![]() |
Cầu Mirabeau |
Tháng năm trôi qua, tóc tôi hiện có nhiều sợi bạc, vì thời gian thì ít nhưng vì thế thái nhân tình thì nhiều. Song mỗi khi hồi tưởng về mùa xuân năm ấy, bao giờ trong tôi cũng trào dâng những cảm xúc kỳ lạ không thể diễn đạt thành lời.
Tết Nguyên đán năm ấy trùng với dịp nghỉ đông của Pháp. Sinh viên châu Âu đã đi chơi gần hết, chỉ còn mình tôi lẻ loi trong cái ký túc xá rộng thênh thang trồng nhiều cây ngô đồng mà tôi đã nghe nói từ hồi còn ê a đọc cổ thi nhưng bây giờ mới gặp: Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu (1). Ngô đồng bây giờ không chỉ “nhất diệp lạc” mà đã trơ cành khẳng khiu.
Buồn quá, tôi đi ra vườn Luxembourg, khu vườn nổi tiếng đã đi vào tác phẩm Le livre de mon ami của Anatole France mà âm hưởng còn vọng vang trong Tôi đi học của Thanh Tịnh. Tôi kiếm một băng ghế, ngồi xuống và để mặc cho nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ Tết gậm nhấm tâm hồn.
Tôi không chú ý đến cảnh vật xung quanh cho đến khi một cô gái trẻ tóc vàng, mắt xanh đến bắt chuyện với tôi. Nàng tên Monique và đang học hội họa tại Paris. Chúng tôi quen nhau từ đó. Monique biết rành các ngóc ngách của Paris và thường đưa tôi dạo chơi. Chúng tôi từng viếng các khu phố yên tĩnh của Paris cũng như những nơi dập dìu giai nhân, tài tử. Chúng tôi đã thăm cầu Mirabeau, chiếc cầu bất tử nhờ những vần thơ của Apollinaire: Dưới cầu Mirabeau. Trôi dòng Seine. Và những mối tình ta (2).
Một hôm, Monique đưa tôi về phòng. Cô ôm chặt tôi và trao cho tôi một nụ hôn nồng nàn. Tim tôi như muốn vỡ tung và máu bỗng chảy nhanh trong huyết quản. Trong căn phòng vắng chỉ có hai người, tôi biết mọi chuyện đều có thể xảy ra và xảy ra đến tận cùng. Chỉ trong một thoáng, trong tôi bỗng hiện lên một hình ảnh khác, một cô gái Việt Nam bình dị đội nón lá quai hồng đang chờ tôi ở quê nhà. Và tôi đủ sức để quay về hiện thực. Monique vẫn yêu tôi, chân thành và say đắm nhưng chúng tôi đủ tỉnh táo để không làm điều gì đáng tiếc.
Ngày tôi về Việt Nam, Monique tặng tôi bức tranh vẽ cảnh một chàng trai châu Á đang ngồi suy tư trên một chiếc băng trong vườn Luxembourg. Cô không nói lời nào, chỉ lặng nhìn tôi đầy ý nghĩa bằng cặp mắt biếc xanh.
Mười mấy năm trôi qua. Tôi mất liên lạc với Monique. Cô gái chân quê đội nón quai hồng ngày nào đã ôm cầm sang thuyền khác cùng một người giàu có, thế lực. Riêng tôi vẫn là anh đồ nghèo, thiếu tiền, không địa vị.
Mùa xuân năm 2004, tôi có dịp quay lại vườn Luxembourg và tìm lại băng ghế ngày xưa. Du khách hẳn đã ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông, hai tay úp vào mặt và bờ vai rung lên khe khẽ. Tôi tha thẩn ra cầu Mirabeau với những câu thơ của Apollinaire còn nhảy múa trong đầu: Thời gian qua. Và những cuộc tình không trở lại. Dưới chân cầu trôi mãi dòng Seine.
Tôi chợt thèm một bát rượu to, thật to để ngửa cổ tu cạn một hơi và vỗ gươm hát như trong Đại địa phi ưng của Cổ Long: Con phải thành danh. Rượu phải say. Say rồi nói chuyện. Nói lời hay (3). Tôi tin rằng Monique vẫn đang ở gần đây, nhìn thấy tôi, hiểu tôi và tha thứ cho tôi vì người ta chỉ thật sự chết khi đã chết trong tim kẻ khác.
Ngoài kia, dường như mùa xuân đang sống lại.
***************************************
(1): Cổ thi. Tác giả tạm dịch: Ngô đồng một lá khẽ rơi. Trần gian ai cũng biết trời sang thu.(2): Le pont Mirabeau, Apollinaire, tác giả tạm dịch.(3): Đại địa phi ưng, Cổ Long, Cao Tự Thanh dịch, NXB Hội nhà văn, 2004.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận