16/06/2004 05:22 GMT+7

Môn hóa: phải chú trọng phần lý thuyết

PGS.TS VŨ NGỌC BAN (khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội)
PGS.TS VŨ NGỌC BAN (khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội)

TT - Điểm khác biệt rất quan trọng là nội dung các đề thi hóa hai năm qua không có phần nào nằm ngoài chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

kYiep3Lo.jpgPhóng to
Các HS luyện thi tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ĐHQG TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuy nhiên trong đề lại rất ít câu hỏi đòi hỏi HS học thuộc lòng SGK, chủ yếu là các câu hỏi có tính vận dụng, suy luận.

Cả hai kỳ thi vừa qua, các đề thi môn hóa (khối A và B) đều gồm sáu câu: câu 1 và 2 về lý thuyết vô cơ (3 điểm), câu 3 và 4 về lý thuyết hữu cơ (3 điểm), câu 5 về bài tập vô cơ (2 điểm) và câu 6 về bài tập hữu cơ (2 điểm). Như vậy, trong các đề thi môn hóa của Bộ GD-ĐT điểm lý thuyết cao hơn so với phần bài tập, trong đó phần bài tập thường nặng hơn và chiếm nhiều điểm hơn.

Có thể rút ra một số lưu ý trong cách học ôn để đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Trước hết, cần phải chú trọng hơn việc học lý thuyết. Không chỉ vì lý thuyết có số điểm cao hơn phần bài tập, mà còn vì ngay trong phần bài tập, nếu không nắm chắc kiến thức lý thuyết, không viết đúng các phương trình phản ứng thì cũng không giải bài tập được.

Phương pháp học lý thuyết hiệu quả là học theo SGK. Thí dụ, trong các tài liệu hiện nay, phản ứng tráng gương được viết theo nhiều cách khác nhau, các em biết thêm là tốt, nhưng để phục vụ kỳ thi chỉ cần nắm được cách của SGK viết, vừa đơn giản vừa phù hợp với yêu cầu của đáp án đề thi. Trong SGK, các phần có ký hiệu ô vuông trống, các em lưu ý chỉ để tham khảo, nội dung đề thi sẽ không vào các phần đó.

Các em nên tổng kết bài thành một dàn ý ngắn gọn để dễ nhớ rồi từ đó phát triển thành một câu trả lời đầy đủ. Để kiểm tra, những ngày gần thi các em nên áp dụng hình thức học nhóm, dựa vào SGK kiểm tra nhau theo kiểu hỏi - đáp sẽ dễ phát hiện được những phần kiến thức chưa nắm vững. Đồng thời việc hỏi - đáp cũng giúp các em luyện cách trình bày vấn đề, rất có lợi khi trình bày bài thi.

Tuy nhiên, các em phải tránh việc học tủ, học lệch vì không thể đoán trước đề thi sẽ đụng đến phần nào trong chương trình. Cách học hợp lý là học rải đều cả chương trình mới ứng phó được với câu hỏi thi, còn nếu học kỹ những phần mà các em cho là trọng điểm, những phần khác chỉ lướt qua, đến khi câu hỏi rơi vào đó các em không thể xoay xở được. Đã có nhiều trường hợp câu hỏi không khó nhưng thí sinh phải bó tay vì không nhớ nổi công thức của các chất trong đề bài.

Với bài toán vô cơ và hữu cơ, điều quan trọng đầu tiên là phải đọc thật kỹ đề bài để hiểu đúng nội dung yêu cầu của bài toán, viết đúng công thức các chất và các phương trình phản ứng. Nhiều em thường mắc sai lầm ngay ở phần này. Thí dụ: khi viết phản ứng của oxit sắt (FexOy) với dung dịch HCl, em thì viết thành FeClx, em thì viết thành FeCly một cách rất cảm tính trong khi viết đúng phải là FeCl2y hay FexCl2y.

Tương tự, khi viết công thức của rượu no, không ít em viết luôn là CnH2n+1OH - nghĩa là “gán” thêm cho rượu một thuộc tính không có là đơn chức. Với công thức các chất hữu cơ, ngoài việc viết đúng còn phải viết hợp lý. Thí dụ: công thức của một axit đơn chức viết là R-COOH, CxHyCOOH (hay CxHyO2), CnH2n+1-2kCOOH... đều đúng, nhưng viết cách nào là hợp lý còn phải tùy thuộc các phản ứng cần phải viết trong bài là gì.

Nếu chỉ có phản ứng với Na hoặc NaOH thì nên chọn công thức đầu tiên, phản ứng cháy chọn công thức cuối... Để viết đúng các phản ứng còn phải chú ý biện luận chất đủ, chất thiếu, phản ứng hoàn toàn hay không hoàn toàn… để biết các sản phẩm sau phản ứng là gì.

Trong việc giải bài toán, bên cạnh việc lập và giải các phương trình toán học, việc vận dụng các định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn số mol electron, sử dụng phương pháp tính khối lượng mol trung bình của hỗn hợp, phương pháp công thức phân tử trung bình của hỗn hợp... nhiều khi làm bài toán được giải gọn nhẹ và thuận lợi hơn nhiều. Vì vậy, các em cần chú ý vận dụng nếu có thể được.

Trong trường hợp vì một lý do nào đó các em không giải được một bài toán để đến đáp số cuối cùng, thì tuyệt đối không được bỏ trắng cả bài mà phải viết tất cả những phần mình làm được vào giấy thi vì đáp án cho điểm theo từng ý, ý nào làm đúng đều được điểm.

Kinh nghiệm là không nên “sa lầy”, cố làm bài khó không giải được ngay mà nên chuyển sang bài khác để tranh thủ thời gian. Nên đọc một lượt toàn bộ đề bài, chọn những câu mình có thể làm nhanh, làm tốt trước. Nhưng chú ý, có tình trạng khi gặp câu “tủ” các em hay viết quá dài, lan man, quá chi tiết, thậm chí lạc đề, làm mất nhiều thời gian và không cần thiết vì điểm cho theo ý, có viết dài cũng không được thêm điểm.

Những bài được điểm tối đa là những bài làm đúng, ngắn gọn nhưng đủ ý, trình bày rõ ràng. Khi viết các phương trình phản ứng, các em phải nhớ cân bằng và viết đủ điều kiện phản ứng. Kinh nghiệm chấm thi cho thấy nhiều em mất điểm một cách đáng tiếc ở lỗi này.

Tin bài liên quan:

* Môn sử: phải đọc kỹ đề để hiểu đề * Môn văn: đủ, đúng, rõ mới có thể đậu!

PGS.TS VŨ NGỌC BAN (khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên