Phóng to |
Đoàn TP.HCM tham gia diễn đàn trẻ em quốc gia 2009 tham dự hội trại tại khu biệt thự Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng |
Những điều các em bày tỏ không to tát: chỉ là điều các em nghĩ, các em mong muốn nhưng khiến người lớn phải suy nghĩ.
Nghĩ đến cộng đồng
Đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc có sáu bạn nhỏ. Thay vì những “khẩu hiệu” thường thấy mỗi khi có diễn đàn trẻ em: trẻ em muốn được tôn trọng, không bị áp đặt, được phát triển toàn diện..., lần này sáu bạn nhỏ Vĩnh Phúc nói những câu chuyện thật cụ thể: cần đưa an toàn giao thông vào chương trình học ở trường. “Dù đã có nhưng qua quan sát, chúng cháu thấy thầy cô vẫn thờ ơ với chủ đề này. Cần có những biện pháp xử lý thích đáng với người vi phạm luật giao thông. Hãy hạn chế sử dụng túi nilông và vứt rác bừa bãi, chúng cháu mong muốn Vĩnh Phúc có nhà máy xử lý rác thải để chúng ta cùng bảo vệ môi trường” - các em nói.
Một câu chuyện khác của cậu bé lớp 6 Nguyễn Trọng Hữu đến từ tỉnh An Giang. Hữu kể quê em chưa có khu vui chơi, nhà văn hóa và nhà trẻ. Lý do để em biết khu vực này chưa có nhà trẻ vì có nhiều trẻ con ở nhà! “Ở nhà cha mẹ bận việc, có khi trẻ con bị lơ là, nghịch ngợm và có thể gặp nguy hiểm. Ở nhà trẻ, trẻ có điều kiện được chăm sóc hơn” - Hữu nói. Cậu học sinh lớp 6 này chưa hề biết trò chơi gì ngoài kéo co và đu quay, chơi cầu trượt ở trường mẫu giáo, giờ lớn rồi cậu không dám vào chơi. Các môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, Hữu rất ít được thấy tận mắt, chỉ được nhìn qua tivi.
Anh Đào Duy Biên, cán bộ Sở Lao động - thương binh & xã hội Lào Cai, kể tỉnh Lào Cai có tổng số 230.000 trẻ em dưới 16 tuổi, nhưng ngoại trừ khu vui chơi ở TP Lào Cai, 8/8 huyện còn lại đều chưa có khu vui chơi riêng cho trẻ.
Ở diễn đàn, câu chuyện của trẻ em cho thấy tỉnh thành nào cũng thế, sân chơi cho trẻ nay thành chỗ bán hàng, thậm chí thành sân tennis cho người lớn. Chả thế mà bạn Lâm Thị Thắm, học sinh lớp 8 ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), kể mỗi khi rỗi rãi, các bạn nhỏ Bắc Hà thường chạy chơi ngoài đường hoặc sang chơi nhà hàng xóm. Nói về mơ ước, Thắm mong lớn lên trở thành giáo viên dạy đàn, còn mong ước hiện tại là các thầy cô, người lớn ngăn chặn được tình trạng tảo hôn ở quê bạn, nhiều bạn gái mới 13-14 tuổi đã phải lấy chồng, không biết nuôi dạy khi sinh con và con các bạn thường bị suy dinh dưỡng!
Trong khi đó, các bạn nhỏ TP.HCM kêu gọi giảm áp lực trong học hành, xóa bỏ “bệnh thành tích”, xây dựng nhiều mái nhà yêu thương để không còn trẻ cơ nhỡ trên đường phố. Các bạn Quảng Ninh đề nghị có sự tham gia của trẻ em trong những vấn đề liên quan đến trẻ; muốn được thực hiện, giám sát và đánh giá việc thực thi quyền trẻ em. Các bạn nhỏ Hà Giang lại mong ngăn chặn nạn phá rừng. Trẻ em đã không chỉ mơ ước cho riêng mình mà biết nghĩ đến cộng đồng, đến tương lai, đến bạn bè...
Phóng to |
Nhiều mục tiêu chưa đạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Hải Hữu, cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh & xã hội, thừa nhận: có nhiều điều trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2001-2010 thực hiện chưa đạt. Ông Hữu cho biết hiện VN là một trong 20 quốc gia có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới.
Tại VN, bạo lực với trẻ em đang trở thành vấn đề bức xúc, trẻ em lang thang, vào đời lao động sớm gia tăng, khu vui chơi giải trí cho trẻ thiếu thốn. Chưa kể những tiêu cực trong giáo dục. “Các cháu nói gánh nặng của việc đi học, ngoài chuyện nặng sách vở còn nặng cả tài chính, nhiều cháu không có tiền đóng góp” - ông Hữu nói.
Ông Hữu cũng thừa nhận việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến trẻ em thời gian qua còn chậm do hệ thống thông tin báo cáo kém. Bộ Lao động - thương binh & xã hội đã có quy định cụ thể khi xảy ra vấn đề liên quan đến trẻ em thì vai trò của từng ngành, cấp cụ thể ra sao. Một vài việc ngành lao động - thương binh & xã hội đã vào cuộc, ví dụ như tình trạng sử dụng lao động vị thành niên ở trường đua ngựa Phú Thọ hoặc thiếu chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi ở Trung tâm Việt Lâm, tỉnh Phú Thọ.
Sau hội thảo, ngày 4-8, Bộ Lao động - thương binh & xã hội sẽ mời lãnh đạo các bộ, ngành đến nghe những vấn đề của trẻ em. Đây cũng là cơ sở để xây dựng chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn tới phù hợp với trẻ em hơn. Và từ 2009, mỗi năm sẽ có một lần các bạn nhỏ được tập trung lại và kể những câu chuyện, mơ ước của mình tại diễn đàn quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận