyến đường trên vì đường có ít xe rẽ trái và trước mắt chỉ áp dụng đèn ba pha vào một số thời điểm phù hợp với lưu lượng xe lưu thông qua các giao lộ trên. Tuy nhiên, điều bất lợi là tổ chức đèn ba pha khiến thời gian dừng xe chờ đèn tín hiệu giao thông lâu hơn nhiều so với đèn hai pha.

Về “hành lang xanh”, đơn vị quản lý Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông TP đã tổ chức thử nghiệm trên đường Võ Văn Kiệt (mật độ xe cộ trên đường ngang giao với đường này ít).

Tuy nhiên việc áp dụng “hành lang xanh” trên các tuyến đường khác ở TP rất khó thực hiện vì mật độ xe ở TP trên đường trục và cả đường ngang đều quá lớn...

Ông Đậu An Phúc (giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM):

Đồng tình với kiến nghị của ông Radhanath Varadan

Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Radhanath Varadan cho xe buýt chạy sát lề phải trong làn xe hai bánh. Còn xe hai bánh chạy làn giữa và làn bên lề phải cùng với xe buýt, ôtô chạy làn ngoài sát với dải phân cách (có khác với đề xuất của ông Radhanath Varadan). Vừa qua trung tâm cũng đã đề xuất với Sở GTVT TP về việc này.

N.ẨN ghi

RADHANATH VARADAN (người Ấn Độ) - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên