12/09/2004 11:05 GMT+7

Một đạo diễn "liều mạng"

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TTCN - Khải Hưng râu rậm, mắt sắc, mặt lạnh, rất “anh chị”, không có dáng nghệ sĩ, lại càng không có tướng giám đốc. Lúc nói chuyện và khi duyệt phim, vui quá hoặc cáu quá đều văng tục. Nhưng Khải Hưng duyệt phim rất chính xác, chỗ nào đáng cắt là cắt, chỗ nào bảo thêm là phải thêm, có phim anh bắt xếp vào kho mà đạo diễn thuộc loại cứng đầu cứng cổ cũng phải tâm phục khẩu phục.

SBxQNy8q.jpgPhóng to
Đạo diễn Khải Hưng

Còn phim của Khải Hưng thì lại tình cảm, và có thể gọi là tinh tế. Chỉ cần gọi tên: Mặt trời bé con của tôi, Mẹ chồng tôi, Mùa hoa cải bên sông, Ngàn năm mây trắng, Khắc dấu mạn thuyền, Không còn gì để nói... là có thể viết “tiểu sử nghệ thuật” của ông đạo diễn này được.

Chẳng thế mà với người xem và dân trong nghề, đã từ lâu Khải Hưng mặc nhiên đồng nghĩa với phim truyền hình, và ngược lại.

Người đầu tiên làm phim truyên hình ở Việt Nam

Đấy là năm 1985, khi vô tuyến (đen trắng) mới chỉ phổ biến ở thành phố và dân tình còn xếp hàng vào rạp để xem phim võ thuật pha múa may ca nhạc Ấn Độ, Khải Hưng đã bấm máy bộ phim video đầu tiên của Trung tâm nghe nhìn - Đài truyên hình VN: Cánh diều nhỏ.

Khán giả lần đầu tiên được xem phim truyện VN mà không bị hai băng đen chạy trên và dưới khuôn hình với lời chú thích của người thuyết minh “phim màn ảnh rộng, mong các bạn đừng điều chỉnh máy thu hình”.

Phim không hay không dở, nhưng đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ, chính là vì không bị cảm giác tưng tức mắt vì hai dải đen khiến màn hình tivi cứ ngang phè phè như hầu hết phim chiếu tivi ngày ấy.

Trung tâm nghe nhìn thì sống èo uột, nhưng đạo diễn Khải Hưng thì rất giàu - so với thu nhập xã hội thời ấy, vì anh ta năng động, làm đủ việc, đi đủ nơi, chỗ nào cần ông kính máy quay là đến, chỉ thỉnh thoảng Khải Hưng về cơ quan để... lĩnh lương và xem có kịch bản mới nào được giao hay không.

Cũng một lần lĩnh lương như thế, anh gặp một ông dáng dấp hình như hơi quen quen: “Mày hả Luông (Vương Khánh Luông là đạo diễn của Hãng Phim tài liệu), dạo này có gì mới không?”. Sau cái vỗ vai rất mạnh của anh, một khuôn mặt lạ rất nghiêm túc quay lại: “Tôi là Dũng, mới về đài”. Hóa ra là ông Hồ Anh Dũng, tổng giám đốc mới của Đài truyền hình VN.

Ông đề nghị anh làm phó giám đôc Trung tâm nghe nhìn (lúc ấy sắp bị giải thể vì dự án của nước ngoài đã hết hạn và hết tiền) phụ trách về chuyên môn. Ông Dũng bảo anh phải làm để có mỗi tuần một chương trình vừa giải trí vừa văn hóa phát vào chiều chủ nhật. Vừa may, anh mới làm xong Mẹ chồng tôi, hai tập, đang chờ duyệt phát sóng, bèn lấy nó làm khung, ngồi bàn bạc và nghĩ ra: tin văn nghệ, tác giả tác phẩm, tin văn nghệ nước ngoài, thư giãn... vậy là thành ra “Văn nghệ chủ nhật” (VNCN), phát sóng lần đầu vào 4-9-1994. Và cứ thế “chiến đấu”, đến nay đã 10 năm.

Người gây chiến

xPLNaEYq.jpgPhóng to
Người phụ nữ luôn thấp thoáng trong phim của Khải Hưng - diễn viên Minh Châu. Đây là cảnh trong phim Ba lẻ một - một trong những phim hay nhất của Khải Hưng, kịch bản Bảo Ninh
Phim VNCN ra đời đã thu hút gần 100% các đạo diễn, diễn viên, quay phim đang ngồi ngáp vặt ở tất cả các hãng phim và các đoàn nghệ thuật ngoài Bắc, thậm chí cả các nghệ sĩ phương Nam xa xôi. Giới điện ảnh chính thống và báo chí cùng lo lắng: cứ đà này thì truyền hình lấn át điện ảnh, truyền hình hóa điện ảnh.

Tại đại hội lần năm của những người làm điện ảnh, Khải Hưng (lúc ấy là phó giám đốc của Hãng Phim truyền hình) lên diễn đàn không phải để kiếm phiếu bầu vào ban chấp hành mà để kêu gọi các nghệ sĩ tham gia làm phim... truyền hình (vì guồng máy đã quay, phim thì tuần nào cũng phải phát sóng mà người làm thì không có). Anh nói: “Mong các bạn hãy đên với Hãng Phim truyền hình, cánh cửa truyền hình lúc nào cũng rộng mở đón chào”.

Vậy là một chuyện rất trớ trêu đã xảy ra: đạo diễn Khải Hưng, người cả đời chưa hề làm một mét phim nhựa nào, đã được toàn thể đại hội của các nghệ sĩ điện ảnh bầu vào ban chấp hành hội với số phiếu cao nhất, vượt trội rất xa so với những cây đa cây đề như Đặng Nhật Minh, Huy Thành, Thanh An, Trần Văn Thủy (thế mới biết các nghệ sĩ cũng thật là thực tế).

Chưa hết, ông đạo diễn coi trời bé bằng cái ống kính này còn thản nhiên tuyên bố: truyền hình là truyền hình, điện ảnh là điện ảnh, chả việc gì phim truyền hình phải cố đạt cho được... tính điện ảnh làm gì.

Khi báo chí - qua tuần trăng mật nồng nhiệt buôi đầu - quay qua chỉ trích, phê phán những sự dở, chán, sượng, ẩu... của phim truyền hình, Khải Hưng bình tĩnh và lạnh lùng trả lời phỏng vấn: “Nhà báo nào không thích cứ việc... tắt tivi đi. Chúng tôi làm phim phục vụ 80 triệu đồng bào mà đa số là nông dân chứ không làm phim cho vài ông bà nhà báo ngồi trong salon thích bới lông tìm vết và phán xét lung tung”.

Suýt nữa một cuộc chiến đã nổ ra giữa những người làm phim truyền hình và báo chí, nhưng may mắn là ở hãng phim thì có nhiều biên kịch, mà biên kịch thì thường là nhà văn, mà nhà văn lại thường hay viết báo, nên cuôi cùng sóng gió cũng tạm yên. Ông đạo diễn cũng nhận thấy phim mình quả thật chưa hay, còn báo chí cũng công nhận... phim Tây mà soi kỹ cũng còn khối chỗ dở nữa là...

Vì thương hiệu... bản thân

10 năm, 520 tập phim VNCN, cộng với vài chục serie phim “Lần đầu tiên trên VTV3”, vài trăm phim lẻ, tổng cộng Trung tâm nghe nhìn - rời Hãng Phim truyên hình VN, nay là Trung tâm Sản xuất phim truyên hình VN - của Khải Hưng đã sản xuất hơn 1.000 tập phim.

Con số ấy thật không lồ nếu so với sức người và cơ sở vật chất, nhất là so với mức tiền mà họ được đầu tư để làm phim: 20 đạo diễn, 6 biên kịch, 20 quay phim, 100 triệu cho mỗi chương trình VNCN 100 phút (con số đã 10 năm nay không đổi, dù giá chợ leo thang, tỉ giá ngoại tệ cũng khác xa thuở ban đầu nhận tiền của CARE làm 40 tập phim chống AIDS Gió qua miền tối sáng).

Nhưng mỗi phim VNCN vẫn còn là một phim xem được - dẫu không thật sự hấp dẫn như thuở ban đầu. Có những serie thật sự gây xôn xao trong sinh hoạt văn hóa của xã hội: Những người sống quanh tôi, 12A và 4H, Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời, Mùa lá rụng, Đất và người... Cũng có những phim giới chuyên môn không thích, nhưng công chúng cực kỳ hâm mộ như Cảnh sát hình sự, Cổ cồn trắng... tất cả đều có dấu ấn của Khải Hưng.

Anh làm việc như điên, không vướng bận gia đình riêng, không biết uống rượu bia, không ăn được (vì bị bệnh gout), cũng không có thú vui gì đáng kể, suốt ngày cắm mặt vào đống băng để duyệt phim, đến độ một đồng sự phải kêu lên: “Ông điên nên muôn cả cơ quan này điên như ông hay sao?”.

Nhưng hóa ra tay “anh chị” này vẫn dành riêng một góc cho mình. Năm nào anh cũng cố làm một, hai phim lẻ, tự chọn kịch bản, tự tỉa tót chăm chút, lên lịch quay, và ngồi vào bàn dựng thật kỹ càng.

Năm 2002, khi có tin Khải Hưng nhận tiền của Thuyết ”buôn vua” để cho Linh Nga (bồ Thuyết) đóng phim, anh lao đao theo mọi nghĩa, lần đầu tiên anh hiểu thế nào là một kẻ thất thế, bị nghi kỵ, bị quay lưng. Và anh nằm vắt tay lên trán nghĩ ra một kịch bản về... bản thân: một ông giám đôc nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều lỗi lầm, bị sa cơ và bị bán đứng. Anh đặt Bảo Ninh viết kịch bản, bộ phim không có lời thoại của nhân vật chính, chỉ triền miên là những suy nghĩ nội tâm, Khải Hưng đặt tên phim là Không còn gì để nói. Phim đoạt giải vàng Liên hoan phim truyền hình và giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh năm đó. Anh cũng đã được “giải oan”, nhưng phim thì đã làm rôi, cũng có nghĩa là rất nhiều tình huống trong phim là có thật.

Năm nay Khải Hưng 57 tuổi, còn ba năm nữa sẽ đến tuổi về hưu, anh dự định sẽ mở trường dạy làm phim truyền hình, nếu không được sẽ mở một cơ sở matxa, để những ai có nhu cầu matxa lành mạnh biết chỗ mà đến. Cảnh báo anh về nỗi “hụt hẫng quyền lực” của những người có quyền có chức khi về hưu, anh cười: “Quyền chức của tôi đã ăn thua gì, vả lại tôi đã làm Không còn gì để nói tức là tôi tiên liệu được trước hết rồi. Thậm chí tôi còn nghĩ ra hẳn một kịch bản về việc tôi... đã chết rồi, nằm trong quan tài rồi, và những ai sẽ đến viếng, thái độ như thế nào cơ. Thế nào trước khi về hưu tôi cũng phải làm bằng được”.

Còn nghĩ đến chuyện làm phim cả về cái chết của mình thì còn yêu đời và yêu nghề lắm, chưa về hưu được đâu, ông Khải Hưng ạ.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên