29/01/2008 07:37 GMT+7

Một lần phạm kỷ luật

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Nguyên tắc hàng đầu của ngành tình báo là tuyệt đối bí mật. Ông Tư Cang (đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu) chỉ huy cụm H63 - mạng lưới điệp báo có "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn - biết rõ hơn ai hết về điều đó.

CFez8ytU.jpgPhóng to
Ông Tư Cang bây giờ - Ảnh: Minh Hào

Thế nhưng, trong đời làm tình báo, có một lần ông đã phá vỡ nguyên tắc, đã tự đẩy sinh mạng của mình và cả đường dây điệp báo vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Đó là chiều mồng 3 Tết Mậu Thân 1968.

Kỳ 1: Tiếng gọi Tết Quang Trung Kỳ 2: Bí mật trong căn hầm tối

Điều nghiên, vẽ sơ đồ mục tiêu, báo cáo tình hình, chiến lược của đối phương để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân là đã xong nhiệm vụ của tình báo. Từ "giờ G", ông được giao việc quan sát, nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình. Qua những phút rộn rã, vui sướng, hồi hộp khi nghe tiếng súng nổ khắp đô thành, mấy ngày tết nằm trên căn gác nhà cô Tám Thảo (tên thật là Mỹ Nhung, chiến sĩ tình báo trong cụm H63) ở một con hẻm đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), theo dõi cảnh quân đội Mỹ và lính Sài Gòn bao vây kín tòa cao ốc xây dở mà đội biệt động tấn công dinh Độc Lập đang cố thủ, lòng Tư Cang như có lửa đốt.

Những tiếng súng AK, lựu đạn của quân cách mạng thưa thớt dần có nghĩa là anh em đang hi sinh. Từng giờ, từng phút trôi qua nghĩa là không còn hi vọng được sự tiếp ứng của quân chủ lực. Những tiếng ầm ào, gầm rú của các loại động cơ nghĩa là vòng vây địch ngày càng siết chặt..

Tám Thảo rưng rưng nước mắt, lặp đi lặp lại day dứt: "Mình ngồi đây nhìn anh em hi sinh sao anh Tư?". Tư Cang cầm hai khẩu K54 vừa được giao liên cung cấp, đếm đi đếm lại 27 viên đạn có trong tay. Ông cũng đếm những tháng năm nhọc nhằn, xương máu để gầy dựng nên một mạng lưới tình báo, một đội biệt động thiện nghệ.

Tình đồng chí, đồng đội trong lúc sinh tử thì không thể đo đếm mà chỉ thôi thúc ông cầm súng, sử dụng tài thiện xạ của mình để chia lửa với anh em. Nhưng còn Tám Thảo và cả gia đình cô? Tư Cang còn đang tính toán, phân vân thì Tám Thảo đã nắm chặt tay cha đến bên cạnh, nhỏ nhẹ mà cương quyết: "Em với ba sẽ tính".

Gia đình Tám Thảo giàu có và nổi tiếng ở Sài Gòn với sạp vải Tân Mỹ ở chợ Bến Thành và những cô con gái xinh đẹp, trí thức. Gia đình cô cũng nức tiếng trong căn cứ khi có bảy người con thì hết bốn người ở trong chiến khu và miền Bắc, cả nhà trong Nam là cơ sở nội thành. Để trở thành một tình báo viên xuất sắc của cụm H63, Tám Thảo đã nén lòng chôn sâu mối tình đầu khi người yêu lên đường đi tập kết. Sau vài năm, biết tin người yêu đã lập gia đình, cô tiếp tục hướng về những người cách mạng, chỉ chuyên tâm lo cho bí mật công tác, nên tiểu thư Mỹ Nhung đẹp mặn mà, đài các vẫn cứ mãi lắc đầu trước bao người tỏ ý yêu thương.

Cụm trưởng Tư Cang vào thành, đến nhà Tám Thảo sống công khai dưới những cái vỏ bọc con nuôi, anh rể, thầy dạy tiếng Anh, nhưng thường xuyên hơn là ông sóng bước với Tám Thảo như một vị hôn phu. Cô trang điểm xinh tươi, áo dài duyên dáng, nụ cười rạng rỡ đi bên Tư Cang mà biết trong số rất nhiều cặp mắt nhìn theo, thỉnh thoảng lại có một cặp mắt u ẩn, lặng lẽ, day diết. Ấy là cặp mắt của vợ ông Tư Cang, cũng ở trong thành phố, cũng là một hòm thư sống trong lưới tình báo và cũng luôn phải sống trong khắc khoải, đợi chờ. Suốt bao năm, bà lặng lẽ như cái bóng giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

q7ScTPOY.jpgPhóng to
Mỹ Nhung (tức Tám Thảo) năm 1968 - Ảnh tư liệu
Tư Cang hiểu rất rõ sự hi sinh ấy. Thế rồi trong giây phút này, cô lại thúc giục Tư Cang hành động, bất chấp cả tính mạng mình, cả sự an nguy của gia đình. Tư Cang tìm cách tự động viên mình một lần vượt qua nguyên tắc tối cao của ngành tình báo. Thôi thì chết cũng đành mà kỷ luật cũng đành.

Quyết định. Tư Cang đẩy đạn lên nòng, ước lượng khoảng cách và tự ra lệnh cho mình: chỉ được bắn hai phát, liền nhau, thật nhanh và buộc phải trúng ngay hai tên chỉ huy. Bên kia, đối phương đưa quân tiếp viện, bắc thang lên tường chuẩn bị đợt tấn công mới. Ông ngắm thật kỹ, đưa tay lên… Đoàng, đoàng. Hai tên chỉ huy gục xuống, đội quân đang triển khai nháo nhác.

Tư Cang rút vào nơi ẩn nấp ở một góc phòng sát mái. Những giờ phút nặng nề, căng thẳng. Đã nghe tiếng lính bao vây khu xóm, leo lên canh gác trên mái nhà tìm hướng đạn bắn ra. Ông thầm mong khoảng thời gian chúng lạc hướng đủ để những người còn lại trong đội biệt động tìm được đường rút. Ông lại đẩy đạn lên nòng, dành ra hai viên để riêng trong túi áo ngực, phòng tình thế xấu nhất. "Ta quyết phải tiêu diệt đối phương, không để bị bắt sống", ông hạ quyết tâm, chỉ nghe một thoáng thắt lòng khi nghĩ đến Tám Thảo và gia đình cô. Quân lính bắt đầu lục soát từng nhà.

Đã nghe tiếng chúng gọi cửa, bắt cha cô Thảo đưa lên gác và tên chỉ huy mau chóng xác định điểm nghi vấn là bàn thờ Phật. "Cái gì trong này?", "Kinh sách của tôi", "Lấy ra!". Hết đống kinh sách là một cánh cửa bí mật. Bất giác Tư Cang lại đưa tay lên ngực trái, hai viên đạn ông dành sẵn cho mình vẫn còn đó. Nín thở chờ đợi. Bỗng có tiếng nhẹ nhàng của Tám Thảo như vừa tỉnh giấc "Ba để đó con dọn".

Rồi tiếng cô lôi, vứt từng chồng sách như dằn dỗi. Tên đại úy lập tức mắc kế mỹ nhân, ra giọng vuốt ve: "Thôi, thôi cô em. Đủ rồi". Tám Thảo vẫn tiếp tục lôi sách ra: "Để tôi lấy hết cho ông vừa lòng", "Thôi mà…". Đưa đẩy thêm vài câu thì tên đại úy thấy cuốn sách học tiếng Anh và tấm ảnh Tám Thảo chụp chung với một thiếu tá Mỹ đặt trên bàn. "Ai đây?", "Thiếu tá tình báo hải quân Mỹ, sếp tôi". "Vậy à, cô làm ở bộ tư lệnh hải quân?", giọng viên đại úy lộ rõ vẻ bất ngờ. Hắn quay lại ra lệnh cho đàn em: "Rút".

Khi ra khỏi nơi ẩn nấp, Tư Cang thấy Tám Thảo ngồi bên bàn đọc sách. Ông đến bên, cô run rẩy bám lấy hai tay ông, òa khóc: "Nguy hiểm quá, anh Tư ơi". Tám Thảo kể lúc đó cô mới như tỉnh ra, mới biết sinh mạng cả ba, má, cả hai em gái, mấy đứa cháu, sự an nguy của mạng lưới điệp báo vừa mới qua một cơn "chỉ mành treo chuông".

Mấy ngày sau, cả nhà cùng biết tin có bốn người trong đội biệt động cố thủ trong cao ốc hôm ấy còn sống, dù đã sa vào tay đối phương. Sau này, vì khác đơn vị nên họ cũng không bao giờ gặp nhau, dù đã một lần cho nhau mạng sống.

Nếu được trở lại cái buổi chiều 40 năm trước ấy? Cả ông Tư Cang và bà Tám Thảo cùng bảo họ đã nhiều lần nghĩ lại, kiếm tìm những cách khác để chia lửa cho hiệu quả hơn và đỡ nguy hiểm hơn. "Để rút kinh nghiệm - cả hai lại cùng nói thêm - nhưng thương đồng đội quá thì biết làm thế nào".

_______________

"Mấy anh em thấy thương lắm. Mình mẩy đầy máu, đầy vết đạn nhưng em nào cũng chết lúc đang ôm ba bốn khẩu súng, bắn hết không còn một viên…".

Kỳ tới: Chuyện ở Phú Thọ Hòa

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên