25/08/2008 07:42 GMT+7

Mỗi người hãy là một Wall-E

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Chợt muốn hát vang Trái đất này là của chúng mình (tác giả Trương Quang Lục) khi bộ phim vừa kết thúc. Sẽ ra sao nếu Trái đất không còn là "quả bóng xanh bay giữa trời xanh" như các nhà làm phim Wall-E, robot biết yêu (*) đã lo xa?

YEtjODPV.jpgPhóng to
Wall-E (trái) và EVE trong phim
TT - Chợt muốn hát vang Trái đất này là của chúng mình (tác giả Trương Quang Lục) khi bộ phim vừa kết thúc. Sẽ ra sao nếu Trái đất không còn là "quả bóng xanh bay giữa trời xanh" như các nhà làm phim Wall-E, robot biết yêu (*) đã lo xa?

Trái đất dần lụi tàn bởi rác tràn ngập. Để tồn tại, con người buộc phải lánh nạn, sống tập trung ở siêu phi thuyền Axiom lơ lửng trong không gian. Và hàng triệu Wall-E (Waste allocation load lifter Earth-class, tạm dịch: người máy dọn dẹp chất thải chỉ định trên Trái đất) đã được tung ra để dọn dẹp Trái đất. 700 năm trôi qua từ khi Trái đất không còn sự sống, và trong hàng triệu robot Wall-E "sống" và làm việc nhờ năng lượng mặt trời chỉ còn một Wall-E "vẫn chạy tốt".

Hằng ngày, Wall-E này tận tụy làm việc nhưng không khỏi chạnh lòng trước công việc buồn tẻ và nỗi cô đơn. Cậu luôn mơ có ngày được kết giao với ai đó, cùng khiêu vũ như đoạn phim trong cuộn băng cậu đã tìm thấy và giữ lại trong khi làm sạch Trái đất. Rồi "ai đó” xuất hiện, trắng tinh và lạnh lùng hệt Tiểu Long Nữ ngày mới gặp Dương Quá. Eve (extra-terrestrial vegetation evaluator - người máy đánh giá thực vật ngoài Trái đất) là tên của nàng. Nhiệm vụ của Eve là tìm và mang về bất kể một mầm sống nào từ Trái đất. Chỉ cần một bằng chứng cho thấy Trái đất có sự sống, loài người sẽ trở về.

Mầm sống là một chồi non mà Wall-E lần đầu nhìn thấy trong cuộc đời dọn dẹp đầy bụi bặm. Chẳng biết đó là gì nhưng cậu vẫn quyết định mang cây con bé xíu đó về nhà bởi màu xanh non nổi bật giữa không gian xám xịt của Trái đất. Tặng Eve chồi xanh với hi vọng được khiêu vũ cùng nàng, Wall-E đâu ngờ Eve lập tức "giam giữ" món quà và quay về phi thuyền Axiom mà không một lời giải thích. Theo tiếng gọi con tim, Wall-E dại khờ bám theo Eve...

Tại Axiom tối tân và tinh tươm, con người tồn tại trong tẻ nhạt. Ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, thậm chí yêu cũng theo lập trình. Mọi việc trong xã hội đều do người máy thực hiện và con người chỉ việc nằm phè hưởng thụ. Con người mất khả năng tư duy. Con người không còn biết giao tiếp trực tiếp. Con người không thể đứng dậy mỗi khi té. Và con người không còn nhiều cảm xúc cho đến khi Wall-E xuất hiện cùng tình yêu với Eve. Người ta bỗng có cơ hội đứng dậy ngắm dải thiên hà lung linh, huyền ảo. Người ta tập chào hỏi nhau bằng những câu đơn giản. Người ta chợt nhớ đến việc phải quay về Trái đất thân thương. Và người ta đồng lòng đứng lên chống lại các robot phản loạn đang cố công ngăn cản loài người quay về hành tinh xanh. Những định nghĩa bị lãng quên như: cây xanh, đất, đại dương... được tìm lại trên các từ điển điện tử. Và con người đã trở lại Trái đất để được sống một cuộc đời đích thực.

Thật đáng ngại khi cơ hội sống thứ hai của con người lại phải cậy vào sự tận tụy dọn dẹp Trái đất và tình yêu vô tư, mãnh liệt của Wall-E bé nhỏ. Càng ngại hơn khi những cảnh báo về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nặng nề ở kênh Nhiêu Lộc, Ba Bò... ngày một dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Con người cứ vô tư tàn phá môi trường sống, đồng thời cũng rất thiện chí trong việc tìm kiếm sự sống mới nơi sao Hỏa hay Mặt trăng. Những chuyến du lịch Mặt trăng tiêu tốn hàng trăm triệu USD đang trở thành thú vui của không ít người giàu. Nhưng có nơi đâu ấm áp, mát lành bằng hành tinh xanh của chúng ta (như thông điệp của toàn bộ phim)? Trái đất sẽ mãi là môi trường sống lý tưởng của "chúng mình" khi mỗi người là một Wall-E...

(*) Khởi chiếu tại hệ thống các rạp Megastar, Cinebox và Diamond từ ngày 22-8.

Wall-E là tác phẩm hoạt hình mới nhất của "kỳ nhân" Andrew Stanton (đạo diễn/tác giả kịch bản/phó chủ tịch khâu sáng tạo của Xưởng phim hoạt hình Pixar). Gọi ông là kỳ nhân bởi tất cả các phim có sự tham gia của ông đều gây kinh ngạc lẫn ngưỡng mộ nơi người xem. Stanton là một trong bốn tác giả kịch bản nhận được đề cử giải Oscar năm 1996 cho bộ phim Toy story (Câu chuyện đồ chơi). Ông cũng là tác giả kịch bản của A bugs life, Toy story 2, Monster, Inc. và Finding Nemo. Riêng Finding Nemo (do Stanton viết kịch bản và đạo diễn) đã nhận được Oscar cho phim hoạt hình hay nhất năm 2003.

Ngoài ra, ông còn là đồng đạo diễn cho A bugs life, là tổng sản xuất cho Monsters,Inc. và bộ phim được Oscar 2008 Ratatouille (Chú chuột đầu bếp).

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên