24/11/2017 14:35 GMT+7

Mòn mỏi chờ cầu từ khu đông Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM

NGỌC ẨN - TIẾN LONG -  LÊ PHAN - SƠN BÌNH
NGỌC ẨN - TIẾN LONG - LÊ PHAN - SƠN BÌNH

TTO - Các trục đường từ phía đông Sài Gòn ra vào trung tâm thành phố hiện nay đều quá tải vì lượng xe cộ ngày càng đông. Trong khi đó, các dự án cầu đường hiện triển khai khá chậm hoặc đang kẹt vốn.

Mòn mỏi chờ cầu từ khu đông Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM - Ảnh 1.

Cả một đoạn sông Sài Gòn dài nhưng hiện chỉ có một cầu và một hầm Thủ Thiêm nối bán đảo này với trung tâm TP - Ảnh: NAM TRẦN

Từ các quận 2, 9, Thủ Đức (khu vực phía đông của TP.HCM) và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... vào khu vực trung tâm TP.HCM, người dân thường đi theo ba hướng chính: đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào trung tâm, qua đại lộ Đông Tây theo hầm Thủ Thiêm vào trung tâm hoặc chọn đường xa hơn là Phạm Văn Đồng để về trung tâm.

Mòn mỏi chờ cầu từ khu đông Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM - Ảnh 2.

Hàng ngàn xe cộ kẹt cứng tại khu vực Ngã Tư Thủ Đức hướng từ trung tâm thành phố về Suối Tiên - Ảnh: THANH AN

3 đường chính đều tắc

Theo hướng xa lộ Hà Nội, người đi đường phải khó khăn di chuyển qua hai điểm thường xảy ra ùn tắc tại ngã tư Thủ Đức (địa bàn giáp ranh Q.Thủ Đức và Q.9) và ngã tư MRK (Q.9). Có những buổi hàng xe kéo dài "chôn chân" hơn cả tiếng mới thoát ra khỏi điểm kẹt. 

Đặc biệt trên tuyến đường này, các loại xe trọng tải lớn thường xuyên hoạt động và xảy ra nhiều vụ tai nạn gây kẹt xe cục bộ. Nhiều người e dè khi chọn đi tuyến đường này vào trung tâm.

Lựa chọn thứ hai là theo xa lộ Hà Nội rẽ vào đường Mai Chí Thọ, hoặc đi theo 4km đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra đường Mai Chí Thọ (Q.2) rồi đi hầm Thủ Thiêm dẫn thẳng vào Q.1. 

Ngày càng nhiều người đi từ "khu Đông" TP.HCM vào trung tâm chọn tuyến đường này để rút ngắn thời gian. Nhưng tuyến này ngày càng đông người đi càng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ xe cộ.

Toàn cảnh từ trung tâm quận 1 qua quận 2 - Video: Nam Trần

Gần đây người dân đi đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) thường bị nghẽn tại các giao lộ với đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh), Lê Quang Định (Q.Gò Vấp) khiến việc di chuyển khó khăn. 

Khu vực nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) đang thi công cầu vượt thép khiến tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải có mặt để phân luồng giao thông.

Tương tự, đi theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Triệu cũng gặp nhiều khó khăn khi đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh trước bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) thường bị ùn tắc. Xe máy, ôtô nối đuôi nhau, chen chúc từ đường Đinh Bộ Lĩnh lên đến cầu Bình Triệu. 

Mới ra khỏi điểm tắc nghẽn này, người dân lại rơi vào một điểm kẹt nữa ngay giao lộ Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh).

Với chiều ngược lại từ trung tâm TP.HCM về các quận "khu Đông", người dân ngao ngán khi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đường một chiều) dẫn ra quốc lộ 13 thường xuyên ùn tắc, xe cộ chen chúc nhau. Đặc biệt, vào giờ cao điểm buổi chiều từ 16h - 19h xe nhích từng mét một.

Với tốc độ phát triển của Q.2, Q.9 phải mở rộng những cầu cũ hiện hữu mới đủ đường thông giữa hai đô thị mới và cũ. Cần hoàn chỉnh hệ thống giao thông từng khu vực theo quy hoạch giao thông của khu đô thị mới để kết nối giao thông với khu đô thị cũ thông qua những cây cầu. Nếu cầu đã bắc sang sông nhưng giao thông khu đô thị mới chưa đồng bộ, vẫn tắc nghẽn thì không giải quyết được vấn đề thông suốt.

Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng TP.HCM)

Mòn mỏi chờ cầu từ khu đông Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM - Ảnh 5.

Ba tuyến đường chính từ phía đông Sài Gòn vào trung tâm TP đều quá tải - Đồ họa: N.KH.

Quy hoạch có đủ, nhưng không đủ... tiền

Nhiều chuyên gia quy hoạch, giao thông cho rằng cần phải xây thêm cầu bắc qua sông để phát triển các đô thị "vượt sông" và giải áp lực giao thông từ các các quận 2, quận 9, Thủ Đức đi trung tâm thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007 (điều chỉnh bổ sung vào năm 2013), TP.HCM cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông. 

Đến nay đã có 14 cầu và hầm được xây dựng và đưa vào sử dụng. TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối khu trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) có 3 cây cầu: Thủ Thiêm 2 (nối từ Q.1), Thủ Thiêm 3 (nối từ Q.4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ Q.7).

Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (Q.Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (Nhà Bè). 

Ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho hay theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phải xây dựng xong các cầu trên. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện các dự án này còn tùy thuộc... nguồn lực của TP.HCM.

Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết hiện nay ngoài dự án cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang thi công, dự án cầu Thủ Thiêm 3 và 4 đang được triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao). 

"Phải xây thêm cầu Thủ Thiêm 3 và 4 mới đáp ứng kịp nhu cầu giao thông", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết quy hoạch giao thông kết nối giữa khu trung tâm và Thủ Thiêm bao gồm các cầu bắc qua sông, đường giao thông trục chính vành đai 1, vành đai 2... đều có hết. 

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng theo quy hoạch hiện nay không theo kịp tốc độ phát triển. Ngân sách đầu tư hạ tầng hạn chế, chủ yếu từ ngân sách, vốn vay nước ngoài (ODA), trong khi nguồn lực phát triển dự án đô thị khác từ nhiều nguồn nên đi nhanh hơn. Từ đó tạo nên độ vênh, không đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và sự phát triển đô thị.

Mặt khác, theo ông Toàn, hiện nay kết nối giao thông của Q.2 chưa đầu tư đồng bộ. Nhiều tuyến đường chưa thực hiện mở rộng, xây dựng và kết nối theo quy hoạch. Ví dụ đường vành đai 2 còn một đoạn chưa xong, vành đai 3 chưa làm tuyến nào... dẫn đến tình trạng kẹt xe tại một số khu vực. 

Do vậy, trong khi chờ đầu tư hạ tầng cầu, đường, trước mắt sở đề xuất chủ trương khi phê duyệt các dự án nhà cao tầng cần phải cân đối chỉ tiêu quy hoạch phù hợp với điều kiện giao thông... 

Về lâu dài, cần có kế hoạch thực hiện quy hoạch xác định rõ lộ trình, xác định nguồn lực để đầu tư các cây cầu, tuyến đường kết nối còn lại theo thứ tự ưu tiên.

Hàng trăm xe kẹt dài tại xa lộ Hà Nội chiều 28-9 - Video: NAM TRẦN

Kết nối quan trọng nhất giữa khu vực trung tâm TP và Thủ Thiêm là cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng, cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Kết nối quan trọng thứ hai là cầu nối cuối đường Hàm Nghi (Q.1) qua Thủ Thiêm. Trong bản đồ quy hoạch trước 1975 có đưa cây cầu này vào, nhưng không hiểu sao quy hoạch hiện nay lại bỏ ra.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn


Dự án cầu Thủ Thiêm 3 và 4

- Cầu Thủ Thiêm 3: UBND TP.HCM giao liên danh Tổng công ty Thái Sơn - Công ty cổ phần tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản VN nghiên cứu lập đề xuất dự án cầu Thủ Thiêm 3.

Đồng thời mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản (Q.4) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Vị trí cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản, băng qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn) vượt sông Sài Gòn để nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).

- Cầu Thủ Thiêm 4: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự án xây cầu Thủ Thiêm 4.

UBND TP đã kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 tổng chiều dài 2.160m. Cầu chính (từ bờ Q.7 qua phía Q.2) gồm 6 làn xe. Tổng mức đầu tư trên 5.200 tỉ đồng.

Mòn mỏi chờ cầu từ khu đông Sài Gòn vào trung tâm TP.HCM - Ảnh 9.

NGỌC ẨN - TIẾN LONG - LÊ PHAN - SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên