18/08/2019 14:58 GMT+7

Một chuyện tình đẹp kỳ lạ

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ai đó có thể không bao giờ hiểu cho sự hi sinh của bà Nguyễn Thị Tỵ: đi tìm vợ cho chính chồng mình, sau khi hai người đã ân nặng tình sâu qua bao gian nan và hiểm nguy nơi chiến trường.

Một chuyện tình đẹp kỳ lạ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Lộc hòa thuận cùng hai bà vợ Nguyễn Thị Tỵ (bìa trái) và Trần Thị Văn (bìa phải) - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tìm vợ cho chồng, tìm nàng dâu sinh cháu cho cha mẹ chồng. Ngày ấy, bà Tỵ mới 27 tuổi, đã chọn hi sinh hạnh phúc riêng cho người mình yêu thương.

Nhưng nếu nhìn vào hạnh phúc kỳ lạ của gia đình đặc biệt với một cha, hai mẹ và đàn con cháu hòa thuận ấy, nhiều người sẽ phải nghĩ khác...

Tình yêu bên lằn ranh sinh - tử

Căn nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười của bà Nguyễn Thị Tỵ sống cùng vợ chồng người con trai vốn là con riêng của chồng ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Mắt bà Tỵ long lanh hiếm thấy ở tuổi 70 và không giấu niềm tự hào gia đình hạnh phúc.

Con trai bà - anh Nguyễn Đức Thắng - góp thêm tâm tình: "Sống gần 40 năm từ Nam ra Bắc, tôi hiếm thấy nhà nào lại hạnh phúc lạ lùng như đại gia đình tôi. Tôi cũng chưa thấy đâu có hai bà cùng là mẹ của đàn con chung, cùng là tri kỷ của một người đàn ông mà lại hòa thuận và thương yêu nhau như hai mẹ tôi".

Câu chuyện kỳ lạ này bắt đầu từ một chuyện tình đẹp, với những đớn đau, mất mát không gì bù đắp nổi của chiến tranh.

Đó là năm 1965, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tỵ, dù nhà chỉ có mình mẹ với cô, vẫn quyết xông pha chiến trường. Vừa tốt nghiệp y tá của Viện Quân y ở Bắc Ninh, cô gái xinh tươi cùng bạn bè hành quân vào nơi chiến trường B3 Tây Nguyên khốc liệt. 

"Bom đạn dữ dội, sốt rét rừng đã đành, nhiều tháng ròng chúng tôi chỉ ăn sắn lẫn rau tàu bay. Có những thời điểm chúng tôi bị tê liệt cả chân vì thiếu chất..." - bà Tỵ xúc động nhớ lại năm tháng bi tráng không thể nào quên.

Năm 1972, chiến tranh ác liệt thì bà Tỵ gặp được tình yêu của đời mình. Ông Nguyễn Đức Lộc là bộ đội bị thương nặng, được chuyển tới trạm quân y nơi bà Tỵ đang làm việc. Hơn tháng ròng cô y tá tận tình chăm sóc vết thương cho anh chiến sĩ cùng quê nhà. Khi vết thương sắp lành cũng là lúc tình yêu chớm nở giữa hai người. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, luyến thương.

Ngày ấy, tình yêu nơi mặt trận vẫn là điều cấm kỵ bởi bom đạn quá khốc liệt với biết bao mong manh, nhưng vẫn có ngoại lệ cho những mối tình đậm sâu không thể chia lìa. Tình duyên của cô y tá xinh đẹp và người chiến sĩ có trái tim ấm áp là một câu chuyện đẹp có hậu. 

Sau một năm thư từ yêu thương ở cùng chiến trường Tây Nguyên, họ đã chính thức báo cáo lên tổ chức. Dù không có đám cưới hay đăng ký kết hôn nhưng đôi lứa đã coi nhau là vợ chồng ân nặng nghĩa đầy.

Năm 1974, bởi vết thương nặng, chiến sĩ Lộc được trở lại quê nhà làm công tác hậu phương. Họ chia tay trong luyến lưu và hẹn ước ngày hòa bình nếu cả hai còn sống sẽ cùng xây đắp gia đình. Thế rồi ngày hòa bình đã đến chỉ một năm sau đó. Bà Tỵ tức tốc về lại Bắc Giang (lúc đó là Hà Bắc) để đoàn tụ người yêu. 

Tuy nhiên, hạnh phúc vô bờ của đôi lứa từng cùng nhau đi qua cái chết nơi chiến trường lại sớm nhuốm sầu khổ. Bà Tỵ nhiều lần mang thai đều nhanh chóng bị sẩy thai, không thể cho người mình yêu một đứa con. Sau này bà mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam.

Day dứt, khổ tâm bởi bố mẹ chồng bao năm chờ đợi con từ chiến trường trở về, nay lại mòn mỏi ngóng trông mụn cháu nhưng phải thất vọng hết lần này đến lần khác, bà Tỵ sau nhiều đêm trằn trọc đã quyết định "điên rồ": tìm vợ cho chồng, tìm nàng dâu sinh cháu cho cha mẹ chồng. Ngày ấy, bà Tỵ mới 27 tuổi, đã chọn hi sinh hạnh phúc riêng!

Một chuyện tình đẹp kỳ lạ - Ảnh 3.

Đại gia đình đầm ấm yêu thương của bà Tỵ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại

Hạnh phúc của người đàn bà cưới vợ cho chồng

Từ ngày "âm mưu" tìm vợ mới cho chồng, bà Tỵ bắt đầu để mắt tìm kiếm. Khi đã chọn được người phụ nữ bà cho là đức hạnh, bà mới chia sẻ "âm mưu" với chồng. Ban đầu, chồng bà "phát hoảng", phản đối kịch liệt, bởi giữa họ không chỉ tình yêu đậm sâu mà còn là tình đồng đội keo sơn nơi chiến trường.

Nhưng rồi, với sự kiên trì thuyết phục của bà Tỵ và áp lực từ bố mẹ, lại nhìn vợ cứ ngày càng khô héo buồn phiền, ông Lộc đã đồng ý kế hoạch của vợ. Ông mong nỗi đau đớn dằn vặt sẽ buông tha cho người vợ, người đồng đội của mình.

Ông Lộc khi đã kết hôn vẫn lo bà buồn, nhưng không muốn làm tổn thương người vợ mới nên lặng lẽ chôn giấu nỗi lòng. Hiểu được tâm tư của chồng, bà Trần Thị Văn - người vợ mới - đã khuyên ông nên thường xuyên đến thăm "chị". Xúc động trước tấm lòng người vợ mới, ông cảm ơn bà và lui tới thăm bà Tỵ. 

Tuy nhiên, thấy chồng còn quyến luyến mình và lo ngại hạnh phúc mới của chồng không được trọn vẹn, bà Tỵ đã lặng lẽ xin chuyển công tác vào tận trời Nam xa xôi, sinh sống cùng mẹ mình. Bà công tác trong một bệnh viện tại TP.HCM, nhưng rồi chồng và "em Văn" vẫn tìm ra bà và tiếp tục vào thăm nom.

Ngày mẹ bà Tỵ mất, thương cảnh côi cút xứ người lại thường xuyên đau ốm bởi vết thương chiến tranh của "chị Tỵ", vợ chồng ông Lộc đã bàn bạc cho người con thứ ba 11 tuổi vào Sài Gòn để sống cùng "mẹ Tỵ". Phải dứt ruột đưa người con bé bỏng của mình vào nơi xa xôi mà chắc chắn sẽ khó thăm nom thường xuyên được, bà Văn cũng rất buồn nhưng vẫn san sẻ tình thương yêu với "chị Tỵ"!

Nhưng rồi cậu bé Nguyễn Đức Thắng cũng dần vui vẻ tạm xa bố mẹ và anh em để theo "mẹ Tỵ". Cả bốn anh em Thắng đều rất tự hào với chúng bạn bởi họ có những hai người mẹ tuyệt vời luôn yêu thương mình.

Khi bà Tỵ nghỉ hưu năm 1995, ông Lộc lại bàn với vợ đón mẹ con bà Tỵ trở về sum họp cùng đại gia đình. Ông không đành lòng thấy mẹ con côi cút, và cũng muốn được chăm sóc nhiều hơn cho người ông vẫn coi như vợ hiền, đồng đội thương quý. Vợ sau của ông lại một lần nữa tận lòng ủng hộ ân tình của chồng mình với "chị Tỵ".

Cảm động nghĩa tình "cả nhà" dành cho mình, bà Tỵ vui vẻ dẫn con về sống cùng "chồng" và "em Văn" trong cùng một nhà. Họ hòa thuận, vui vẻ bên nhau khiến cả thị trấn nhỏ ngỡ ngàng, không tin được những gì họ nhìn thấy trong ngôi nhà kỳ lạ ấy.

Dù cuộc sống chung của họ hạnh phúc tới đáng kinh ngạc, một năm sau bà Tỵ vẫn ý tứ với "em Văn" nên đề nghị "ra ở riêng" gần ngôi nhà đại gia đình. Khi bà dọn sang nhà mới thì người con "em Văn" đã sống cùng "mẹ Tỵ" hồi ở Sài Gòn cũng xin theo bà. Anh Thắng yêu "mẹ Tỵ" như mẹ ruột của mình, và các anh em khác cũng vậy. Anh vẫn ở cùng "mẹ Tỵ" cho tới tận giờ, khi anh đã có gia đình riêng.

Và câu chuyện kỳ lạ nhưng có thật vẫn đang ngập tràn tình yêu thương ở nơi ấy...

Tình yêu bù đắp mọi vết thương

Những người trong gia đình đầy lòng bao dung và tình yêu thương đã tự mình dệt nên một câu chuyện thật đẹp. Người ngỡ đắng cay mà vẫn hạnh phúc có lẽ chính là bà Tỵ, người đã nén tình riêng để vun xới đủ đầy cho hạnh phúc của chồng và gia đình chồng.

Chiến tranh tàn khốc có thể tước đi khả năng làm mẹ của ai đó như bà Tỵ, nhưng chính tình yêu không vị kỷ dành cho nhau sẽ bù đắp mọi vết thương!

Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới

TTO - Chàng là sĩ quan quân đội, công tác ở một trạm rađa miền núi. Nàng là kỹ sư tài năng làm việc cho một tập đoàn thép ở châu Âu. Họ đã viết nên một câu chuyện đẹp về tình yêu.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên