11/11/2014 12:13 GMT+7

​Mong có cầu để thôi đu cáp qua sông

TRUNG TÂN ghi
TRUNG TÂN ghi

TT - Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Bích Lành (28 tuổi) - con cả của ông Nguyễn Chua (người đã tử nạn hôm 26-10 khi đu cáp vượt sông ở thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk).

Hằng ngày, người dân vẫn phải liều mình vượt sông bằng “cáp treo” như thế này - Ảnh: Trung Tân

Chị Lành nói:

Không riêng gì gia đình tôi, mỗi ngày hàng trăm người dân thôn 6 đều phải dăm ba lần treo mình trên sợi cáp, đánh cược mạng sống với thủy thần. Bởi tất cả hoa màu, cà phê, bãi chăn thả trâu bò... đều bên kia sông Krông Ana. Những tai nạn như trầy da, bong gân khi tiếp đất là chuyện thường ngày với người dân nơi đây.

Tại bến sông này, ngày 25-8 mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Thọ) cũng bị té ngã, trọng thương khi đang đu cáp. Vết đau chưa lành thì cha tôi gặp nạn. Làm đám tang cho cha xong, cả nhà lại phải tất bật qua sông thu hoạch cà phê. Nếu thu hái chậm sẽ bị trộm hái hết. Tài sản trong một năm trời của gia đình đều bên kia sông nên đành phải nén nỗi đau, sợ hãi lại.

Cả ba hộ của cha mẹ, vợ chồng tôi và em trai tôi có khoảng 5ha cà phê, hoa màu đều bên kia sông. Tất cả tiền tiêu pha, ăn học cho con cái đều phụ thuộc mảnh rẫy ấy, không qua sông đi làm biết sống bằng gì. Hằng đêm đàn ông, trai tráng phải 3-4 lần đu cáp vượt sông để đi canh rẫy, chống trộm. Nếu tai nạn xảy ra vào đêm khuya, thật sự là quá nguy hiểm.

Ngay bản thân tôi, năm trước khi đang mang bầu, sắp sinh cũng phải đu cáp qua sông đi làm. Gia đình ít người, nhân công không ai dám đu dây để đi làm thuê nên mình đành liều. Nhiều người nói người dân nơi đây chắc không chịu đi đường xa để qua cầu, chỉ muốn vượt cáp cho tiện...

Nói vậy là tội cho chúng tôi. Nếu có cầu cách 2-3km, người dân chúng tôi không ai dám liều mạng sống của mình để vượt cáp như vậy.

Ở đây, cả thôn muốn qua rẫy phải đi vòng rất xa, hơn 60km. Quãng đường từ thôn đến cầu qua sông chỉ 10km, nhưng từ cầu bà con phải đi chừng 50km nữa mới đến được rẫy. Mỗi ngày phải đi về 120km thì làm sao tiện cho việc thu hái, chăm sóc cà phê?

Sử dụng cáp để vượt sông thì bà con chỉ đi khoảng 2-3km từ nhà đến rẫy, nên dù nguy hiểm ai cũng phải đi. Cũng không thể đi xuồng qua sông vì đoạn sông này nước lớn, thuyền lật úp thường xuyên. Lúc trước, tôi không dám đu dây nên thường dùng thuyền nhỏ để qua sông và từng ba lần chìm xuồng, suýt chết cách đây mấy năm. Từ đó, cả thôn không ai dám đi thuyền nữa.

Mới đây, cả thôn bàn nhau định làm “cầu cáp treo”. Chiếc cầu này cũng được làm bằng những sợi dây cáp, người dân sẽ lát ván, gỗ lên để đi qua. Nhưng bàn bạc mãi thấy phương án đó không khả thi vì tốn kém, thiếu an toàn và nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi trong nay mai. Nói như thế để thấy cáp treo là phương tiện đi lại bất đắc dĩ.

Chúng tôi mong mỏi một cây cầu treo đảm bảo an toàn. Để hằng ngày người dân qua sông, vận chuyển hàng hóa được an toàn. Để người dân, đặc biệt người già, phụ nữ và trẻ em không phải đu cáp qua sông trong lo âu, sợ hãi mỗi ngày. Có cầu, những tai nạn đau buồn như gia đình tôi sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Không ai dám tin

Trong 84 phản hồi của bạn đọc về phóng sự ảnh “Không đu dây, biết đi bằng gì?” đã có nhiều lời xót xa cho những người dân hằng ngày phải đánh cược mạng sống của mình khi đu cáp vượt sông làm rẫy.

Bạn đọc Lê Ngọc kêu lên: “Sao có những nơi người dân khổ đến vậy!”, bạn đọc nguyendinhdong cũng bày tỏ: “Thế giới hiện đại nếu xem cảnh qua sông bằng dây này hẳn không ai dám tin. Bởi lẽ với một nước đang phát triển như nước ta, cảnh này có chăng chỉ là trong phim mà thôi”.

Bạn đọc Hải Phúc đặt vấn đề: “Thật thảm thương quá! Mỗi lần qua sông là một lần phó mặc mạng sống cho tử thần. Các công trình này đầu tư không bao nhiêu tiền, sao Nhà nước không lo cho dân?”.

Bạn đọc Nguyễn Anh Kiệt cũng đặt câu hỏi: “Người dân ở vùng quê phải đánh cược với tử thần như thế này chỉ vì không có được những cây cầu để đi lại hằng ngày. Chính quyền cơ sở từ xã, huyện đến tỉnh ở đâu, hay họ phải lo những chuyện to tát, trọng đại hơn nên không có thời gian để mắt đến những chuyện nhỏ bé như vậy?”.

Cũng có bạn đọc cho rằng việc đầu tư cây cầu ở nơi chỉ có chừng 100 hộ dân là không hiệu quả, trong khi ngân sách chung còn khó khăn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu trân trọng mạng sống người dân thì hoàn toàn có thể có giải pháp.

Bạn đọc Trần Văn Sáu viết: “Ngân sách từ trung ương đến địa phương đều kêu khó khăn, it ỏi, nhưng nhiều trụ sở từ xã, huyện, tỉnh đến cơ quan trung ương đều nguy nga, hoành tráng, trang thiết bị cao cấp... Nếu thấu hiểu cảnh khốn khổ của dân như kiểu đu dây qua sông nguy hiểm như vậy sẽ không đua nhau xây trụ sở lớn...”. Bạn đọc Phạm Thu Phương đề nghị: “Nếu chưa xây được cầu thì hãy làm cáp treo an toàn cho dân qua sông vậy”.

N.N. tổng hợp

 

TRUNG TÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên