Thế nhưng sự sáng tạo của họ đã làm nên những bữa ăn nhiều món đặc sắc, bổ dưỡng và hương vị thơm ngon, ăn mãi không ngán.
Sữa - quà tặng của thảo nguyên
![]() |
Bữa điểm tâm toàn các món từ sữa |
Thành phố Hồi Hột, thủ phủ vùng Nội Mông được gọi một cách trìu mến là “thành phố sữa” bởi nơi đây có ngành công nghiệp sữa phát triển bậc nhất Trung Quốc. Dưới mỗi mái lều hay trên lưng ngựa của người địa phương, các món ăn từ sữa dê, sữa ngựa là thực phẩm chính hàng ngày.
Món sữa tưởng chừng đơn giản lại có thể biến tấu thành nhiều chủng loại món khác nhau, như bơ, váng sữa, phô mai, trà sữa, sữa chua, bánh sữa… với đủ các hình dạng và tên gọi. Đơn cử như váng sữa cũng được chia thành từng cấp bậc có độ béo và hương vị khác nhau.
Trong bữa sáng đầu tiên tại một ngôi lều homestay ở đây, chúng tôi được mời dùng điểm tâm đúng kiểu thảo nguyên, thưởng thức đủ những món ăn làm thủ công từ sữa. Chiếc bàn xinh xắn bày biện bảy món sữa theo nhiều gam màu từ trắng ngà, trắng kem, vàng nhạt, nâu nhạt với đủ hình dạng từ tròn, hạt lựu, hình xoắn… chỉ nhìn đã thấy bắt mắt. Các món ăn đều có vị béo mà không ngấy, cũng không hề có mùi gây.
![]() |
Bánh sữa |
Đầu tiên là những viên váng sữa “loại một” tròn xoe như hòn bi, nhỏ bằng đầu ngón tay út, mềm và có độ dẻo, thơm mát tan ra từ từ trên đầu lưỡi. Tiếp đó là váng sữa loại hai có hình đá ong, ăn thấy giòn xốp rồi đến món phô mai sữa dê mềm mại, béo ngậy. Hớp thêm một chút trà sữa, thực khách bỗng thấy cái lạnh thảo nguyên trở nên dễ chịu hơn.
Có lẽ vì thức uống có màu nâu nhạt nên được gọi là trà, còn trong thành phần nguyên liệu hoàn toàn là sữa. Đó là những tảng váng sữa chuyên dùng làm nước uống, ép cho thật rắn để giữ lâu. Khi cần dùng, tảng băng sữa được đập vụn ra, cho vào chén và đổ nước sôi hòa tan.
Trà sữa có mùi thơm nhẹ và hơi béo, riêng người dân vùng thảo nguyên còn cho thêm chút muối để tạo vị mằn mặn để uống được lâu hơn do đây là thức uống chống lạnh hết sức hiệu quả. Có lẽ nhờ dùng sữa nhiều như vậy mà người Nội Mông rất cao lớn, trời lạnh cắt da nhưng vẫn giữ ấm được cơ thể dù không cần mặc nhiều áo.
Dê nướng và những nghi lễ cầu kỳ
![]() |
Nghi thức xẻ thịt dê |
Một lần chứng kiến nghi thức xẻ thịt dê nướng mới thấy người thảo nguyên trân trọng thức ăn đến thế nào. Đây là nghi lễ được thực hiện khi cần cúng tế hay vào những dịp chuyển mùa. Cách thức tổ chức nghi lễ sống động và đầy chất văn hóa. Người chủ trì buổi lễ phải là người có uy tín nhất trong cộng đồng.
Sau một bài khấn long trọng và lời hát của người chủ trì, nghi lễ xẻ thịt dê diễn ra trong tiếng đàn mã huyền cầm và tiếng hát trong trẻo của một cô gái. Thịt dê được cắt từ từ để trao cho mọi người. Thịt ngọt, mềm và vừa miệng. Người Nội Mông ít sử dụng nước chấm, hầu như các món ăn khi dọn lên đều đã được nêm nếm vừa ăn.
![]() |
Món lòng dê hầm |
Món dê hầm lại đặc biệt ở khía cạnh khác: chiếc tô thủy tinh chứa những miếng thịt vuông vức nằm giữa làn nước trong vắt, không chút lợn cợn hay váng mỡ nào, thoạt trông cứ như nước lọc tinh khiết. Dùng muỗng nếm chút nước, người ăn mới vỡ lẽ ra đó là một món hầm bậc thượng thừa, trong veo mà mang đầy đủ vị ngọt thanh, thơm nức trong khi miếng thịt đã nhừ đến mức không cần nhai.
Trong những ngày lang thang ở thành phố Hồi Hột, còn một món đặc sản không thể bỏ qua là món lẩu dê. Tảng thịt dê đông lạnh được cắt thành những lát mỏng như giấy nhúng vào nồi nước lẩu trở nên giòn sần sật và thấm gia vị đậm đà từ nước lẩu. Sau đó là các món dê hấp chấm tương, dê trộn với một loại thực phẩm tương tự như nấm đông cô.
![]() |
Lẩu dê |
Ngoài ra, còn món lòng dê được chế biến nửa như phá lấu, nửa như thắng cố, tất cả đều xắt hạt lựu nấu với thảo dược địa phương có mùi thơm dễ chịu. Các món ăn dự trữ dài ngày ở đây cũng khá đặc sắc như thịt dê xông khói, dê đông lạnh. Vùng đất này còn nổi tiếng với các món từ thịt ngựa, tuy độ phổ biến không bằng thịt dê nhưng cũng được coi là đặc sản của Nội Mông.
![]() |
Thịt ngựa nướng |
Món cuối cùng và có lẽ cũng là món ấn tượng nhất là cỏ, mới nhìn cứ ngỡ là một loại rau sống tương tự cây hẹ hoa được cắt thành những đoạn dài ba, bốn phân trộn với khoai tây nghiền. Theo lý giải của dân địa phương thì loại cỏ này dành cho dê, nhưng người ăn cũng rất tốt, đặc biệt là quý ông!
Ẩm thực thảo nguyên vốn đơn giản như chính cuộc sống bình dị, êm đềm giữa đồng cỏ bao la của người dân nơi đây, nhưng khi đã một lần thưởng thức, hẳn thực khách sẽ mãi nhớ những món ngon khó lòng tìm thấy được ở chốn thị thành tấp nập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận