Dương Thụy và Phan Hồn Nhiên "tự sự" với Ngày sách VNSách của Thy Ngọc và Phan Hồn Nhiên về với NXB Kim ĐồngNhà văn Phan Hồn Nhiên đến Mỹ học viết văn
Phóng to |
Nhà văn Phan Hồn Nhiên - Ảnh: Lam Điền |
Phải đến Ngựa thép, Phan Hồn Nhiên mới gọi tác phẩm của mình là tiểu thuyết. Với những tác phẩm trước đây như Công ty hay The Joker, Phan Hồn Nhiên chỉ gọi đó là truyện dài. Tuy sự phân chia thể loại không nhất thiết phải quá rạch ròi, nhưng qua việc này có thể nhận thấy Phan Hồn Nhiên đã rất cẩn trọng với việc dán nhãn tác phẩm của mình. CTV Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả.
* Chị ít khi gọi tên các nhân vật của mình, đặc biệt trong phần hai và phần ba của tiểu thuyết. Thay vào đó, chị gọi họ bằng “người nằm cạnh”, “người đàn ông trẻ”, “người dạy ngôn ngữ”... Tại sao lại thế?
- Vài năm gần đây, một trong vài câu hỏi tôi bận tâm là các cá nhân trong xã hội hiện đại tồn tại như thế nào, cách họ chấp nhận và tiếp nhận người khác, thông qua đó để nhìn nhận chính mình, ra sao. Có lẽ thôi thúc vô hình cần nhìn nhận con người một cách tỉnh táo và có phân tích đã khiến tôi gọi nhân vật như thế. Còn trong quá trình viết, thật sự tôi cũng không kiểm soát điều này.
* Trong cả ba phần, các nhân vật của chị đều cô độc, gặp khó khăn trong kết nối với thế giới. Việc thiết lập mối tương giao giữa người và người đang dễ hơn hay đang khó hơn, theo chị?
- Trên bề mặt, với sự phát triển công nghệ, khả năng kết nối giữa các cá nhân dễ dàng, mở rộng hơn rất nhiều so với vài thập niên trước. Tuy nhiên, tôi không biết có trớ trêu không, mối liên hệ giữa con người ngày càng lỏng lẻo. Các thông điệp thường bị hiểu sai lạc. Mọi người đều có phương tiện để thể hiện nhưng lại rất khó hiểu nhau và kết nối được với nhau. Sâu xa hơn, con người hiện đại vừa muốn duy trì tình thế độc lập nhưng lại sợ hãi trước chuyển động và tấn công từ cuộc sống bên ngoài. Tôi tin tìm hiểu vấn đề này ở mức độ tế vi là ưu thế riêng có của văn học.
* Khóa học viết văn tại Iowa City (Mỹ) mà chị đã tham gia ảnh hưởng như thế nào đến việc chị xây dựng tác phẩm này?
- Các nhà văn đến học tại Iowa City hoạt động trong nhiều lĩnh vực như biên kịch, làm phim tài liệu, nhà thơ, tiểu thuyết gia, viết tiểu luận... Chúng tôi có rất nhiều buổi học và thảo luận, nghe đọc tác phẩm của nhau, nói chuyện với Wole Soyinka - nhà văn đoạt giải Nobel năm 1986. Những hoạt động như vậy khá hứng thú nhưng tôi vẫn có gì đó băn khoăn. Cho đến khi qua các bạn thân, tôi nhận ra các nhà văn chỉ thật sự là họ - cũng như cách người ngoài muốn họ là - ở ngay trong tác phẩm. Phát hiện đơn giản khiến tôi thật sự dễ chịu. Tôi bắt tay luôn vào xây dựng kết cấu cho Ngựa thép. Nếu nói ngắn gọn về chương trình học, tôi tin chương trình này không thay đổi nhà văn, nhưng làm cho nhà văn vững tin và tự do hơn trong những gì theo đuổi.
Lạ lẫm và quen thuộc
Trong Ngựa thép, Phan Hồn Nhiên cũng bày ra những trò chơi cấu trúc. Tiểu thuyết gồm ba phần chỉ kết nối với nhau bằng một số chi tiết nhỏ. Cấu trúc này gợi nhớ đến bộ ba phim Xanh, Trắng, Đỏ của đạo diễn Ba Lan Krzysztof Kieslowski. Trong phần một, giọng kể lần lượt thay đổi từ người cha dượng sang người mẹ rồi đến cô bạn gái, qua đó Sơn - có thể gọi là nhân vật chính của phần một - hiện lên từ các góc nhìn khác nhau. Phần ba lại có tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết: chen giữa tiểu thuyết về cô gái mất trí nhớ và chuyên gia ngôn ngữ là cuốn tiểu thuyết mà cô gái được yêu cầu đọc để phục hồi trí nhớ của mình. Ba phần của tiểu thuyết giống như ba bức tranh trong cùng một bộ treo cạnh nhau, cùng trình diễn sự cô độc của con người trong thế giới hiện đại. Ngựa thép là một tiểu thuyết đẹp. Cái đẹp đến từ sự ngỡ ngàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận