23/09/2020 10:09 GMT+7

Mỏi mắt tìm trọng tài giỏi - Kỳ cuối: Chuyện về trọng tài Elite Ngô Duy Lân

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Trong bức tranh ảm đạm của việc đào tạo trọng tài, giới trọng tài VN vẫn có niềm vui khi chứng kiến sự phát triển của một số trọng tài trẻ tài năng. Trong đó, nổi bật là Ngô Duy Lân (36 tuổi) - trọng tài FIFA duy nhất của VN đạt đẳng cấp Elite.

Mỏi mắt tìm trọng tài giỏi - Kỳ cuối: Chuyện về trọng tài Elite Ngô Duy Lân - Ảnh 1.

Trọng tài Ngô Duy Lân (bìa phải) trong trận TP.HCM - Thanh Hóa, trận đấu kiểm tra để được phong đẳng cấp Elite - Ảnh: N.K.

Muốn làm tốt phải có sự chuẩn bị, nhất là thể lực. Vì vậy, cầu thủ tập cả tuần thì tôi cũng phải tập cả tuần. Khi có thể lực tốt nhất, trong trận đấu, mình sẽ kiểm soát được tình huống và đưa ra quyết định chính xác.

Trọng tài Ngô Duy Lân

Elite là đẳng cấp cao nhất trong hệ thống trọng tài FIFA. Trước đây, VN chỉ có một trọng tài đạt được đẳng cấp này là Võ Minh Trí, người đã "nghỉ hưu" vào năm 2017.

Trọng tài duy nhất ở VN chỉ làm nghề... trọng tài

Ở VN, nghề trọng tài là nghề tay trái, do các trọng tài thường là cán bộ ở trung tâm TDTT hay giáo viên thể dục. Nhưng Lân thì khác. Anh chỉ lo chuyên tâm vào công việc trọng tài mà mình yêu thích bởi chuyện kinh tế gia đình đã có bà xã lo toan.

Chế độ cho trọng tài ở V-League là 8 triệu đồng/trận cho trọng tài chính và 5 triệu đồng cho trọng tài bàn. Nghĩa là nếu làm tốt và được cầm còi đủ 4 trận/tháng, một trọng tài sẽ bỏ túi 32 triệu (chưa tính chi phí ăn uống phải bỏ ra khi làm nhiệm vụ). 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này. Làm trọng tài chỉ là ngã rẽ của Lân khi không thể tiếp tục con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Trưởng thành từ lớp bóng đá năng khiếu Long An, khoác áo đội hạng nhì Long An nhưng chấn thương liên tục khiến Lân phải giải nghệ vào năm 2008 ở tuổi 24. Nghỉ thi đấu, có sân bóng gần nhà, Lân đi làm trọng tài phong trào cho đỡ buồn.

Cơ duyên với nghề

Năm 2009, chương trình "Tầm nhìn châu Á" do LĐBĐ châu Á (AFC) tổ chức tại Long An đã kéo Lân đến với nghề trọng tài. Khi đó, để có thêm nguồn trọng tài điều hành giải bóng đá giữa các quận huyện tại Long An, ban tổ chức đã mở lớp trọng tài để đào tạo, song song đó là lớp HLV bằng C. 

Quen biết người ở trung tâm TDTT, Lân xin học cả hai lớp. Thấy Lân có tiềm năng, năm 2009 Long An cử anh đi học lớp đào tạo trọng tài sơ cấp quốc gia ở Cần Thơ, rồi lớp trọng tài nâng cao ở Bắc Ninh.

Năm 2010, Lân bắt đầu đi cầm còi ở giải trẻ. Chuyên môn tốt nên anh thăng cấp rất nhanh dù khi đó còn quy định trọng tài bắt mỗi hạng là 3 năm mới được lên hạng cao hơn.

 Lân cũng có một năm 2013 thất vọng khi anh được đôn lên Giải hạng nhất nhưng không được phân công làm nhiệm vụ vì chưa được tin tưởng. 

Nhưng sau đó một năm, anh đã chứng tỏ khả năng của mình ở Giải hạng nhất để rồi năm 2015 được đưa lên làm nhiệm vụ ở V-League. Năm 2018, Lân được phong cấp trọng tài FIFA và giành luôn danh hiệu "Còi vàng Việt Nam".

Nỗ lực học tiếng Anh

Nhiều năm qua, trọng tài VN khi được cử đi học lớp FIFA phần lớn đều bị rớt do tiếng Anh không tốt. 

Vì vậy, năm 2016 Ngô Duy Lân bắt đầu học thêm tiếng Anh để hướng đến việc trở thành trọng tài đẳng cấp FIFA. Công việc trọng tài phải đi suốt nên việc học tiếng Anh của Lân cũng gặp nhiều trở ngại. 

Vì vậy, từ chỗ học tiếng Anh ở trung tâm, Lân chuyển sang học kèm. Anh kể: "Tôi học tiếng Anh chủ yếu để giao tiếp. Còn từ tiếng Anh chuyên môn phải lên mạng tìm và tự học. Ban đầu cảm thấy khó khăn, nhưng may mắn tôi thích tiếng Anh từ lúc học phổ thông nên cũng cố được".

Bóng đá VN cũng gặp khó trong việc cử người đi học lớp trọng tài FIFA. Thông thường, việc cử số lượng trọng tài theo học lớp trọng tài FIFA từng năm dựa theo thứ hạng của đội tuyển từng nước trên bảng xếp hạng FIFA. 

Chẳng hạn VN được cử 5 trọng tài và 8 trợ lý. Nhưng những năm qua VN chẳng khi nào đủ người để đi hết các suất do quá tuổi, bởi hiện nay AFC (LĐBĐ châu Á) quy định các nước đăng ký trọng tài FIFA phải trước 35 tuổi nhằm đủ điều kiện thi Elite.

Gian nan cuộc thi Elite

Từ trọng tài đẳng cấp FIFA thi lên đẳng cấp Elite là điều rất khó, bởi trọng tài ở đẳng cấp này được làm nhiệm vụ ở toàn châu Á và có thể ở các giải đấu ngoài châu lục. Vì thế, mỗi nước chỉ được đề cử 2 trọng tài thi Elite hằng năm. 

"Khi thi Elite, đầu tiên là kiểm tra trắc nghiệm về luật. Bài thi phải có điểm tốt trở lên mới được chọn vào vòng hai. 

Tiếp đó là kiểm tra thể lực, diễn giải luật bằng tiếng Anh và bốc thăm chủ đề ngẫu nhiên để tiếp tục diễn giải tình huống bằng tiếng Anh cho ban giám khảo hiểu. Một điều quan trọng khác là trọng tài phải viết báo cáo bằng tiếng Anh tình huống bị thẻ đỏ đúng theo các tiêu chí và phải đúng chính tả", trọng tài Lân kể.

Sau khi vượt qua tất cả bài thi, giám sát của AFC sang kiểm tra trực tiếp khả năng cầm còi thực tế của trọng tài thi Elite qua 3 trận đấu ở giải vô địch quốc gia với yêu cầu đó phải là 3 trận được dự báo căng thẳng. 

Chỉ cần trượt một trận là coi như công sức "đổ sông đổ biển". Sau trận đấu, giám sát của AFC sẽ gặp trọng tài thi Elite để phỏng vấn sau trận. 

Theo đó, trọng tài phải trả lời 10 câu hỏi theo quy định kiểu: Tại sao lại xử lý như vậy? Tại sao thẻ cho cầu thủ này? Tại sao lại di chuyển ở vị trí này? Đáng nói sau mỗi trận, dù giám sát có chấm đậu cũng phải gửi băng hình về cho AFC kiểm tra một lần nữa.

Chia sẻ về công tác đào tạo, trọng tài Lân cho rằng muốn có trọng tài giỏi, nếu có điều kiện, chúng ta nên mở trường đào tạo trọng tài như Thái Lan hay Nhật Bản.

Từng hai lần nhận giải thưởng Fair Play

Trọng tài Ngô Duy Lân từng nhận giải nhì Fair Play 2019 do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức khi anh đã đưa ngón tay của mình vào miệng Thiện Đức để ngăn hậu vệ B.Bình Dương cắn lưỡi trong vô thức sau pha va chạm với Pape Omar (Hà Nội) ở vòng 8 V-League 2019.

Dù vậy, anh chia sẻ mình vẫn nhớ đến giải thưởng Fair Play nhận được ở VCK Giải U21 quốc gia 2013 tại Hải Phòng hơn cả vì khi đó mới vào nghề.

Năm đó, thay vì bầu chọn cho cầu thủ theo quy định, các phóng viên đã bầu cho trọng tài Ngô Duy Lân vì dũng cảm phạt thẻ vàng thứ hai với cầu thủ chủ nhà trong trận quyết định vé vào bán kết với Đồng Tháp dù khán giả phản ứng rất quyết liệt.

Mỏi mắt tìm trọng tài giỏi Kỳ 3: Ban trọng tài phủi trách nhiệm Mỏi mắt tìm trọng tài giỏi Kỳ 3: Ban trọng tài phủi trách nhiệm

TTO - Theo thống kê, trong số 77 trận đấu đã diễn ra ở 11 vòng đấu của V-League 2020, có đến 10 trận đấu trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên