Tin văn hóa
![]() |
Có vẻ hiện nay múa phụ họa không còn là môn độc diễn của các vũ đoàn nữa. Thậm chí, những màn phụ họa xuất sắc nhất trong thời gian qua không phải là của họ mà thuộc về phát ngôn của các bộ chủ quản (ngành xăng dầu, điện nước, viễn thông...). Mỗi khi dư luận xôn xao về các mặt hàng này tăng giá, thì phụ họa bênh vực lại diễn ra với tiết mục quen thuộc “So với giá của các nước A, B, C... thì giá của ta còn thấp hơn X, Y, Z đồng. Hiện giá có tăng cao nhưng vẫn thấp hơn thế giới...”. Dù các chuyên gia cho rằng “múa” như thế là khập khiểng, so sánh thế là kỳ cục, thế nhưng màn múa phụ họa (miễn phí) vẫn diễn ra dài dài.
Thời sự (tin mới nhận)
● Cúp có về tay?
Một quan chức ngành tư pháp mới tiết lộ: “Hiệp hội Những người mộng du thế giới” đã có nhã ý đề nghị cơ quan chức năng của ta, gửi ngay hồ sơ đăng ký với Ban Tổ chức Cúp Vàng 2013. Được biết chiếc cúp danh giá này chỉ trao tặng cho những cơ quan, tổ chức nào ban hành được nhiều qui định “trên trời” nhất. Ở ta hiện có 23.000 đầu mối có thể “đẻ” ra luật, nên thời gian qua có vô số văn bản ngẫu hứng, bất khả thi ra đời. Với thành tích vượt trội này, hi vọng Cúp Vàng 2013 sẽ về tay chúng ta.
Câu kết luận chắc cú nhất trong năm
Cái chết đột ngột của 3 trẻ sơ sinh do tiêm vacxin đã dấy lên làn sóng thắc mắc trong dư luận. Vậy mà bỗng nhiên tất cả im re khi Bộ Y tế kết luận “nguyên nhân tử vong là do sốc phản vệ không rõ nguyên nhân!”.
Với kiểu nói “ba phải” thì thiên hạ còn gì để mà nói.
Từ điển tra liền
● “Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”:
+ Nghĩa đen: Kẻ này làm, người khác chịu hậu quả.
+ Ví dụ trắng phớ: Các khoản lỗ (do đầu tư ngoài ngành), các khoản đổ vào biệt thự, sân tennis, ô tô của EVN được hạch toán vào giá thành cho người tiêu dùng gánh.
● “Vung tay quá trán”:
+ Nghĩa đen: Sử dụng tài lực quá khả năng.
+ Ví dụ trắng phớ: Giữa lúc kinh tế khó khăn, sân khấu vắng khách, không sáng đèn thì ngành văn hóa có đề án xin 10.500 tỉ đồng để xây một hơi 51 nhà hát mới.
●“Mượn đầu heo nấu cháo”:
+ Nghĩa đen: Lợi dụng tiền tài của người khác để thủ lợi.
+ Ví dụ trắng phớ: Quĩ bình ổn do dân đóng góp được doanh nghiệp sử dụng vô tội vạ. Giá thế giới giảm, Bộ Tài chính vẫn cho mở van xả quĩ để doanh nghiệp kiếm lời hàng chục tỉ mỗi ngành. Nực cười nhất là khi trích quĩ để giảm giá xăng, người ta tuyên bố: “doanh nghiệp muốn chia sẻ với người tiêu dùng”!
![]() |
Phát kiến mới
Trường hợp bác sĩ ở bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bé gái nhưng lại kết luận cháu này “bị phù nề da qui đầu” khiến nhiều bậc cha mẹ lo ngại. Để khắc phục, một chuyên gia đề xuất ý tưởng: Bé trai được khám vào ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu) bé gái chỉ khám trong ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy). Nhiều người cho rằng với lịch này, sự nhầm lẫn tức cười trong bệnh viện sẽ chấm dứt.
Người Việt xấu xí
Dân ta cần cù chịu khó, dân ta thông minh sáng tạo, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên bên cạnh những đức tính tốt cũng phải thừa nhận rằng chúng ta còn lắm tật xấu thuộc loại dưới đây:
● Lắm điều:
Đó là thích bàn luận chuyện không phải của mình. Ví dụ qui định ngực lép không được lái xe, chỉ trưng 7 vòng hoa trong đám tang... lẽ ra chỉ người có “màn hình phẳng” và người có tang lên tiếng. Thế mà dư luận cứ sôi sục chỉ trích, gây ồn ào quá mức.
● Cả tin:
Nhiều bác là chuyên gia về đăng kiểm, về quản lý đã có sạn trong đầu, thế nhưng cái ụ nổi “về hưu” bị khai vống thêm gần 7 triệu đô mà các bác không thấy nghi ngờ. Sữa bột chính cống nhưng người ta bảo là thực phẩm chức năng, các bác vẫn tin sái cổ. Xăng dầu lãi to nhưng báo lỗ lớn, các bác vẫn gật đầu tràn. Thật chả hiểu làm sao!
● Háo danh
Nhiều huyện thuần nông nhưng cho xây những cổng chào uy nghi chả kém gì Khải Hoàn Môn, sân vận động chỉ thua mỗi Mỹ Đình. Tốn nhiều tỉ chẳng phải do nhu cầu mà là sợ “kém nhau tiếng gáy”.
● Giấu dốt
Trong giờ hành chính rất dễ dàng bắt gặp viên chức tán dóc ở quán. Vậy mà ta cứ phấn khởi, truyền vào tai nhau rằng “chỉ có 1% viên chức làm việc không hiệu quả”. May mà chuyện chưa tới tai Cuội, chứ không bị cười cho thối mũi.
● Lắt léo
Mới bữa trước người ta tuyên bố “tăng giá điện phải có lộ trình, phải lấy ý kiến cộng đồng...”. Vậy mà bữa sau điện tăng cái rụp, khiến cả cộng đồng cứ ngơ ngác như bò đội nón.
![]() |
Có thể bạn chưa biết!
Ai cũng cho rằng trong ngôn ngữ Việt, câu được dùng nhiều nhất là “anh yêu em!”. Thực ra theo thống kê, nó chỉ đứng ở hàng thứ hai và khi đó cũng chỉ có 2 người nghe. Câu được lặp đi lặp lại nhiều nhất, cho nhiều người nghe nhất chính là “chúng tôi kiên quyết xử lý đúng người đúng tội, kiên quyết không bao che!”. Câu này luôn đi sau vụ việc như hình với bóng, mỗi khi vụ việc xảy ra nhất thiết phải có câu hứa (ở thì tương lai) này. Cũng theo thống kê, nhiều lời hứa sau đó đã được thực hiện đúng theo tinh thần... nội bộ.
Quảng cáo
Để việc phân tán tài sản của chủ nhân đạt hiệu quả cao nhất, Công ty Chim Bói Cá đã mở dịch vụ đứng tên thay các loại tài sản (nhà cửa, đất đai, xe cộ...). Với quí khách cần tăng cường “bà con họ hàng”, công ty có dịch vụ đóng thế cho mọi vai (cha mẹ, vợ chồng, con cháu...).
Đảm bảo quí khách sẽ có bản kê khai tài sản đẹp như mơ, đồng thời an tâm tuyệt đối về bí mật đời tư.
Công ty Chim Bói Cá kính mời và hân hạnh được đón tiếp.
![]() |
Điện ảnh
● “Thầy đồ phá án”
Lấy cảm hứng từ cái án oan có thật của một công dân, hãng phim Đông Tây đã gấp rút dàn dựng bộ phim Thầy đồ phá án để kịp phục vụ khán giả trong dịp đầu xuân. Phim kể về một bà lão bị mất trộm con lợn vào đúng ngày ông Táo lên trời. Một nhóm thầy đồ dốt chữ (không ai dám thuê viết câu đối) đã đến gặp gia chủ, xin tìm lại con vật nhằm kiếm tiền thưởng tiêu Tết. Sự kém hiểu biết cộng với tính cẩu thả của các “điều tra viên” khiến khán giả nhiều phen phải cười vỡ bụng. Đó là cảnh thầy đồ Ất nhầm sợi dây gàu với dây “xỏ mũi lợn” hoặc cảnh thầy Giáp một mực đổ riệt cho thằng mõ vì “trong nồi măng của nó có cái móng y chang móng lợn”. Đặc biệt chi tiết thầy Bính xui Cu Tí (6 tuổi) “mày cứ nhận đại là ăn trộm đi rồi tao... cho kẹo” khiến người xem vừa tức cười vừa cám cảnh với chuyện ép cung, mớm cung... Với sự qui tụ của nhiều danh hài nổi tiếng, tin rằng thầy đồ phá án sẽ làm hài lòng khán giả trong dịp Xuân mới.
Tin vui y tế
Ngành y tế dự kiến sẽ nhập thí điểm 1.000 máy tiêm chích để phục vụ bệnh nhân. Được biết, các máy này chỉ thao tác như... máy, không có cảm xúc nên không bị “phong bì” chi phối tình cảm. Người bệnh diện BHYT không còn lo lắng với chuyện tiêm đau hay tiêm không đau nữa. Hi vọng các rô-bốt sẽ tạo ra cuộc cách mạng về bình đẳng trong khám chữa bệnh.
Tuổi Trẻ Cười số 492 ra ngày 15/1/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận