![]() |
Peter (phải) và Trần Đình Phương, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, đã gõ cửa rất nhiều nơi, trò chuyện với nhiều thủ lĩnh thanh niên, với các hội đoàn và những người dân mà họ tình cờ gặp trên phố. Phương dịch, Peter ghi chép |
Gửi lại tòa soạn Tuổi Trẻ một bản nghiên cứu trước khi lên đường về nước, Peter bảo: “Chỉ là bước đầu tiên, tôi sẽ trở lại để thực hiện nốt nhiệm vụ mà tôi đã nhận lãnh từ những người bạn bị nhiễm chất độc da cam của mình...”.Peter là sinh viên Trường ĐH Carleton. Anh sang VN trong chương trình giao lưu SV quốc tế SIT (do Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM phối hợp với các ĐH Mỹ thực hiện). “Trước khi sang VN, tôi không biết đến chất độc da cam.
Chỉ đến khi tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của NVH Thanh niên, tôi mới nghe nhắc đến vấn đề này. Và không biết vì sao mọi suy nghĩ của tôi chỉ còn tập trung đến các nạn nhân... Tôi quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của mình về các nạn nhân, muốn kể lại điều này với mọi người. Có lẽ, tôi sẽ tập viết báo...”. Nghiên cứu của Peter, như anh mô tả, chỉ nhằm vẽ nên một bức tranh về cuộc vận động đòi bồi thường và công nhận nạn nhân chất da cam ở VN.
Anh tâm sự thật lòng: “Tôi không phải là nhà khoa học, luật sư, cũng chẳng là bác sĩ và việc xác định liệu tác nhân da cam có gây ra những vấn đề sức khỏe cho người VN hay không nằm ngoài tầm với của mình”. Peter chỉ muốn hệ thống lại sự hình thành của cuộc vận động, vai trò của báo giới truyền thông, trường học và thanh niên, cuộc gây quĩ và nhất là tìm hiểu động cơ sự tham gia nhiệt tình của hàng trăm nghìn người VN cho cuộc ký tên vì nạn nhân da cam.
Peter phát hiện “sự ủng hộ của dân Việt cho các nạn nhân là vì công lý hơn là vì tiền. Họ tìm kiếm từ Chính phủ Mỹ, từ các công ty Dow và Monsanto cùng những công ty khác, và có thể toàn thế giới, sự thừa nhận rằng một tội ác khủng khiếp đã được thực hiện”.Và dù ngay từ đầu, người thanh niên Mỹ này khẳng định anh không nhằm tìm kiếm liệu có phải chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ rải xuống VN đã gây ra những nỗi thống khổ cho các nạn nhân da cam hay không, anh cũng phải thừa nhận: “Thật khó để một con người có lòng trắc ẩn có thể giữ thái độ vô tư và phi thực tế trước vấn đề da cam này”.
Gặp Peter sau một lần anh tới thăm các em nhỏ ở làng Hòa Bình, anh kể: “Thật hạnh phúc. Hôm nay bọn tôi vừa vào thì các em đã nhận ra người quen và chơi đùa với nhau rất thân thiết. Cái cảm giác hơi ngần ngại của ngày hôm qua đã biến mất rồi. Chúng tôi không chụp ảnh các em mà chỉ muốn lưu giữ những hình ảnh về một nụ cười mãn nguyện khi chọn đúng màu sắc, hình ảnh về một giấc ngủ ngon sau khi ăn no... Tôi không thể chụp ảnh vì chưa đủ sức thể hiện tất cả những điều này, có thể những bức ảnh sẽ lại phản tác dụng. Nên trong nghiên cứu của mình, tôi không có bất kỳ bức ảnh nào cả, chỉ có những lời tâm sự từ đáy lòng của tôi mà thôi...”. Kết luận cuộc tìm kiếm của mình, Peter viết: “Việc những kẻ có thể giúp các em này đang lẩn trốn đằng sau cái gọi là tuân thủ pháp luật và sự nhập nhằng khoa học có lẽ mới là bi kịch lớn nhất”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận