25/08/2020 07:32 GMT+7

Mới ly thân nhưng lên game show truyền hình nói ly hôn vợ 6 tháng

MI LY
MI LY

TTO - Xuất hiện trong các chương trình hẹn hò với "profile" (lý lịch) đẹp, nhiều người chơi bị khán giả bóc mẽ là kẻ lừa tình, ngoại tình hoặc nói dối về bản thân.

Mới ly thân nhưng lên game show truyền hình nói ly hôn vợ 6 tháng  - Ảnh 1.

Người ấy là ai?...

Trong những trường hợp nổi cộm, thí sinh phải trả giá bằng danh dự và cả giải thưởng trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhà sản xuất mất uy tín. Nhưng tại sao việc nói dối trên các chương trình se duyên - hẹn hò vẫn phổ biến, khó ngăn cản?

Bị tố lừa tình, ngoại tình, nói dối về tình trạng hôn nhân

Mới đây nhất, người chơi T.M. tham gia "Người ấy là ai?" mùa 2 (2019) bị tố lừa tình nhiều cô gái nhưng lại lên truyền hình nhận là độc thân và tỏ tình với cô gái khác. Sự việc chưa được xác minh nhưng đây không phải lần đầu người chơi hẹn hò dính lùm xùm nói dối.

Trong "Người ấy là ai?" mùa 3 (2020), người chơi Michael Trương thừa nhận nói dối về tình trạng hôn nhân. Anh đang ly thân với vợ nhưng lại lên chương trình nói đã ly hôn 6 tháng. Người chơi N.P. nói 3 năm không yêu ai, nhưng trước đó từng tham gia một sô hẹn hò khác và nhận là có bạn gái. Trong tập 12 mùa 3, thủ môn V.T. và bạn gái T.N. kể về tình yêu đẹp của cả hai và được khán giả tán thưởng. Nhưng ngay sau đó, vợ cũ tố anh này ngoại tình, còn bạn gái là người thứ ba.

Không chỉ "Người ấy là ai?", các chương trình hẹn hò khác cũng dính lùm xùm. Trong "Ngôi sao tình yêu", người chơi T.M. khi lọt vào vòng cuối với nam chính cũng thú nhận đã có người yêu. Trong "Đại chiến kén rể", người chơi T.L.Đ. bị đồn nói dối về nghề nghiệp và tính cách.

Trường hợp nói dối gặp hậu quả nặng nhất là Thùy Dương trong "Anh chàng độc thân" (The Bachelor). Cô được nam chính Quốc Trung chọn và thắng cuộc, nhưng rồi thú nhận là mẹ đơn thân, vi phạm tiêu chí chương trình. Do đó, Thùy Dương bị tước giải thưởng gồm 100 triệu đồng tiền mặt, thẻ tập thể dục 200 triệu đồng và các hợp đồng đại sứ thương hiệu.

Các trường hợp bị tố dù khó xác thực (trừ khi người chơi đứng ra thừa nhận) nhưng cũng gây tổn hại đến danh dự của người chơi và uy tín của chương trình.

Mới ly thân nhưng lên game show truyền hình nói ly hôn vợ 6 tháng  - Ảnh 2.

...và Anh chàng độc thân - hai trong số những sô hẹn hò ăn khách - Ảnh: NSX

Khó kiểm soát vì liên quan đến nhân phẩm

Cách vận hành của các sô hẹn hò cũng góp phần tạo kẽ hở cho sai lệch, dối trá. Các sô này chọn người chơi đẹp trai, xinh gái, được mô tả là thành đạt, thật khó để tất cả đều độc thân hay đơn thân. Do đó, nói dối về tình trạng hôn nhân hay yêu đương là loại nói dối phổ biến nhất. Chưa kể, đời sống tình cảm của con người vốn phức tạp, khó diễn đạt hết qua vài ba câu trên truyền hình, lại trong tình huống phải gây ấn tượng đẹp với người xem.

Trách nhiệm của các nhà sản xuất ở đâu khi người chơi liên tục nói dối khiến dư luận bức xúc? Anh Nguyễn Hà - giám đốc nội dung "Anh chàng độc thân" - nói với Tuổi Trẻ: "Từng làm hai chương trình truyền hình thực tế là "Vietnam’s Next Top Model" và "Anh chàng độc thân", tôi cho rằng nhà sản xuất có thể kiểm soát được chuyện thí sinh nói dối. Nhưng cũng phải nhìn nhận là lời nói dối đó về nội dung gì. Không phải cứ nói dối là đáng bị loại".

Trong một số trường hợp, lời tố nói dối khiến khán giả hoài nghi về phẩm chất đạo đức của người chơi. Những đặc điểm như lừa tình, ngoại tình, dối trá... không hề phù hợp với sô se duyên - hẹn hò, nơi người ta đi tìm người để yêu thương, tin tưởng.

"Riêng vấn đề này lại khó kiểm soát vì nó thuộc về nhân phẩm - anh Nguyễn Hà nói - Chẳng ai muốn tự bêu xấu bản thân trên truyền hình dù biết mình từng làm chuyện chưa đúng trong quá khứ. Chưa đúng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ đúng, hay không được mưu cầu hạnh phúc".

Với các vụ việc liên quan đến đời sống tình cảm, nhà sản xuất thường chỉ nắm được sau khi người chơi đã lên sóng và bị tố nói dối. Hơn nữa, nếu người chơi nói dối nhưng không vi phạm tiêu chí, nhà sản xuất "chẳng làm gì được" vì họ "không vi phạm pháp luật, cũng không sống theo chế độ đa thê".

Còn nếu người chơi vi phạm tiêu chí, hình thức phạt cao nhất là tước giải thưởng (nếu có), như điều đã xảy ra với Thùy Dương trong "Anh chàng độc thân". Thiệt hại hàng trăm triệu đồng đối với cá nhân có thể coi là đủ nặng, đủ sức cảnh báo.

Và vượt lên tất cả những lời nói dối riêng lẻ của người chơi, đó là "lời nói dối" chung của các sô hẹn hò. Khi người chơi, tức người đại diện cho các triết lý tình yêu trong chương trình, lại không thật thà thì khán giả có quyền nghi ngờ những thông điệp đó. Người ta không thể rao giảng triết lý tình yêu trong khi bản thân là minh chứng cho điều ngược lại.

Chương trình hẹn hò mất uy tín?

Một nhà sản xuất nước ngoài từng nói với Refinery29: "Tôi dám nói rằng các nhà sản xuất truyền hình thực tế không quan tâm đến sự thật. Đó không phải thứ họ ưu tiên. Trong tình huống tốt nhất, sự thật cốt yếu sẽ được truyền tải. Còn trong tình huống xấu nhất, nó bị làm sai lệch hoàn toàn".

Nhưng thứ cần suy ngẫm hơn cả là niềm tin của khán giả đang mất dần. Nhiều khán giả cho rằng người chơi đến với sô hẹn hò chủ yếu để quảng bá bản thân và nghề nghiệp riêng (kinh doanh, ca hát, diễn xuất, làm người mẫu...) thay vì tìm tình yêu thực sự.

Game show hẹn hò: "diễn xuất" lấn át chân tình, khó tìm được chân ái Game show hẹn hò: 'diễn xuất' lấn át chân tình, khó tìm được chân ái

TTO - Lâu nay, bên cạnh các cuộc thi ca hát và thi thể chất, chương trình hẹn hò luôn thuộc nhóm chương trình đông người nhất trên truyền hình các nước. Tại Việt Nam, hàng loạt chương trình hẹn hò đã và đang phủ sóng màn ảnh nhỏ.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên