26/02/2009 14:09 GMT+7

Mong ước làng Sình

Theo HẠNH NHIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo HẠNH NHIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Da đậm vì nắng, đôi bàn tay chai sần vì lao động, trông nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giống như bao “lão nông tri điền” của bất kỳ làng quê nào; thế nhưng ông hiện là người đang nắm giữ vận mệnh của một dòng tranh dân gian truyền thống xứ Huế - tranh thờ cúng làng Sình.

BxwPVhTD.jpgPhóng to
Ông Kỳ Hữu Phước đang in tranh

Ở tuổi 62, ông Phước là cháu đời thứ chín của ông tổ làng tranh nổi tiếng này. Câu chuyện của ông về tranh làng Sình được bắt đầu từ một hồi ức không vui. Đó là những năm bao cấp chưa xa, khi mà tranh thờ cúng làng Sình được xem là thứ sản phẩm của mê tín, dị đoan. Thời đó, hầu hết người dân làng nghề đã đem các loại bản khắc chẻ làm củi. Riêng mình ông Phước âm thầm đem những bản khắc của cha ông bó lại, bọc nylon và chôn chúng xuống đất. Trong những năm tháng khó khăn ấy, thi thoảng ông cũng lén lút in một ít bộ tranh rồi đem bán “chui” cho những ai có nhu cầu…

Nhưng bây giờ thì làng tranh đã bắt đầu khác. Từ chỗ chỉ có mình gia đình ông Phước, dần dà có thêm vài hộ nữa lấy nghề in tranh làng làm kế sinh nhai, đến nay thì làng Sình đã có 32 hộ cùng làm nghề truyền thống của tổ tiên. Tranh thờ cúng làng Sình bây giờ không chỉ được tiêu thụ ở Thừa Thiên - Huế mà còn ra Quảng Trị, Quảng Bình hay vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Khó có thể tính tròn số lượng tranh đã được bán ra trong một tuần, một tháng hay một năm. Người làm tranh làng Sình quy sản phẩm mình làm ra bằng thu nhập hàng ngày, trung bình là 20.000 đồng, cao thì 50.000 - 70.000 đồng/ngày.

DlzZrN19.jpgPhóng to
Bà Kỳ Hữu Phước tô màu tranh

Ông Kỳ Hữu Phước cho biết thật ra bà con làng Sình cũng chưa sống được bằng nghề nhưng “rứa là vui lắm rồi”. Vui không chỉ vì “buôn có bạn, bán có phường” mà quan trọng là “nghề truyền thống của tổ tiên vẫn còn giữ được lửa”. Nhưng ông cũng tiếc là tranh bây giờ không còn giữ được nét xưa. Vẫn bản khắc ấy, hình vóc ấy nhưng giấy đã là giấy công nghiệp, màu bằng hóa chất lúc nào cũng sẵn có ở chợ, dù sắc có sặc sỡ hơn, dễ làm tranh hơn nhưng trông chúng thiếu tự nhiên và mất đi độ chín, đậm đà của màu pháp lam xưa…

Khi đề cập đến cách làm tranh theo đúng quy trình truyền thống xưa, giọng của ông Phước chợt đằm lại trong ánh mắt như rưng rức nhớ. Ông bảo rằng phải đầu tư rất nhiều công sức để có được những tờ tranh, sau khi có bản khắc, phải xuống biển lặn lấy điệp, lên rừng đào rễ cây, hái hoa, phải tìm những cỏ cây có màu tự nhiên để nấu cho ra màu phết lên tranh. Có loại màu chỉ cần hai giờ đồng hồ nấu là thành nhưng có loại như màu đỏ hồng phải nấu đúng ba ngày hai đêm mới đạt đến độ chuẩn.

Giấy thì nhất định phải là giấy dó. Bản khắc phải dùng gỗ mức, gỗ mít và bút vẽ thì nhất định phải bằng rễ cây dứa hoang ngoài đồng và chắc chắn phải là đoạn có thân cong, cách mặt đất cỡ gang tay… Tranh làm theo quy trình này, theo ông Phước, sẽ không bao giờ phai màu, chỉ cũ đi cùng năm tháng mà thôi.

nC9gdq7I.jpgPhóng to
Tranh Bà

Lần làm tranh đúng trình tự xưa của ông Phước đã cách đây non mười năm. Lần đó, ông đã làm đầy đủ các bộ bát âm, con giáp, thế mạng… tổng cộng 200 bức để phục vụ một cuộc triển lãm theo đơn đặt hàng của UNESCO. Vài năm trở lại, ngoài việc cung cấp bản khắc gỗ cho người thợ làng nghề mà chỉ có ông mới thực hiện được, thi thoảng ông và cả gia đình mang tranh phiên bản tham gia trưng bày tại các festival làng nghề, Festival Huế hay hội chợ hàng thủ công truyền thống…

2j5Vjbqy.jpgPhóng to
Ông Kỳ Hữu Phước đang chạm bản khắc

Tranh Ông, tranh Bà, tranh đàn ông, phụ nữ, trẻ con, tranh súc vật… của làng Sình được nhiều người mua về thờ cúng để cầu an, cầu khỏe mạnh… hoặc để gửi gắm tình thương yêu cho những người đã khuất… Những bức tranh dân gian đó vừa được nghệ nhân Kỳ Hữu Phước và gia đình ông phục dựng tại làng Lại Thế (do Newspace Arts Foundation tổ chức trong hai ngày 14, 15-2-2009), đã đem đến thật nhiều cảm xúc cho khách thưởng lãm, nhất là những khách phương xa nghe tin tìm đến đây. Song đau đáu trong lòng nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vẫn là nỗi mong mỏi và ước ao sao cho người dân làng Sình của ông rồi sẽ sống được với tranh.

NB4Pi6nD.jpgPhóng to
Khách tham quan có thể tự tay thực hiện các công đoạn in và tô màu tranh

Tranh thờ cúng làng Sình (làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách TP. Huế khoảng 9 km), đặc biệt là tranh thế mạng, rất phổ biến trong đời sống tâm linh dân gian của người dân ở Thừa Thiên - Huế và còn được dùng trong những lễ nghi cúng tế ở nhiều miền quê Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Nội dung của tranh thế mạng là hình vẽ đàn ông, đàn bà nhiều bậc tuổi và cả tranh trẻ em.

ZGWbCdBg.jpgPhóng to
Tranh trâu để dán chuồng

Ngoài ra còn có tranh các con giáp, tranh vật nuôi như trâu, bò, heo... để dán ở chuồng trại. Những tranh Bà, tranh Ông Tra Điệu, tranh bếp... rất gần với tranh thờ miền núi phía Bắc. Ngoại trừ tranh Bà được dán lên tường nhà cuối năm mới đốt, còn lại tất cả tranh khác đều đốt cùng với vàng bạc hàng mã sau khi cúng.

Về mặt nghệ thuật, đường nét trong tranh thờ làng Sình không trau chuốt, như tranh thờ Hàng Trống mà bình dị, chân chất, màu sắc cũng đơn giản. Ngay các bản khắc và các bản in đen trắng tranh làng Sình cũng đã mang giá trị tạo hình đặc sắc.

yEN5dfMh.jpgPhóng to bUqJ3mgX.jpg
Tranh thế mạng nam, nữ

Trong chương trình Festival Huế 2004, một nhóm nghệ nhân làng Sình, trong đó có ông Kỳ Hữu Phước cùng vợ và con trai, đã lần đầu tiên phục dựng một quy trình in tranh làng Sình. Sau khi festival kết thúc, 25 bản khắc gỗ nhiều đề tài do ông Phước thực hiện đã được sưu tập và trưng bày tại văn phòng Festival Huế.

Làng Sình là một làng cổ nổi tiếng với chùa Sùng Hóa từng được ghi trong sách Ô Châu Cận Lục từ 400 năm trước. Ngoài nghề làm tranh dân gian làng Sình còn có lễ hội vật đầu xuân thu hút nhiều du khách.

Theo HẠNH NHIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên