09/01/2022 09:34 GMT+7

Một gã anh hùng

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Không cần ngoặc kép cho hai từ - vẻ như trái khoáy - đứng cạnh nhau này, bởi trong phim A Hero/ Un héros - giải Grand Prix Cannes 2021 và ứng viên của giải Oscar 2022, chúng nhập nhằng vậy.

Một gã anh hùng - Ảnh 1.

Cảnh trong phim An Hero/ Un héros - Ảnh: Allocine.fr

Un héros là câu chuyện của họa sĩ thư pháp Rahim, kinh doanh phá sản bị ngồi tù vì món nợ với Braham - anh vợ cũ. 

Phim bắt đầu từ hai ngày phép của Rahim trong lúc cô tình nhân Farkhondeh ngẫu nhiên nhặt được ít tiền vàng, đề nghị đem bán để thanh toán bớt nợ, xin bãi nại. Bị tiệm vàng ép giá, khinh rẻ, Rahim quyết định mang trả lại của rơi.

Farkhondeh đồng ý nhưng muốn nhân việc này xây dựng cho người yêu hình ảnh tốt đẹp, tác động tích cực lên bản án bằng cách ghi điện thoại nhà tù trên thông báo tìm chủ túi vàng; từ đây dụng ý của cô bị đẩy theo hướng thực dụng domino: Ban quản đốc nhà tù họp báo lấy tiếng, hội từ thiện tổ chức vinh danh, quyên góp cho "người tốt" Rahim, mạng xã hội lên đồng...

Cuộc sống nước đôi

Cũng như những tác phẩm trước của Farhadi, các nhân vật, sự kiện của Un Heros luôn có tính nước đôi khiến người xem liên tục nghiêng chao giữa bênh vực hay ngờ vực. Farhadi chuộng quan niệm làm phim không quyết đoán bởi nó "cho phép người xem tiếp tục đồng hành cùng tác giả sau buổi chiếu, buộc khán giả phải suy nghĩ thêm những trăn trở phim để lại".

Giống như câu thoại nổi tiếng của đạo diễn Jean Renoir trong phim La règle du jeu - "Điều kinh khủng trong thế giới này là ai cũng có lý riêng" - các nhân vật của Farhadi không ai tuyệt tốt hay tuyệt xấu. 

Khán giả phân vân không biết nhân vật chính diện Rahim là người "tinh quái hay ngây thơ", như câu hỏi của ban quản đốc nhà tù; chia sẻ cách đòi nợ riết róng của Braham để đảm bảo hồi môn cho con gái. 

Tất nhiên không phải vì được hiểu lý do mà một hành vi trở nên chính đáng, nhưng sự nhập nhằng của phim luôn thấp thoáng tình cảm con người.

Con người nhất, phổ biến, gợi nghĩ Việt Nam nhất có lẽ là bạn gái của Rahim. 

Bằng tất cả tình thương yêu bảo bọc, Farkhondeh dựng nên mọi kịch bản để cứu vớt/tô đắp uy tín người thân: ghi số téléphone nhà tù trên thông báo trả tài sản để thông tin "hành động tốt", khi buộc phải hoàn lại tiền quyên góp cô cũng lái câu chuyện theo hướng Rahim tự nguyện mang tặng một gia đình khốn khó. 

Farkhondeh là hình ảnh tiêu biểu cho một xã hội đam mê dựng xây các giá trị hoàn hảo rồi loay hoay tự nhốt trong khủng hoảng danh dự.

Danh dự anh hùng

Trẻ em luôn có vai trò then chốt trong các phim của Farhadi, bởi là "nhân chứng của những thiếu sót, lỗi hẹn của người lớn". Vị trí trẻ em trong phim Farhadi tương đồng công chúng khi chúng luôn thắc mắc, đặt câu hỏi; nhưng mặt khác trẻ em không có khả năng nắm bắt tính phức tạp của người lớn, chỉ tiếp thu chúng bằng cảm xúc. 

Trong Un héros người xem bị ám ảnh bởi đứa con trai cà lăm của Rahim do bé Saleh Karimaei đóng; khi bên cạnh lòng tin yêu phụ tử là hoang mang phẩm chất của cha.

Thất bại trong mọi tính toán, Rahim rốt cuộc vẫn là con nợ cộng thêm tội dối trá. Là một người lương thiện nhưng trớ trêu thay các tình huống xảy ra khiến gã phải gian dối để chứng minh sự lương thiện. 

Trớ trêu hơn, bên cạnh bốc đồng công chúng các cơ quan chính quyền như ban quản đốc nhà tù, hội từ thiện địa phương lại a tòng vở kịch, thậm chí chủ động tạo ra những dàn cảnh phù du để lấy tiếng.

Vậy Rahim "anh hùng" ở chỗ nào? Ở chỗ biết dừng lại, từ chối cuộc trao đổi thanh danh bằng việc ép con trai trả lời phỏng vấn. Hành động chọn thà trở vô tù chứ không hy sinh danh dự là tính chất "anh hùng" của gã.

Ngoài kia là bầu trời

Cốt truyện hay đã đành, với phim này người xem còn ghi nhận tính đột phá trong phong cách kể chuyện của Farhadi. Suốt hơn hai tiếng, người đạo diễn tài danh đã lôi dẫn khán giả vào cuộc cách tân đột phá với chính bản thân. 

Thông qua các bối cảnh mê cung, các khung kính soi mói, các di lướt tiền/hậu cảnh cùng các mối montage ngoại quy tắc; Farhadi cho thấy cái nhìn đắn đo nhưng xuyên thấu với cuộc đời.

Farhadi đặc biệt làm chủ tiết tấu khi tạo nên những khoảng lặng đắt giá trong thông lệ nhiều thoại của điện ảnh Iran, ví như trường đoạn Rahim dẫn con trai tới giao cho người yêu trước nhà tù - những thước phim vô ngôn mà hội đủ thông tin, cảm xúc.

Nhưng với người viết, chính trường đoạn cuối mới là ngôn ngữ điện ảnh sâu sắc nhất: Rahim vào lại nhà tù qua khung cửa mở, chỉ chiếm 1/3 màn ảnh theo trục đứng nhưng do nó sáng, thấp thoáng bóng tù nhân mãn hạn ra gặp vợ; nên gây sức hút thị giác, để lại trong người xem cảm thức "vùng lạc quan nhân phẩm", rất hẹp nhưng hiện hữu, sắc nét. Danh dự của gã-anh hùng khác lắm các anh hùng-gã.

Sinh năm 1972, đạo diễn Asghar Farhadi - người luôn tìm kiếm, quan sát sự phức tạp trong những câu chuyện thường nhật - từ About Elly giải đạo diễn LHP Berlin đến hai lần Oscar với Séparation (2010) và The Salesman (2016) - cho biết ông bắt đầu quan tâm chủ đề anh hùng từ câu thoại nổi tiếng "Bất hạnh thay đất nước cần có anh hùng" của Bertold Brecht trong vở Cuộc đời của Galilei; và từ hiện tượng tâng bốc những cá nhân vô danh có hành động vị tha như các anh hùng, biến họ thành nạn nhân của thanh danh đó khi nhanh chóng bị hạ bệ, vùi dập trong xã hội Iran đương đại.

Quả cầu vàng ‘4 không’: không khán giả, không ngôi sao, không báo chí, cũng chẳng livestream Quả cầu vàng ‘4 không’: không khán giả, không ngôi sao, không báo chí, cũng chẳng livestream

TTO - Lễ trao giải Quả cầu vàng 2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi không có khán giả, không ngôi sao nào tham dự, không báo chí, và cũng không phát sóng trên truyền hình hay thậm chí là trên mạng.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên