27/01/2021 15:00 GMT+7

Một nền kinh tế mạnh phải dựa vào tín dụng tiêu dùng

P.Q thực hiện
P.Q thực hiện

Theo TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tài chính tiêu dùng (TCTD) có vai trò đặc biệt quan trọng và một nền kinh tế phát triển phải dựa vào tín dụng tiêu dùng.

Một nền kinh tế mạnh phải dựa vào tín dụng tiêu dùng - Ảnh 1.

TS. Trương Văn Phước: "Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò như cú hích lớn cho nền kinh tế quốc gia"

* Chuyên gia có thể đánh giá về vai trò của tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế năm vừa qua?

- TS. Trương Văn Phước: Ngay cả trong giai đoạn bình thường thì nhu cầu TCTD cũng rất lớn. Đặc biệt, trong đại dịch vừa rồi, vấn đề phong tỏa cách ly đã khiến xu hướng ứng dụng công nghệ trong mua sắm hàng hóa diễn ra phổ biến và trở thành tất yếu. Nhờ vào công nghệ, ở nhà vẫn có thể mua sắm được.

Trong đại dịch, các công ty tài chính (CTTC) nỗ lực hơn cho việc đầu tư và phát triển công nghệ, mở rộng hệ thống và mạng lưới, tạo nên những hình thức cho vay nhanh hơn, thuận tiện hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

So với rất nhiều định chế để cung ứng các nhu cầu tiêu dùng, tôi cho rằng, cung ứng từ các tổ chức tín dụng và CTTC là cách tiếp cận thuận lợi và dễ dàng hơn.

Bất cứ một nền kinh tế nào thì vai trò của tiêu dùng đối với tăng trưởng cũng rất quan trọng. Ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng tập trung vào các nhu cầu như mua sắm nhà cửa, mua xe… Một trong những động lực tăng trưởng của các nước thường đo bằng chỉ số niềm tin và tiêu dùng.

Nếu tiêu dùng của người dân trong thị trường phát triển sẽ lan tỏa niềm tin đến các lĩnh vực khác và nền kinh tế sẽ tăng trưởng. Tóm lại, tín dụng tiêu dùng đóng vai trò như cú hích lớn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu như không nhận được sự trợ giúp dòng tiền từ ngân hàng và các CTTC thì nền sản xuất sẽ khó phát triển.

Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, TCTD phát triển mạnh, chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và có nhiều triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn tới.

* Nhiều đại biểu Quốc hội thời gian qua lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề tín dụng đen hoành hành nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu ứng phó. Thưa ông, cho vay tiêu dùng có góp phần hạn chế được tín dụng đen không?

- TS. Trương Văn Phước: Một hình thức tín dụng ra đời dựa trên nhu cầu phát triển của con người. Phải nhìn nhận cho thấu đáo, không phải tự dưng mà tín dụng đen phát triển. Tín dụng đen có "đất dụng võ" là do có nhu cầu vay tiền rất lớn của dân chúng.

Ở Việt Nam, các ngân hàng đều có cơ chế để đảm bảo cho tín dụng cho vay an toàn. Đáp ứng được điều kiện, quy chuẩn để có thể vay được tiền không phải là điều đơn giản.

Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ và đông thì nhu cầu mua sắm, cho con đi học, sinh hoạt thiết yếu rất lớn. Cho nên, tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Tôi cho rằng, chừng nào tín dụng truyền thống trong hệ thống tài chính, tín dụng tiêu dùng phát triển thì khi đó, chúng ta mới có khả năng đẩy lùi được hiện tượng cho vay nặng lãi và tín dụng đen. Đây là giải pháp về mặt kinh tế.

Giải pháp khác về mặt hành chính - pháp lý là các quy chuẩn, quy tắc, luật lệ. Nhưng tôi cho rằng, đây không phải biện pháp căn bản.

Mà giải pháp căn cơ nhất là phát triển công nghệ trong hệ thống tín dụng chính chính thống, tín dụng tiêu dùng và cho vay thấp hơn với những điều kiện dễ hơn.

* Nhà nước cần có cơ chế chính sách nào nào để khuyến khích và phát triển hệ thống tín dụng tiêu dùng, thưa ông?

- TS. Trương Văn Phước: Để phát triển được tín dụng tiêu dùng, cẩn phải thực hiện tốt những mặt sau:

Thứ nhất, về mặt chính sách, các khoản cho vay tiêu dùng cần phải có một mức tỉ lệ dự phòng rủi ro thấp hơn, cần phải hạ thấp tỉ lệ rủi ro trong cho vay tiêu dùng.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển, chúng ta cần phải có hệ thống hợp lệ để quản lý các rủi ro trong hệ thống tài chính vi mô, cho các CTTC thực hiện các khoản cho vay đơn giản, dễ dàng, thuận tiện.

Thứ ba, chúng ta có thể tham khảo sự đổi mới thể chế, khuôn khổ pháp lý của các nước châu Âu và Mỹ, các nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… xây dựng bộ luật bảo vệ cho người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính. 

Khi chúng ta có hành hang pháp lý mạnh thì tại sao phải dè dặt với tài chính tiêu dùng? Phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống và tăng trưởng nền kinh tế.

Đó là những cách để phát triển một nền tài chính tiêu dùng mạnh.

* Thưa chuyên gia, tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ lệ khoảng bao nhiều % tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là hợp lý?

- TS. Trương Văn Phước: Thông thường, các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới cũng đưa ra chỉ báo, hướng dẫn một nền kinh tế phát triển thì tỉ lệ cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 1/3 - tương ứng với khoảng 30% tổng dự nợ tín dụng là phù hợp. 

Trong khi đó, con số này ở Việt Nam hiện vẫn ở mức khá thấp và còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng, khi được nhìn nhận, đánh giá và điều tiết tốt.

* Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!

Để tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, các công ty tài chính cũng cần phải cho vay có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, mỗi khách hàng - người đi vay cần luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, số tiền trả cho món vay không quá 60% thu nhập hằng tháng là tỉ lệ an toàn. Khi tính toán, xác định được khả năng cũng như tiến độ trả nợ thì thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững hơn.

P.Q thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên