27/05/2016 14:11 GMT+7

Mỗi năm chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp một lần

L.THANH
L.THANH

TTO - Đó là khẳng định của ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp báo Nghị quyết 35 của Chính phủ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, sáng 27-5.

Cuộc họp báo về Nghị quyết 35 của Chính phủ tổ chức sáng nay 27-5 - Ảnh: Việt Dũng

“Nếu thực hiện tốt, đúng việc chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) 1 lần trong năm thì tình hình rất tốt, DN yên ổn rất nhiều. Hiện nay DN bị kiểm tra quá nhiều, thậm chí chúng tôi còn biết có loại DN bị kiểm tra hàng tuần” - ông Hà cho hay.

Coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế

Cũng theo ông Hà, nghị quyết nhấn mạnh rõ mục tiêu đến năm 2020, VN có 1 triệu DN, như vậy trong 4 năm tới phải tăng hơn 400.000 DN. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 

Đây là tham vọng rất lớn. Do đó để đảm bảo đạt mục tiêu trên, Nghị quyết 35 nêu 10 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do, coi DN là đối tượng phục vụ, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các DN…

“Một nguyên tắc hết sức quan trọng mà nghị quyết nêu rõ là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. Nếu thực hiện được các nguyên tắc này thì chắc chắn sẽ tạo môi trường bình đẳng” - ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, điểm đặc biệt là lần đầu tiên nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh quan điểm coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Thêm nữa, nghị quyết có đến bốn lần nhắc đến việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Ngoài ra Chính phủ cũng giao bộ ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ gồm cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của DN.

Chi phí về thuế, bảo hiểm... chiếm 40% lợi nhuận của DN

Phí giao thông ảnh hưởng đến giá từng mớ rau, cân thịt mỗi gia đình phải sử dụng hàng ngày, ảnh hưởng tới từng mớ rau từ nông thôn đưa ra đô thị. 1kg củ đậu ở quê tôi, cách Hà Nội chỉ 120km, bán 5.000 đồng mà ra thủ đô bán giá 50.000 đồng. Như thế là rất vô lý.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT ĐẶNG HUY ĐÔNG

Riêng về chi phí kinh doanh, bà Phạm Thị Thu Hằng - tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết cả chi phí chính thức và phi chính thức đang là gánh nặng đè lên DN.

Cụ thể, chi phí chính thức hiện nay thì chi phí về thuế, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội cũng như các khoản đóng góp khác cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… lên tới 40% trên tổng số lợi nhuận của DN. Đây là mức rất cao so với thế giới

Có chung quan điểm này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông bày to lo ngại năng lực cạnh tranh của quốc gia được đánh giá dựa vào chính năng lực cạnh tranh của DN. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, các chi phí lên tới 40% lợi nhuận của DN thì khó có thể trông đợi gì ở DN.  

Để giảm chi phí cho DN, theo ông Hà, trong Nghị quyết 35, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính thanh tra dự án BOT. Theo ông Đông, dư luận cho rằng có nhiều dự án giao thông có hiện tượng khống vốn lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng khiến mức thu phí đường “đội” lên, thời hạn thu phí phải kéo dài, gây gánh nặng cho người dân, DN.

Thêm nữa, theo ông Đông, người sử dụng dịch vụ là người dân, DN và cả nhà nước có quyền được biết tất cả các yếu tố cấu thành lên phí đường bộ.

“Vì phí giao thông ảnh hưởng đến giá từng mớ rau, cân thịt mỗi gia đình phải sử dụng hàng ngày, ảnh hưởng tới từng mớ rau từ nông thôn đưa ra đô thị. Tôi từng nói về việc giá 1kg củ đậu ở quê tôi - cách Hà Nội chỉ 120km, bán 5.000 đồng mà ra thủ đô bán giá 50.000 đồng. Như thế là rất vô lý. Và không thể nói nếu không tăng phí thì không có đường, không có nhà đầu tư nào tham gia” - ông Đông nói.

Ông Lê Mạnh Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: 

Sẽ rà soát số tiền thu phí các trạm BOT

Để giám sát được lưu lượng xe qua các trạm BOT, chi phí đầu tư BOT… Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát để có được số liệu này sớm nhất. Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỉ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận đã phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỉ đồng.

Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được 1 vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm

 

 

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên