19/07/2013 04:00 GMT+7

Mòn mỏi chờ di dời khỏi vùng sạt lở

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Sông Ba chảy qua huyện Krông Pa (Gia Lai) hằng năm cuốn trôi hàng chục hecta ruộng vườn, khiến người dân sống ven sông cần phải dời nhà khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng, họ đã đợi quá lâu mà chưa được di dời...

9eqsV2vX.jpgPhóng to
Già làng Ney Pher, buôn H’lang, đứng bên đất sản xuất đang bị nước sông Ba cuốn trôi - Ảnh: Tiến Thành

Đó là tình cảnh của hàng trăm hộ dân tại các xã Chư Rcăm, Ia Rsai, Ia Rsiơm, Phú Cần (huyện Krông Pa).

Có mặt tại thôn Quỳnh Phụ 3, xã Chư Rcăm nằm bên bờ sông Ba, chúng tôi gặp ngay năm ngôi nhà đang cách khu vực sạt lở chưa đầy 20m. Dưới bờ sông, dòng nước sông Ba đục ngầu vỗ vào bờ đất đang xói lở, nứt toác. Anh Vũ Văn Dũng, sống gần 30 năm tại đây, cho biết từ năm 2009, sau cơn bão số 9, con sông Ba cắt dòng tạo thành nhánh mới gây sạt lở đất nghiêm trọng. Trước đây, gia đình anh Dũng có hơn 1.800m2 đất nông nghiệp nằm bên bờ sông, nhưng nay đã bị nước sông cuốn trôi hết. Đã nhiều lần gia đình anh kiến nghị với xã nhưng vẫn phải chờ phương án di dời. “Mùa mưa lũ, cứ về đêm nước sông lên, mọi người không ai ngủ được vì tiếng đất sạt lở ầm ầm” - anh Dũng kể. Ông Đỗ Thanh Sơn, chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, cho biết hiện có 110 hộ dân ở năm buôn sống trong vùng sạt lở phải di dời.

Nằm kề bên xã Chư Rcăm, xã Ia Rsai đang trong tình trạng ngày càng sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại buôn K’Ting. Ngôi nhà sàn của anh Ami Kô và chị Siu H’Lunh cách bờ sông sạt lở chưa đầy 3m. Một số cây bên bờ sông bị bật gốc vì xói lở. Người già, người trẻ buôn K’Ting ai ai cũng nơm nớp lo sợ nhà cửa bị cuốn trôi trong mùa mưa bão này. Theo ông Hiao Buk - phó chủ tịch xã Ia Rsai, hiện có 170 hộ ở bốn buôn đang sinh sống trong vùng sạt lở dọc sông Ba.

Ông Đinh Xuân Duyên - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Pa - cho biết nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở dọc sông Ba là tình trạng phá rừng bừa bãi tại đầu nguồn (khu vực thị xã An Khê) khiến lượng nước đổ về hạ lưu Krông Pa vào mùa mưa quá nhiều, gây sạt lở đất đai ven sông. “Huyện đã đề xuất với tỉnh về dự án bố trí dân cư vùng sạt lở cho 170 hộ dân ở xã Ia Rsai với tổng kinh phí 17,5 tỉ đồng và tỉnh đã phê duyệt. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn vì đất giải phóng mặt bằng là đất sản xuất của người dân, do đó phải tính toán việc đền bù thỏa đáng”- ông Duyên nói.

Cũng theo ông Duyên, huyện đã đề xuất lập dự án bố trí dân cư vùng sạt lở xã Chư Rcăm với kinh phí 54 tỉ đồng. Đồng thời, để đảm bảo ổn định lâu dài cho tài sản của người dân cùng các công trình giao thông, huyện Krông Pa cũng đã lập dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba gửi lên tỉnh. Dự án gồm đầu tư xây dựng tuyến bờ kè qua địa bàn hai xã Ia Rsai và Ia Rsiơm, sau đó chạy qua khu vực cầu Lệ Bắc, quốc lộ 25, thuộc địa phận xã Chư Rcăm, dài 5 km với tổng mức kinh phí đầu tư hơn 250 tỉ đồng. “Tuy nhiên, cả hai dự án này tỉnh đều chưa phê duyệt nên vẫn giậm chân tại chỗ” - ông Duyên cho biết thêm.

Không có vốn

Ông Huỳnh Kim Đồng, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Gia Lai, cho biết đã nhận được đề xuất xin thực hiện dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở và dự án bố trí dân cư tại huyện Krông Pa. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ thủ tục hiện nay vẫn chưa thể trình lên UBND tỉnh Gia Lai, vì việc bố trí vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Việc dân sống bên vùng sạt lở là rất nguy hiểm nhưng giờ nguồn vốn từ trung ương rót về rất ít, chúng tôi ưu tiên giải quyết các dự án trọng điểm. Thời gian tới, sở và các đơn vị sẽ xuống địa phương khảo sát thực địa, có đánh giá đầy đủ hơn để trình lên UBND tỉnh” - ông Đồng nói.

T.B.DŨNG

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên