Phóng to |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh, phó trưởng ban tổ chức thường trực ITE HCMC 2011, cho biết:
- Hội đồng lữ hành & du lịch thế giới thông báo ngành du lịch vùng sông Mekong đã đem về 22,1 tỉ USD doanh thu bằng việc cung cấp các dịch vụ lữ hành, mua sắm, giải trí, vận chuyển và các dịch vụ du lịch liên quan khác trong năm 2010. Con số này trong tương lai sẽ còn tăng cao nếu các nước trong khu vực sông Mekong tiếp tục cùng nhau phối hợp đẩy mạnh quảng bá du lịch các nước vùng sông Mekong như một điểm đến duy nhất.
"Chúng tôi kỳ vọng hội nghị này sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong nước, quốc tế tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh với các đối tác trong khu vực" Ông LÃ QUỐC KHÁNH |
Trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar thuộc vùng trũng, chậm phát triển nhưng bù lại đây là điểm thu hút rất lớn du khách quốc tế và khu vực vì sự đa dạng về di sản, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa... của bản thân khu vực này.
Nếu đứng một mình, sức hấp dẫn của điểm đến một quốc gia sẽ kém thu hút; tăng cường hợp tác giữa bốn nước chẳng những nâng tầm vóc của du lịch vùng mà còn có thể cạnh tranh được với những nơi khác trong tiểu vùng sông Mekong như Trung Quốc, Thái Lan... Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng và phát triển ITE HCMC 2011 trở thành sự kiện của khu vực, thể hiện tập hợp thế mạnh của bốn quốc gia thành viên để cùng nhau quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng.
Phóng to |
Tìm hiểu đặc trưng vùng sông nước ĐBSCL thu hút nhiều du khách nước ngoài. Sản phẩm này hoàn toàn phù hợp hướng phát triển “Con đường di sản Mekong” mà bốn nước hướng tới - Ảnh: L.NAM |
* Khả năng mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án du lịch trong khu vực tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đây là một hoạt động quan trọng của ITE HCMC 2011. Năm nay lần đầu tiên Ban quản lý dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tham gia hỗ trợ hội nghị với tư cách là đơn vị bảo trợ chính. Hội nghị năm nay có quy mô, tầm vóc phát triển hơn năm 2009, bên cạnh sự tham dự của bộ trưởng du lịch bốn quốc gia, lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành phố của bốn nước, còn có các chủ dự án về vận chuyển du lịch khách sạn và resort, dịch vụ vui chơi giải trí, các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, các quỹ đầu tư, hiệp hội bất động sản du lịch... đăng ký tham dự có tham luận về định hướng phát triển các dự án du lịch liên kết “Bốn quốc gia - một điểm đến”.
Tại hội nghị lần này, ngoài phần trình bày của lãnh đạo ngành du lịch bốn quốc gia về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của mỗi nước, người tham dự còn nghe các tham luận với chủ đề về phát triển các dự án giao thông (hàng không, đường thủy, đường bộ) liên kết vùng để phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch. Phát triển đầu tư cơ sở lưu trú, các dự án đầu tư khu vui chơi giải trí, kinh nghiệm từ Hong Kong, Macau... T
ại hội nghị, các địa phương sẽ giới thiệu các dự án xúc tiến đầu tư du lịch cho các nhà đầu tư tiềm năng tại Việt Nam (vùng Tây Nam bộ), Lào, Campuchia và Myanmar. Giới thiệu tiềm năng, khả năng liên kết đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát huy vị thế của TP.HCM và vùng Tây Nam bộ, điểm trung chuyển kết nối cho khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Các cơ quan xúc tiến du lịch của từng địa phương có cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư tiềm năng bằng những dự án và quy hoạch phát triển du lịch trong tương lai dưới dạng trưng bày triển lãm hàng hóa. Từ đây có thể xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch đa dạng giữa các vùng với nhau. Bản thân bốn quốc gia đều cần nguồn vốn đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Sau hội thảo này, ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế thì các nhà đầu tư tiềm năng ở bốn quốc gia cũng có thêm kênh thông tin để quyết định đầu tư cho các dự án, dịch vụ du lịch ở khu vực.
* Sự hợp tác cùng phát triển này có thể nhìn thấy rõ nhất ở những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Chẳng hạn cơ sở lưu trú ở Myanmar đang thiếu, qua hội thảo này họ có thêm cơ hội gọi vốn đầu tư, hợp tác phát triển cơ sở lưu trú ở quốc gia mình. Các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng cũng đề nghị cùng nhau thực hiện các tuyến du lịch liên kết điểm đến của các nước như tuyến “Con đường di sản Mekong”, “Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải phía Nam”, “Vùng núi đá vôi phong cảnh Mekong”... nhưng cơ sở hạ tầng, lưu trú (khách sạn, resort), giải trí, vận chuyển... cũng chưa phát triển, họ sẽ ngồi lại với nhau để giới thiệu những nhu cầu cần kêu gọi đầu tư để phát triển những tuyến điểm sản phẩm du lịch này.
Hay rất nhiều du khách đến từ thị trường Đông Bắc Á: Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm vì sự kỳ vĩ của Campuchia, đa dạng của du lịch, thiên nhiên Việt Nam... cần phải làm gì để có thể thu hút thêm, tạo điều kiện dễ dàng cho họ đến nghỉ ngơi, tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp ở khu vực này.
Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia - một điểm đến” phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp tổ chức. Thời gian dự kiến sẽ diễn ra cả ngày 13-9 tại khách sạn Rex (TP.HCM), với sự tham dự của hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, hàng không... trong và ngoài nước tham dự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận