25/01/2013 05:05 GMT+7

Một cuộc đời đã sống rất nhiều

THU HÀ
THU HÀ

TT - Có cái gì đó thật không phải, thậm chí bất nhẫn, khi đọc lại Suối của Hoàng Ðạo Cung khi ông đã ra đi.

Một cuộc đời đã sống rất nhiều

Tập sách dày đến 600 trang gồm hơn 400 mẩu, với đủ các thể loại rất khó xác định: nhật ký, ghi chép ngắn, cảm tưởng, truyện ngắn, tản văn, hồi ức và... di chúc.

VTdUPmfT.jpgPhóng to

Sách do NXB Văn Học ấn hành

Thỉnh thoảng đọc được những mẩu ngắn ấy đăng trên mục tản văn của báo Lao Ðộng hay Văn Nghệ, đôi khi gặp một bài báo hay trên tạp chí chuyên ngành kiến trúc ký tên Hoàng Ðạo Cung, biết có một kiến trúc sư - nhà giáo hay viết ngắn như vậy, biết ông là con trai út của nhà văn hóa lừng danh Hoàng Ðạo Thúy... Nhưng đến khi đọc lại Suối một cách đầy đủ, chậm rãi như lần giở kỷ niệm về một người đã mất, mới ngỡ ngàng nhận ra có một cuộc đời đã sống rất nhiều, và được kể lại một cách thật ý vị và tài hoa.

Trong những câu chuyện - nhật ký - hồi tưởng đầu tiên (hơn 100 mẩu), Hoàng Ðạo Cung - nhân vật tự xưng "chú" (chú bé - có lẽ vì là út trong nhà) làm sống lại một thời kỳ đặc biệt của gia đình chú, và cũng là của cả dân tộc: tuổi thơ ở chiến khu Việt Bắc, với bố, với mẹ, với các anh chị, bạn bè và những nhân vật lịch sử mà chú rất ý tứ gọi chệch tên, không chút khoe khoang về quan hệ thân thiết với gia đình. Một cách vô tình, những trang viết của chú về cha mẹ và tuổi thơ của mình đã trở thành những tư liệu quý về phong cách nền nếp của một gia đình trí thức Hà Nội, về cách nuôi dạy con cái, về những món ăn dân dã và sang trọng ngày lễ tết, về tình anh em, nghĩa đồng bào. Một cậu bé, có thể gọi là "cậu ấm", lên rừng suốt chín năm, có những trải nghiệm thấm thía từ đám cưới, đám ma trong chiến khu, biết cách bắt cua, mò cá, biết đói và cũng biết sẻ áo nhường cơm cho bạn bè - tất cả từ những lời răn và phong cách sống đẹp đến ứa nước mắt của cha mẹ. Một cách giản dị đến nao lòng, Hoàng Ðạo Cung khiến người đọc hiểu và tin có một thời đã có những con người sống đẹp như bố - mẹ mình.

Hơn 300 mẩu còn lại là những trang nóng hổi và cựa quậy thế sự nhân tình, về "cuộc sống hiện tại" của người viết. Con nhà nòi, từng trải, lịch duyệt, tinh tế, được đi rất nhiều, từ nước ngoài đến những làng bản hẻo lánh VN - do đặc thù nghề nghiệp; những ghi chép của Hoàng Ðạo Cung đủ thú vị cho người đọc của nhiều giới. Chuyện tình nước Mỹ hay chuyện tai nạn xe máy của hai vợ chồng trên một hè phố Hà Nội đều được ông kể dí dỏm và nồng nhiệt như nhau.

Kỳ lạ nhất là những "sơ kết", "kết luận", "kiến nghị" và "vỹ thanh" ông bàn về cái chết của... bản thân mình. "Kháng chiến lần đầu thì là trẻ con, ăn bám, kháng chiến lần hai, lần ba thì học rồi dạy, dạy rồi học, có được ngày nào trên Trường Sơn, có được ngày nào trên biên cương??? Bây giờ biển đảo Tổ quốc căng thẳng như vậy, xót xa như vậy thì thành già lão rồi!!! Chắc chắn làm nhiều việc sai. Nhưng chắc chắn là suốt đời trước bất kỳ một việc gì, một sự lựa chọn nào cũng tự hỏi một câu: "Ðúng? Hay sai?". 50 vạn lần tự hỏi và 50 vạn lần tự trả lời".

Người - trí - thức - bình - thường sinh ra để tự hỏi và trả lời những câu đúng sai bình thường như thế. Và vì đã được nuôi dạy để biết cách tự hỏi, Hoàng Ðạo Cung đã đi qua cuộc đời này và sống rất nhiều - như là Suối của ông nói lên điều đó.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên