Đó chỉ là một vài câu chuyện điển hình mà báo Tuổi Trẻ đặt ra trong số rất nhiều dự án, công trình khác đã và đang rơi vào tình trạng tương tự.
Nếu nói một cách khái quát, đây chính là tình trạng lãng phí đầu tư với quy mô lớn. Thử đặt ra một viễn cảnh sau mười tháng nữa sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động (dự kiến khánh thành vào tháng 12-2012), nhưng hệ thống đường giao thông giữa các trục chính trên đảo chưa hoàn thành, kết nối với sân bay và giá điện vẫn ở mức 7.000-7.500 đồng/kWh, nguồn nhân lực có tay nghề không có... liệu lúc đó có thu hút được các nhà đầu tư đổ tiền vào đây triển khai các dự án? Khách du lịch trong nước và quốc tế có đổ xô đến đây như mong muốn?...
Khi đó, rõ ràng hiệu quả số vốn “khủng” đầu tư vào sân bay (hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 8.000 tỉ đồng) chắc chắn sẽ không thể phát huy hiệu quả sử dụng.
GS Yoshiharu Tsuboi - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cách đây không lâu đã cảnh báo: “Kinh tế VN đã mắc phải khiếm khuyết khi phát triển kinh tế toàn diện. Đó là phát triển mang tính cục bộ, các địa phương chưa có sự liên kết với nhau cả về hạ tầng, nguồn lực... Nếu sau năm 2020 VN không khắc phục những yếu kém trên thì sẽ chậm hơn so với những nước khác”.
Thật ra đây là vấn đề không mới bởi nó đã từng được dư luận lên tiếng, các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm nay về thực tế bất hợp lý trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều đáng mừng là mới đây Hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có một nghị quyết về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó có dẫn ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm, thiết yếu...
Đặc biệt, nghị quyết cũng nhấn mạnh đến yếu tố hạn chế cố hữu, đó là: nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân...
Như vậy là quá rõ, giải pháp cho vấn đề này trong bối cảnh chống lạm phát, hạn chế đầu tư công hiện nay không thể chỉ dựa vào một nguồn lực nhà nước cho các dự án hạ tầng. Vấn đề ở đây chính là việc cơ quan quản lý nhà nước phải tạo ra một sân chơi hấp dẫn, đảm bảo những lợi ích tối thiểu để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia bỏ vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch cần phải được rà soát tổng thể để phát huy được tính đồng bộ giữa các dự án khi triển khai, không thể tiếp tục câu chuyện đầu tư dàn trải và thiếu trọng tâm như hiện nay. Bởi nói gì thì nói, trong tình hình khó khăn chung hiện nay dù bất kể nguồn vốn nào, một đồng vốn cũng phải chắt chiu để làm sao khai thác một cách hiệu quả nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận