13/06/2004 21:40 GMT+7

Một dự án kinh tế mới sa lầy như thế nào?

Bài & ảnh: QUANG THIỆN
Bài & ảnh: QUANG THIỆN

TT - Hạng mục lớn nhất của dự án là trồng chè để phát động phong trào thanh niên lập nghiệp và phát triển kinh tế mới.

Bài 1:

Thảm cảnh chè

tXHhcklg.jpgPhóng to
Hộ thanh niên duy nhất đang "hưởng thụ" dự án với cảnh nhà tranh mái nát
TT - Hạng mục lớn nhất của dự án là trồng chè để phát động phong trào thanh niên lập nghiệp và phát triển kinh tế mới.

Đã đầu tư gần 10 tỉ đồng nhưng nay toàn bộ diện tích chè đang chết dần từng ngày. Dự án có duy nhất một hộ thanh niên tham gia và đang sống trong mái nhà không thể che mưa, tránh nắng.

Những đồi chè “tội nợ”

Nắng tháng sáu chói chang trên những đồi chè bản Tầm Tố, xã Quảng Phong, Hải Hà (Quảng Ninh). Con đường đất đỏ quạch như vành khăn xoắn chặt lấy từng trái đồi kéo dài gần 5km dẫn qua những vạt chè xác xơ và ngập trong cỏ dại. Lọt thỏm trong thung lũng là khu nhà tường vôi ngói đỏ của đội sản xuất thuộc Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP - Tỉnh đoàn Quảng Ninh)- chủ nhân những đồi chè. Ông Lê Văn Tặng, đội trưởng đội sản xuất, nói: “Đây là trung tâm vùng chè của dự án, diện tích 139,7ha”.

Ông Tặng đưa chúng tôi lên khoảnh 5 (chè phân theo khoảnh) với những đồi chè trơ trụi lá, chết hoang từng khoảng rộng. Ông nói: “Họa sâu róm phá chè từ 5-6 tháng nay. Hiện đã có tới 50ha chè (khoảng 37% tổng diện tích) thảm hại như thế này mà không thể khắc phục. Về kỹ thuật thì chỉ cần phun thuốc nhưng kinh phí không có”...

Sát khu nhà của đội sản xuất là những đồi chè ngập chìm trong cỏ. Chúng tôi phải gạt những bụi cỏ dại, cỏ ba lá mới nhìn thấy những cây chè cằn cỗi, ủ rũ phía dưới. Ông Tặng nói rằng tình trạng cỏ dại xâm lấn chè đang diễn ra trên hầu hết diện tích. Ông nói thêm 100% chè của tổng đội đang thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Một dự án hội tụ các mục tiêu: kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và việc làm với 32 tỉ đồng đầu tư đã bị phá vỡ ngay từ những bước đi đầu tiên.

Nay mọi mục tiêu đều sụp đổ và dự án đã biến thành mớ bùng nhùng bế tắc không hướng giải quyết.

Đó là dự án “Nông - lâm nghiệp thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới huyện Hải Hà, Quảng Ninh”.

Theo qui trình kỹ thuật, mỗi năm số chè này phải có khoảng 700 triệu tiền phân và công chăm sóc. Tuy nhiên, từ năm 2003 khoản tiền đó đầu tư không đáng kể. Năm 2004 thì chè hoàn toàn bị bỏ mặc vì không tiền. Hiện công việc bắt buộc phải làm cho chè là đốn cây tạo tán nhưng tổng đội cũng không thể làm vì không kinh phí.

Theo kế hoạch dự án, chè đã phải giao cho các hộ dân quản lý chăm sóc 1-2 năm trước. Hiện việc này chưa thực hiện, theo ông Tặng, vì cấp trên chưa có chủ trương (?). Thế là Tổng đội TNXP đang phải “ôm” những đồi chè lẫn cỏ ngày một già cỗi, sâu bệnh, mất dần năng suất, chất lượng và tuổi thọ mà chưa biết bao giờ mới được giải thoát.

Ông Nguyễn Huy Thuyết, trưởng phòng tài chính đầu tư - Sở Tài chính Quảng Ninh, cho biết: lý do đầu tiên khiến chè không thể giao cho dân là vì dự án này chưa thể quyết toán nên các cấp thẩm quyền không thể định giá chè, không thể xây dựng cơ chế chính sách cụ thể. Không quyết toán được vì hồ sơ tài chính bị thiếu và không hợp lệ.

8I1CwvnB.jpgPhóng to
Chè của Tổng đội TNXP Quảng Ninh đầu tư tiền tỉ nhưng đang bị vùi trong cỏ dại
Tội nghiệp người... lập nghiệp

Trời đứng bóng, nắng đổ lửa xuống mái lều lợp lá trơ trọi trong thung lũng Tầm Tố hoang vắng. Ông Lê Văn Tặng nói đó là nơi trú ngụ của hộ thanh niên lập nghiệp duy nhất của dự án này. Căn lều rộng chừng 15m2 dựng bằng nan tre hóp có dán những mảnh nilông rách nát. Trên nền đất nóng như rang là chiếc giường đôi, đống chăn chiếu cũ và một chiếc xe Minsk. Đó là toàn bộ gia sản của vợ chồng anh Nguyễn Trung Kiên và chị Lê Thị Phòng.

Cặm cụi bẻ những cành củi khô, người thiếu phụ lam lũ ngượng nghịu không dám mời khách vào nhà. Chị nửa như thanh minh, nửa như than thở: “Nhà dột mái nát chụp ảnh làm gì...”. Anh Kiên kể: theo tiếng gọi của dự án, gia đình anh đã rời quê từ xã Quảng Thành, huyện Hải Hà ra đây từ tháng 3-2003.

Nhà không có phải tự dựng lều. Dự án chưa cấp cho một thứ gì ngoài việc cho lên nhà tổng đội ngủ nhờ khi mưa và trú nhờ khi quá nắng. Nhà có bốn người đều lao động quần quật từ việc kiếm củi, phát cỏ trồng màu để được 400.000 - 500.000đ/tháng. Thiếu thốn đủ đường.

Ông Chu Văn Xuân, phó bí thư Huyện đoàn Hải Hà, cho biết: khi dự án này chuẩn bị xúc tiến, ông Lê Hồng Ca, tổng đội trưởng, đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ban ngành của huyện và phổ biến đây là dự án dành cho thanh niên. Dự án sẽ xây dựng làng thanh niên giữa đồi chè. Nếu ai lập gia đình, có nhu cầu gắn bó, dự án sẽ giao nhà, giao diện tích trồng chè cho họ với phương thức trả chậm và bao tiêu sản phẩm...

Năm 2000 huyện đoàn đã vận động được gần 100 đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia. Mỗi người tốn 50.000đ làm hồ sơ, 35.000đ khám sức khỏe và hào hứng chờ ngày lập nghiệp. Nhưng cuối cùng không một ai được nhận đồi chè.

Theo quyết định số 3566 ngày 27-12-2000 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tổng thể dự án, dự án này sẽ giãn dân 210 hộ, di dân nội huyện 122 hộ. Nhưng nay mới có... một hộ là nhà anh Kiên đến lập nghiệp.

Chỉ tay xuống những thung lũng hoang vắng, ông Lê Văn Tặng nói dự án lập kế hoạch xây dựng ba khu làng thanh niên lập nghiệp, phân theo diện tích chè: 20- 50ha/làng. Ước chừng 150 hộ thanh niên tham gia. Việc này không làm được vì chưa có chủ trương.

Viễn cảnh của dự án trồng chè Hải Hà ngày một bi thảm đối với tất cả đối tượng liên quan.

Kỳ sau: Một mớ bòng bong

Bài & ảnh: QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên