Với bộ phim mới nhất “Arirang” (phim tài liệu tự thuật, đoạt giải “Un Certain Regard” tại Cannes 2011), Kim Ki Duk còn đảm nhận vai trò như là một diễn viên và quay phim.
Phóng to |
Ảnh: festival-cannes.com |
15 năm, 16 phim, một quá trình sáng tạo nghệ thuật đáng khâm phục và Kim Ki Duk có lẽ là đạo diễn được đánh giá cao nhất của điện ảnh Hàn Quốc đương đại.
Từ bộ phim dài đầu tiên “Crocodile” (Cá sấu, 1996) cho đến bộ phim dài gần đây nhất, “Dream” (Ảo mộng, 2008), dường như Kim Ki Duk chưa từng đi chệch khỏi con đường của mình về phong cách làm phim cũng như mục đích làm phim.
Có nhiều ý kiến cho rằng càng về sau này Kim Ki Duk càng lặp lại chính mình, điều này có lẽ đúng nhưng đây là điều khó tránh khỏi khi một tác giả muốn giữ mình trong một môi trường làm phim đầy biến động, chịu nhiều chi phối của tiền bạc.
Và không quá lời khi gọi Kim Ki Duk là một tác giả cực đoan.
Kim Ki Duk đã gây dựng nên một phong cách hoàn toàn riêng biệt, không thể trộn lẫn. Những bộ phim của Kim Ki Duk đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm vốn làm cho không ít người khó chịu, kinh hãi. Nhưng nếu chúng ta nhìn gần hơn, gạt bỏ những thành kiến cá nhân, chúng ta sẽ thấy rằng điện ảnh của Kim Ki Duk tràn đầy tình người và hơi thở của cuộc sống.
Tự nghiệm đời mình với Arrirang
Phóng to |
Đạo diễn Kim Ki Duk |
Với “Arirang”, Kim Ki Duk đã tự nghiệm lại cuộc đời cũng như sự nghiệp của mình, ông tâm sự rằng: “Một nữ diễn viên gần như đã gặp một tai nạn chết người trong lúc quay phim “Dream”. Khi quay cảnh tự sát, người nữ diễn viên bị treo lên và không ai có thể làm gì. May mắn là chúng tôi có một cái thang 50 cm ở bên dưới để đề phòng. Nếu tôi không nhanh chân leo lên thang và tháo dây thì….Lúc đó tôi hầu như lạc lối và đã khóc mà không một ai biết. Giây phút đó tôi không bao giờ muốn nhớ lại, đã làm tôi nhìn lại 15 bộ phim mà tôi đã điên cuồng làm trong suốt 13 năm sự nghiệp”.
Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng khoảng thời gian từ lúc làm “Dream” cho đến “Arirang” là 3 năm (2008 đến 2011), trong khi những phim trước đây được làm với một cường độ liên tục, năm nối năm, có khi một năm làm hai phim (năm 2000 là: “Real Fiction” và “The Isle” (Hoang đảo), năm 2001 là “Address unknown” (Thư nhầm địa chỉ) và “Bad guy” (Kẻ xấu).
“Arirang” dường như là một chặng dừng, một điểm nghỉ chân để Kim Ki Duk tiếp tục bước tiếp trên con đường nghệ thuật.
“Tôi không hối tiếc vì trải đời mình vào phim, nhưng tôi vẫn chưa thể sống thiếu phim.
Tôi muốn sát cánh trong cuộc đời cùng với phim.
Arirang…”
Kim Ki Duk
Một phong cách dị biệt: tình dục và bạo lực
Khi nhắc đến phim của Kim Ki Duk, có hai điều đầu tiên mà đa số khán giả sẽ nghĩ đến: tình dục và bạo lực. Và quả đúng như vậy, hiếm có bộ phim nào của Kim Ki Duk không xuất hiện hai yếu tố này, nếu có khác chăng chỉ là việc tình dục và bạo lực được ngụy trang dưới những hình thái khác mà thôi.
Trong “Samaritan Girl” (Tuổi thơ lạc lối, 2004), Kim Ki Duk đã dẫn ra một hành trình bi kịch của tội ác, bắt nguồn từ sự “ ngây thơ” của hai nữ sinh trong việc bán dâm với đủ hạng đàn ông cho đến sự giận dữ báo thù của người cha.
Bạo lực trong phim mang một ý nghĩa sâu hơn hẳn những phim khác khi người gây ra tội ác lại là một người cha đồng thời là một cảnh sát, và căn nguyên của bạo lực suy cho cùng là sự bất lực của một người cha khi bảo vệ con gái mình, rộng hơn đó là sự bất lực của một con người trước sự vô cảm của xã hội.
Xuất hiện trong phim là những người đàn ông đủ mọi thành phần nghề nghiệp tuổi tác: từ công chức, trí thức, lao động, cho đến nghệ sĩ…những người đàn ông này ngủ với hai cô nữ sinh chưa đủ tuổi thành niên một cách tỉnh táo và bình thường, với những người đàn ông này, mục đích duy nhất của họ là thỏa mãn ham muốn xác thịt bất chấp người con gái ngủ với họ là ai? bao nhiêu tuổi?. Bạo lực trong “Samaritan Girl” như một cách đáp trả vô vọng đối với sự vô tâm/ vô cảm của con người trong một xã hội hiện đại.
Kim Ki Duk đã đẩy tình dục và bạo lực thành một thứ bản năng tự nhiên và đơn giản nhất của con người. Bản năng tính dục đã thôi thúc chàng sư trẻ phá giới từ bỏ cuộc sống tu hành gia nhập cõi đời trần tục, để rốt cuộc gây ra tội ác giết người (Springs, Summer, Fall, Winter...and Springs - “Xuân, hạ, thu, đông,…rồi lại xuân”, 2003). Tình dục trong phim Kim Ki Duk còn là ẩn dụ cho ý chí sự sống của nhân vật, điều này thể hiện rõ trong “Breath” (Hơi thở, 2007).
“Breath” là câu chuyện về một nữ nghệ sỹ mất hết ý chí và niềm vui sống, cô tìm đến một người tử tù xa lạ đã nhiều lần tự sát để kể cho anh ta câu chuyện cuộc đời cô, ca hát, trang trí phòng giam của anh ta bằng những bức tranh phong cảnh theo mùa. Trong lúc làm tình với người tử tù, người phụ nữ đã bóp mũi anh ta, quyết định sống và chết chỉ tồn tại trong giây phút, và người tử tù đã chọn sống, anh ta vùng ta khỏi người phụ nữ.
Cũng trong chính giây phút đó, người phụ nữ tìm lại được ý chí sống cho bản thân mình: một tử tù chắc chắn sẽ chết còn khao khát thở huống chi mình. Cô rời bỏ nhà tù trong trời đông trắng xóa như ẩn dụ cho sự kết thúc và đồng thời cũng là sự khởi đầu cho một hành trình mới.
Tình dục và bạo lực tồn tại trong phim Kim Ki Duk biến cuộc sống thành một khối rubic nhiều mặt đa sắc. Khối rubic ấy không trật tự về màu sắc, mà đó là sự đan xen lẫn lộn. Nó hỗn loạn như chính cuộc sống này, nó mập mờ giữa trắng-đen cũng như sự mơ hồ giữa cái thiện và cái ác trong cuộc đời.
Điện ảnh của Kim Ki Duk đã cho chúng ta nhìn con người từ những gì đen tối nhất, xấu xa nhất và bằng cách này cuộc đời hiện lên một cách trần trụi, chân thực, không chút sơn phết.
Một ngày trước khi diễn ra lễ trao giải Cành cọ vàng, liên hoan phim Cannes đã trao giải Một góc nhìn (Un Certain Regard) cho hai nhà làm phim Kim Ki Duk với bộ phim Arirang và Andreas Dresen với Stopped on Track (Ngừng theo dõi). Tuy nhiên, việc trao giải cho nhà làm phim Hàn Quốc Kim Ki Duk với bộ phim về chính mình đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong giới phê bình. Trong phim, Kim Ki Duk một mình vào ba vai người phỏng vấn, người được phỏng vấn và cái bóng của chính mình. Cách làm phim này đã được một số nhà phê bình hoan nghênh là sáng tạo và độc đáo. Tuy nhiên, số khác lại cho Kim quá “mạnh tay” trong việc chỉ trích các đồng nghiệp xứ Hàn chạy theo đồng tiền, làm ra những bộ phim câu khách rẻ tiền. Điều đó khiến cho bộ phim trở nên khá khá nặng nề và nhạy cảm. (trích từ tin kết quả giải Cannes 2011 trên Tuổi Trẻ Online) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận