09/03/2011 06:27 GMT+7

Mong nhiều bài viết về người nghèo

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Sau bài viết “Chuyện người bán vé số” (Tuổi Trẻ ngày 4-3), nhiều bạn đọc đã đến tòa soạn gửi tiền giúp đỡ ông Nguyễn Phát Đạt. Có bạn đọc không ngại đường xa, tìm đến tận nơi ông Đạt ở để gửi tiền, quà bánh.

8beSdyL4.jpgPhóng to
Anh Ngọc Duyên - Ảnh: H.T.V.

Năm ngày sau khi bài viết đăng tải, bạn đọc đã gửi giúp ông Đạt hơn 140 triệu đồng (trong đó có 15 triệu đồng bạn đọc đến trao tận tay ông Đạt). Hiện ông Đạt đã thuê được nhà với giá 600.000 đồng/tháng. Ông cũng đến bệnh viện và được bác sĩ điều trị vết thương, truyền dịch để sớm hồi phục sức khỏe.

Người đầu tiên góp phần giúp cuộc đời, số phận của ông Đạt đổi thay là anh thanh niên 25 tuổi Nguyễn Ngọc Duyên (thường gọi Ngọc Duy). Anh là người đã báo tin, hỗ trợ liên lạc với người bán vé số, cung cấp băng ghi hình cho chúng tôi thực hiện bài viết và nhiều bàn tay, tấm lòng nhân hậu của bạn đọc khắp nơi mới biết để nâng đỡ, giúp sức cho người đàn ông bán vé số vượt qua bệnh tật, khổ nghèo.

Duyên kể khoảng 19g tối 28-2, người chị họ của anh đi làm về thấy một người đàn ngồi lặng lẽ trong bóng tối bên lề đường Lê Văn Việt, Q.9, TP.HCM. Ghé lại hỏi thăm, chị thấy người đàn ông ốm yếu, mệt mỏi, áo dính bê bết máu. Chị dặn ông ngồi đợi và chạy về gọi Duyên tìm cách giúp đỡ. Duyên đưa ông Đạt đến nhà thuốc băng bó vết thương, mua thuốc uống. Không chỉ Duyên mà một số người dân thấy vậy cũng ghé lại, người giúp vài chục ngàn đồng, người về lấy quần áo cho ông thay.

Có người mang cơm, thức ăn bỏ vào hộp giúp ông Đạt bữa tối. Sau đó Duyên gọi xe ôm cho ông về. Khi biết ông Đạt không có số điện thoại, địa chỉ nhà thì khó tìm, Duyên liền ghi cho ông số điện thoại của mình vào tờ giấy và dặn ông nhớ liên lạc lại.

“Khi gặp một người khó khăn, bệnh hoạn lại không được chăm sóc sức khỏe chu đáo, không chỉ tôi mà ai thấy đều rất đau lòng. Ông bán vé số quá tội nghiệp. Nếu không ai phát hiện thì chưa biết ông sẽ ra sao, không biết tối nay ông ngủ đâu, có bị làm sao không trong khi máu bị mất quá nhiều...” - Duyên tâm sự.

Lúc đầu Duyên không có ý định gọi đến Tuổi Trẻ báo tin, tới khi nghe ông Đạt nói bị mất chiếc xe đạp thì anh chạy đến mấy trụ sở công an phường hỏi thăm để tìm lại chiếc xe cho ông. Thế nhưng nơi thì nói không phải khu vực họ quản lý, nơi thì bảo không biết. Duyên phải tự mình đi xác minh. Khi được người dân cho biết sự việc đúng như ông Đạt kể, anh mới quyết định gọi báo tin cho Tuổi Trẻ.

Là nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản nhưng Duyên luôn quan tâm đến cuộc sống và số phận những người nghèo khó xung quanh. Gặp vấn đề gì đặc biệt anh luôn gọi đến cơ quan chức năng để phản ảnh và yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ người dân.

“Sau khi đọc bài viết về ông Đạt trên Tuổi Trẻ, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi và người thân dù có nỗ lực cách mấy mà không có sự lên tiếng của Tuổi Trẻ thì cũng khó mang lại cuộc sống đổi thay cho người bán vé số như vậy. Bên cạnh những người có cuộc sống đầy đủ, giàu có, còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Tôi mong báo có thật nhiều bài viết về những người nghèo như thế này” - Duyên nói.

Bên cạnh sự nghiệt ngã...

Bên cạnh sự nghiệt ngã của cuộc đời vẫn còn lóe lên một vài sẻ chia của những người tốt bụng, như bạn đọc Ngọc Duyên chẳng hạn. Việc bức xúc trước những sự bất công, vô tâm với thân phận và nỗi đau con người cũng chính là một dạng rung cảm mang tên tình thương, tình đồng loại. Vì xót xa, rung cảm, cùng đau với sự nghiệt ngã của thân phận con người (cụ thể là người nghèo, thấp cổ bé họng) nên Duyên mới phản ứng, đứng ra cầu cứu đến những nơi mà anh biết là sẽ lắng nghe và luôn sẵn lòng chia sẻ.

TRẦN TRỌNG HIẾU (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên