18/10/2008 08:28 GMT+7

Mối đe dọa khủng khiếp từ nước thải y tế!

BS CHI TRANG
BS CHI TRANG

TT - Những năm trở lại đây vấn đề rác thải y tế đã nhiều lần được đưa lên bàn nghị sự của nhiều địa phương, nhưng vấn đề nước thải y tế chưa được nhắc đến nhiều vì nó hầu như không hiện diện trước mắt mọi người như rác thải y tế.

eBnCRoSN.jpgPhóng to
Nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vận hành hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống này chỉ có khả năng xử lý 400m3/ngày, nhưng hiện mỗi ngày bệnh viện thải 800m3 nên không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường - Ảnh: L.TH.H.

Tuy nhiên xét về mức độ gây ô nhiễm, nước thải y tế có thể gây ô nhiễm cao hơn nhiều so với rác thải vì tính chất phát tán rộng rãi trong môi trường nước của vi khuẩn, virus, đặc biệt là các vi khuẩn đa đề kháng.

Các bệnh viện hiện nay đang đứng trước tình trạng quá tải bệnh nhân nên nhu cầu bức thiết nhất là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng quản lý... và do vậy vấn đề nước thải ít được quan tâm đúng mức. Chúng ta thường nghe trong các báo cáo nào là bệnh viện A triển khai khu kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu người dân, bệnh viện B triển khai thêm bao nhiêu giường bệnh đáp ứng nhu cầu của xã hội... nhưng hiếm hoi mới nghe bệnh viện X đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải y tế.

Thực tế cho thấy có những bệnh viện có tiếng tăm, có nhiều bệnh nhân được xây dựng từ lâu với cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu và quá tải. Hoặc có thể nhiều bệnh viện có các tòa nhà mới xây dựng xen lẫn các khu nhà cũ nhưng không có liên thông trong xây dựng hệ thống cống thoát nước, nước thải không được quy về một mối xử lý nên hầu như khó tránh khỏi tình trạng nước thải không được xử lý vẫn xả vô tư vào hệ thống cống của địa phương. Đa số các khu xây mới được thiết kế hoàn chỉnh, hiện đại nhưng chỉ là phần nhỏ trong tổng thể mỗi bệnh viện, do vậy nước thải từ các khu nhà cũ vẫn chiếm đa số và không qua xử lý.

Có quá nhiều trở ngại khách quan cho vấn đề nước thải y tế nhưng không phải chúng ta hoàn toàn bó tay. Cách giải quyết đòi hỏi cái tài và cái tâm của lãnh đạo bệnh viện. Tài ở đây là khả năng nhìn xa trông rộng trong quy hoạch phát triển bệnh viện, bản quy hoạch phải tính đến sự đồng bộ của bệnh viện trong tương lai, làm sao để có sự liên hoàn trong hệ thống nước thải bệnh viện, đảm bảo xử lý được đồng bộ... Tâm ở đây là thấy được các nguy cơ của nước thải bệnh viện đối với cộng đồng, là nỗi lo của người hiểu biết sâu về chuyên môn y tế cho người dân trên địa bàn của mình, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích bệnh viện, từ đó lên kế hoạch cụ thể, tìm kinh phí, xin tài trợ...

Tất nhiên không thể một sớm một chiều giải quyết được vấn đề nước thải y tế, nhưng các thầy thuốc không thể chấp nhận ngồi im khi biết rõ hơn ai hết nước thải y tế là mối đe dọa khủng khiếp sức khỏe cộng đồng.

Rùng mình và thất vọng!

Tôi thật sự rùng mình khi đọc loạt bài “Nước thải y tế chảy về đâu?”. Xét về nguy hại, nước thải y tế xếp đầu danh mục, bởi lẽ trong đó chứa một lượng khổng lồ các loại vi khuẩn, mầm bệnh.

Nguy hiểm là thế nhưng công tác xử lý nước thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế nhiều năm qua không được quan tâm đúng mức, thậm chí vô tư thoải mái cho chảy ra cống, ra sông. Hơn ai hết, các thầy thuốc là người hiểu rõ nhất tác hại của nước thải y tế đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Lẽ ra lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế phải chủ động tìm nhiều cách để có thể tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề xử lý nước thải y tế, chứ không thể dựa vào những khó khăn khách quan để nước thải y tế đầu độc môi trường sống của người dân như vậy. Con số 130 bệnh viện, trung tâm y tế đang hoạt động ở TP.HCM với tổng lượng nước thải mỗi ngày hơn 17.000m3, trong đó có 43 bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn, 39 bệnh viện, trung tâm y tế không có hệ thống xử lý nước thải làm người dân không khỏi rùng mình và thất vọng.

BS CHI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên