Dưới mưa - tác phẩm của Mai Thanh Chương (trái) và Thăm phố ngày mưa - tác phẩm của Lưu Bích Thuận |
Trong những năm qua, trong làng nhiếp ảnh Việt Nam xuất hiện những bức ảnh “giống nhau như 2 gọi nước” không phải chuyện hiếm.
Mới đây nhất là vụ việc bức ảnh Buổi sáng mùa đông của Nguyễn Trọng Nghĩa đoạt HCV cuộc thi ảnh Arbella lần 6 (Thổ Nhĩ Kỳ) “giống như đúc” tác phẩm Vó đánh cá của Lý Hoàng Long, khiến nhiều bạn đọc TTO lý giải hiện tượng "sinh đôi" này một cách vừa nghiêm túc vừa hài hước:
Bạn Hoài Lê phân tích: "Có một thực tế cần phải nhìn nhận là có khá đông các nhiếp ảnh gia khi đi sáng tác thường đi theo nhóm. Khi đó, đối tượng của các nhiếp ảnh gia chỉ có một nhưng người chụp lại nhiều. Họ chụp cùng một bối cảnh, cùng một góc chụp và cùng một thời điểm, do đó các bức ảnh tương đồng nhau là điều dễ hiểu.
Chỉ khi nào họ tách nhau ra, sáng tác độc lập, bỏ các tư duy sáng tác "bầy đàn" và tự mình chiêm nghiệm, tự mình đi tìm cái mới thì những trường hợp như thế mới không xảy ra.
Một khía cạnh khác cũng cần phải nhìn nhận ở góc độ con người, tức là việc đối nhân xử thế. Đó là khi đi sáng tác cùng nhau, tức là "cùng hội cùng thuyền" với nhau, có mối quen hệ trong giới nghệ thuật với nhau nhưng khi bức ảnh của người này đạt giải, người khác cũng đứng lên, trưng ra một bức ảnh tương tự để chứng minh "nếu tôi đi thi tôi cũng đạt giải" hoặc những lý do khác như thế thì xem ra cách đối xử sự với nhau xem ra chưa thực sự tử tế.
Bỏ qua mọi giá trị nghệ thuật, cái con người ta cần với nhau là tấm lòng, là sự tử tế chứ không phải là những giải thưởng danh vọng, nhất là đối với nghệ thuật thì cần những giải thưởng cho chính tâm hồn của mình, cho sự thăng hoa của bản thân trước cái đẹp".
Buổi sáng mùa đông - tác phẩm của Nguyễn Trọng nghĩa |
Vó đánh cá - tác phẩm của Lý Hoàng Long |
Bạn đọc Phạm Ngọc Triển lý giải thêm: "Đây là hậu quả của việc rủ nhau đi sáng tác lâu nay của không ít nhiếp ảnh gia Việt Nam, ở trong nước giám khảo còn kiểm soát không hết sự trùng nhau như anh em sinh đôi, sinh ba..., nói gì giám khảo nước ngoài làm sao mà biết được".
Còn bạn đọc Dale tỏ ra bức xúc: "Đây là nỗi khổ của người trong cuộc. Nếu đi sáng tác một mình thì bị cho là ích kỷ không đoàn kết giúp đỡ cho anh em còn chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Nhưng nếu đi cùng để dàn dựng thì tất cả sẽ giống nhau. Biết làm sao? Buồn hơn nữa có nhiều người còn phủ nhận công sức của người dẫn dắt. Cái tôi của họ cao hơn tất cả... buồn lắm!".
Trong khi đó bạn đọc LHThanh cho rằng hiện tượng "sinh đôi" trong nhiếp ảnh này là ngày nay ai cũng có thể dễ dàng sở hữu một chiếc máy ảnh xịn và ai cũng nghĩ mình là nhiếp ảnh gia:
"Ngày xưa, thời ông tui làm phóng viên nhiếp ảnh, máy ít, người ít, thầy hiếm. Chụp bô nào ra bô đó, Chụp hư là mất tiền phim, tiền thuốc, tiền giấy ảnh... Nay máy dễ, ai cũng chụp được, không mất thêm tiền gì cả, chỉ thiếu tài, thành ra phải... giống nhau".
Bạn đọc Photo copi phân tích: "Kéo nhau đi chụp hình tập thể, chen nhau chụp với cùng một góc nhìn, ăn theo ý tưởng, sự dàn dựng của ai đó thì phải gọi là thợ chụp ảnh, chứ không phải nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đừng tự huyễn hoặc, ảo tưởng với "tài năng" của mình nhé!".
Bạn đọc Lê Nguyễn lại hài hước đề xuất: "Thay vì tổ chức thi ảnh, tôi đề nghị hội nhiếp ảnh nên tổ chức một cuộc thi "tìm 10 điểm khác nhau" giữa các tác phẩm nhiếp ảnh VN đoạt giải, có lẽ sẽ khuấy động phong trào nhiếp ảnh nước nhà lên một tầm cao mới, thoát khỏi tình trạng sáo mòn trong sáng tác nhiếp ảnh hiện nay!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận