17/07/2009 08:31 GMT+7

Một đời hồn hậu như thơ

VŨ QUẦN PHƯƠNG
VŨ QUẦN PHƯƠNG

TT - Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... và giờ đây Tế Hanh. Lớp “thi nhân Việt Nam” mở đường cho thơ Việt hiện đại giờ đây xa thăm thẳm...

ArJ6MH2H.jpgPhóng to
Ảnh: nguyễn đình toán
TT - Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... và giờ đây Tế Hanh. Lớp “thi nhân Việt Nam” mở đường cho thơ Việt hiện đại giờ đây xa thăm thẳm...

Tế Hanh họ Trần. Trần Tế Hanh sinh ngày 20-6-1921 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mười lăm tuổi xa nhà ra Huế học / Tôi bắt đầu cùng các bạn làm thơ. 17 tuổi đăng bài Ga và Con đường quê. Năm 1938 dành trọn ba tháng hè làm thơ, 29 bài, lấy tên Nghẹn ngào, gửi Tự Lực Văn Đoàn dự thi thơ, được giải khuyến khích cùng với tập Bức tranh quê của Anh Thơ (1939). Năm 1944, tập thơ được bổ sung và xuất bản dưới tên Hoa niên.

Nhà thơ Tế Hanh đã "về với sông nước quê hương"Thơ Tế Hanh vẫn không ngừng chảy trôi

Thơ Tế Hanh, ngay ở tập thơ đầu này đã mang một tình cảm đằm thắm, đôn hậu như mãi mãi sau này. Cách viết trong sáng giản dị. Tình mến thương yêu dấu chân thành. Đề tài là những cảnh những người quen thuộc quanh ông: cái làng quê chài lưới nước bao vây cách biển nửa ngày sông, là những con người làn da ngăm rám nắng, Cả thân hình nồng thở vị xa xăm (Quê hương), là dòng sông, cánh buồm, con đường quê, cái sân ga... và những rung động của mối tình đầu chưa rõ nét. Thơ ông cũng phảng phất buồn, cái buồn chung của thơ ca lãng mạn hồi ấy. Nét buồn Tế Hanh thanh sạch, trong trẻo, vị tha và rất hiền lành:

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vướng vít trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

(Những ngày nghỉ học)

Trong kháng chiến chống Pháp, sau mấy năm loạc choạc tìm đường Sang bờ tư tưởng ta lìa ta, Tế Hanh đã tìm về cảm xúc thuần hậu vốn có của mình nhưng trên khuynh hướng tư tưởng mới. Sau ngày tập kết ra Bắc (1954), thơ ông chín trong chặng phát triển mới. Ông lại nói tới những gì quen thuộc với hồn ông, phù hợp với tạng cảm xúc của ông: cái giếng đầu làng, con sông quê hương, nỗi niềm thương mẹ, nhớ quê... trong tư thế cảm xúc mới. Đề tài đấu tranh thống nhất đất nước, với Tế Hanh, đã thành một vấn đề tình cảm Hồn tôi vang tiếng vọng cả hai miền. Thơ ông chín trở lại là chính trong nguồn tình cảm ấy.

Sức mạnh thơ Tế Hanh là ở tình cảm. Tình cảm đằm thắm, sâu nặng trong những câu thơ dễ hiểu, dễ nhớ. Tế Hanh có biệt tài từ những ý thơ giản dị, thô mộc rất ngoại giới mà đụng vào cõi nội tâm sâu sắc, thấm thía một cách rất tự nhiên, hồn nhiên. Năm 1957, trong bài thơ tình yêu Vườn xưa, nét kể và nét cảm cộng hưởng nhau rất tài tình:

Em nhìn lên vòm cây gió thổi

Lá như môi thầm thĩ gọi anh về

Năm 1981, trong một lần về quê thăm mộ mẹ, một câu hỏi thật thà như buột ra mà thăm thẳm nỗi lòng:

Quê mẹ không còn mẹ

Bao giờ con lại về

Trong đời, Tế Hanh cũng hồn hậu như trong thơ. Năm 1964, lần đầu tiên tôi thấy ông là trong một cuộc họp thơ ở trụ sở Hội Nhà văn nằm ở căn nhà phía trước nhà 65 Nguyễn Du bây giờ. Tôi mới đăng vài bài thơ, khi nghe gọi tên, tôi đứng dậy lúng túng và cũng lúng búng nữa thì Tế Hanh, anh ngồi phía đối diện, cặp mắt rất sáng đúng như Hoài Thanh đã tả (“đôi mắt nồng nàn lạ”) trong Thi Nhân Việt Nam, đứng dậy nhìn tôi thân ái: Phương mới đăng bài thơ tình yêu trên Văn Nghệ phải không? Tôi có chú ý bài thơ đó... Anh Tế Hanh nói gì nữa hôm ấy tôi không nhớ nhưng tôi biết rằng tình cảm từ kính phục chuyển sang yêu mến thân gần của tôi đối với anh và các nhà thơ lứa trước cách mạng là bắt đầu từ hôm đó.

Sau này, khi tôi ở căn nhà chỉ cách nhà anh nửa vòng hồ Thiền Quang (Hà Nội), mỗi lần đi bộ đến báo Văn Nghệ, anh lại ghé vào chơi. Căn phòng tôi chật và tối, tôi thường tận dụng lúc tiễn anh đi quanh hồ để trò chuyện. Nhớ một sáng mồng 1 tết, khi cả phố còn yên ắng thì anh đến. Tôi chỉ kịp choàng chiếc áo bông, rồi cứ quần áo nhàu nát đi cùng anh quanh hồ. Cũng chả có chuyện gì cấp bách, anh tâm sự những chuyện tình yêu ngày còn trẻ. Anh kể và như đắm chìm vào kỷ niệm, không để ý đã đi hết một vòng hồ và đường phố cũng đã đông dần. Tôi không dám cắt ngang câu chuyện, thành kính lắng nghe. Chỉ hơi áy náy trong ánh nhìn của người đi đường hình như có vẻ ngạc nhiên với áo quần hai ông con đi chơi tết.

Năm 1999, trong lễ kỷ niệm 40 năm đường 559, Phạm Tiến Duật đang đọc thơ thì anh Tế Hanh gục xuống. Một cơn đột quỵ nặng. Anh thoát chết nhưng bị liệt hoàn toàn, lòa mắt và không nói được. Đến thăm anh, có lần anh nhận ra, tiếng khóc “hực” không nước mắt của người cao niên làm đau uất mọi người có mặt, lần sau đến, anh không còn nhận ra. Mười năm anh sống đấy mà cách bức với đời. Nhắc đến anh, ai cũng ngậm ngùi và chiều nay thì trào nước mắt...

Trưa 16-7, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - thông báo: “Nhà thơ Tế Hanh vừa “đi” lúc 12g hôm nay (16-7). Hội Nhà văn đang họp bàn với gia đình về nghi thức tiễn đưa một trong những vị trưởng lão cuối cùng của văn đàn VN”.

Tế Hanh là một trong những nhà thơ VN có nhiều thơ được in nhất: khoảng 20 tập, trong đó có những tập nổi tiếng như Nghẹn ngào (1939), Hoa niên (1944), Lòng miền Nam (1956), Hai nửa yêu thương (1967), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống, Thơ Tế Hanh (1989), Vườn xưa (1992). Rất nhiều thế hệ học sinh VN biết đến Tế Hanh qua các bài thơ nổi tiếng của ông được đưa vào sách giáo khoa: Quê hương, Nhớ con sông quê hương...

Tế Hanh từng tham gia ban chấp hành Hội Nhà văn VN nhiều khóa liền, ông cũng từng là trưởng ban đối ngoại, chủ tịch hội đồng dịch thuật và chủ tịch hội đồng thơ của Hội Nhà văn. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

V.H.

Cái nhìn

Mắt anh không được như xưa

Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng

Nhìn mai như thể xuân sang

Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây

Anh nhìn em cũng đổi thay

Cái môi hơi mím, cái mày hơi cong

Mắt em ngày trước hồ trong

Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi

Nói sao hết được em ơi!

Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên

Em không thể mãi là em

Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa.

17-6-1979

Anh yêu em

Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn

Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết

Anh yêu em như người vào bữa tiệc

Uống cốc rượu đầy không nghĩ đến khi tan.

Tế Hanh - (Nguồn: Thivien.net)

________________

“Dòng sông quê hương ta cũng là dòng sông VN ta, dù sông Hồng, sông Cửu Long hay sông Trà Bồng. Bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh viết về con sông Trà Bồng, nhưng tình cảm trong bài thơ ấy cũng dành cho tất cả những dòng sông VN. Nhưng lại là con sông Trà Bồng, đoạn chảy qua làng Thuận Yên của Tế Hanh, chứ không lẫn một con sông nào khác. Đó chính là sự hòa hợp và khác biệt của thơ. Thơ Tế Hanh không lẫn với thơ của bất cứ nhà thơ Việt nào khác, nhưng đó lại là thơ Việt thuần chất. Đó là thơ mộc mạc sau khi đi qua sự tinh chế của tâm hồn, là thơ hồn nhiên khi chưa nếm trải và khi đã qua bao nhiêu nếm trải”.

Thanh Thảo (Trích Thơ Tế Hanh vẫn không ngừng chảy trôi - Tuổi Trẻ Online)

VŨ QUẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên