17/01/2011 02:04 GMT+7

Mối đe dọa hàng đầu

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Guardian, Financial News)
HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Guardian, Financial News)

TT - Các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới đang lo ngại trước nguy cơ tình báo công nghiệp ngày càng tăng sau vụ xìcăngđan bán bí mật thương mại của Hãng xe Pháp Renault mới đây.

4pekDCX8.jpgPhóng to
Mẫu xe điện Renault tại tổng hành dinh ở gần Paris. Renault và mật vụ Pháp nghi ngờ Trung Quốc muốn đánh cắp công nghệ xe điện này - Ảnh: AFP

Những ồn ào về nguy cơ tình báo công nghiệp lại dấy lên mạnh mẽ trong những ngày qua sau khi Hãng xe Renault của Pháp tuyên bố ba quan chức của họ bị tình nghi bán thông tin mật về chương trình hợp tác cùng phát triển xe điện giữa Renault và Nissan của Nhật.

Báo Le Figaro, Pháp dẫn nguồn từ nội bộ của Hãng Renault khẳng định Renault và mật vụ Pháp tình nghi ba quan chức này muốn bán thông tin cho phía Trung Quốc. Cùng Nissan, Renault đã đầu tư 5,16 tỉ USD để phát triển xe điện và đã đăng ký hàng loạt bản quyền để bảo vệ công nghệ xe điện. “Vụ việc cho thấy rõ ràng các công ty của chúng ta đang phải đối mặt với tình báo kinh tế” - Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson nhìn nhận. Chính quyền Paris đang xem xét siết chặt luật chống tình báo công nghiệp, theo đó những vụ rò rỉ thông tin kinh tế nhạy cảm sẽ bị xử tương đương như tiết lộ bí mật quốc phòng. Ông Olivier Buquen, lãnh đạo cơ quan liên bộ xử lý thông tin tình báo kinh tế, cho biết trong vòng năm năm qua, có tới hàng ngàn vụ gián điệp công nghiệp xảy ra ở Pháp, trong mọi ngành, mọi công ty lớn nhỏ.

Mối nghi ngờ Trung Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên một tập đoàn Pháp cáo buộc Trung Quốc đứng sau hoạt động gián điệp kinh tế. Năm 2005, cảnh sát Pháp bắt giữ sinh viên Trung Quốc 22 tuổi Li Li vì tội ăn cắp bí mật công nghiệp khi làm việc tại nhà máy của tập đoàn sản xuất bộ phận xe hơi Valeo. Khám nhà Li Li, cảnh sát Pháp tìm thấy ba máy vi tính và hai ổ cứng chứa nhiều dữ liệu về các sản phẩm của Valeo, trong đó có một số thiết kế “bí mật” chưa từng được đưa ra thị trường. LiLi đã bị xử tù năm 2007. Lãnh đạo Tập đoàn hàng không và quốc phòng châu Âu EADS, ông Louis Gallois, khẳng định tình báo công nghiệp là một nguy cơ lớn tại nhiều quốc gia, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ông tiết lộ Hãng máy bay Pháp Airbus luôn “cực kỳ cẩn trọng” khi thực hiện các chuyến bay thử tại Trung Quốc.

"Là tập đoàn có 200.000 nhân viên trên toàn cầu, nhưng chỉ cần một kẻ cũng đủ khiến cả công ty trở thành trò hề"

Tổng giám đốc điều hành Hãng xe Mỹ General Motors Dan Akerson nêu lý do vì sao ông hằng ngày cứ phải canh cánh lo sợ trước nguy cơ gián điệp công nghiệp.

Không chỉ Pháp, Đức cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ăn trộm bí mật công nghiệp của mình. Năm 2009, chính quyền Đức khẳng định các vụ xâm nhập nhằm moi thông tin tình báo kinh tế, đặc biệt từ Trung Quốc, khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 53 tỉ euro mỗi năm, tương đương 30.000 việc làm.

Chuyên gia chống phản gián kinh tế Walter Opfermann thuộc Văn phòng chống tình báo bang Baden - Württemberg cho biết Trung Quốc sử dụng hàng loạt phương pháp để ăn trộm bí mật công nghiệp, từ gián điệp kiểu cổ điển tới nghe lén điện thoại, tấn công trên Internet... Các lĩnh vực thường bị tấn công là sản xuất xe hơi, năng lượng tái tạo, hóa học, viễn thông, công nghiệp tia X, nghiên cứu vật liệu và sản xuất vũ khí... “Trung Quốc muốn trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2020. Do đó họ cần chuyển giao công nghiệp cấp độ cao nhanh chóng và sâu rộng”, chuyên gia Opfermann nhận định.

Trong vài năm qua đã xảy ra nhiều vụ xìcăngđan gián điệp công nghiệp ở Đức. Điển hình vụ một phụ nữ Trung Quốc bị cảnh sát khám nhà và phát hiện 170 CD chứa dữ liệu nhạy cảm về các sản phẩm của công ty, nơi người này làm việc. Như vụ một kỹ sư cơ khí Trung Quốc làm việc ở một doanh nghiệp thuộc vùng Lake Constance bị phát hiện tuồn thông tin về một loại máy cho một công ty đối thủ ở Trung Quốc. Công ty Trung Quốc này sau đó đã sản xuất một loại máy y hệt và nghi can đã trốn về Trung Quốc.

Mỹ, nước đã có luật chống tình báo kinh tế từ 15 năm trước đây, cũng vài lần tố cáo Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của họ. Tháng 1-2010, Công ty Google và chính quyền Mỹ cáo buộc hệ thống mạng của chi nhánh Google ở Trung Quốc bị tin tặc xâm nhập nhằm đánh cắp thông tin thương mại nhạy cảm. Cũng trong thời gian đó, Công ty phần mềm Mỹ CyberSitter đâm đơn kiện Trung Quốc đã đánh cắp phần mềm chống tài liệu khiêu dâm trên mạng và phát triển thành chương trình lọc mạng Internet mang tên Đập xanh.

CyberSitter cáo buộc các lập trình viên Đập xanh đã đánh cắp 3.000 dòng mã trong phần mềm của công ty. Richard Clarke, cựu chuyên gia an ninh mạng của Nhà Trắng dưới thời tổng thống George Bush, khẳng định tin tặc Trung Quốc đã ăn cắp thông tin về máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Hãng Lockheed Martin. Các chuyên gia Mỹ cho rằng nhờ thông tin đánh cắp, Trung Quốc đã phát triển loại máy bay tàng hình J-20. Một báo cáo mới đây của Chính phủ Mỹ cũng khẳng định tình báo công nghiệp Trung Quốc “là mối đe dọa lớn nhất đối với công nghệ Mỹ”.

Pháp: kẻ trộm số một?

Các tập đoàn lớn của các nước phát triển cũng thường xuyên dò tìm thông tin nhạy cảm của nhau để giành lợi thế cạnh tranh. Năm 1993, Hãng xe Opel, chi nhánh của General Motors ở Đức, cáo buộc hãng đối thủ Volkswagen tội ăn cắp bí mật thương mại sau khi giám đốc sản xuất của Opel là Jose Ignacio Lopez cùng bảy chuyên viên Opel khác sang đầu quân cho Volkswagen. Phản ứng lại, Volkswagen dọa kiện Opel tội phỉ báng.

Chiến tranh pháp lý nổ ra và đến năm 1997, Volkswagen đã chấp nhận bồi thường cho General Motors 100 triệu USD và mua lại ít nhất 1 tỉ USD bộ phận xe hơi do General Motors sản xuất trong bảy năm. Năm 2009, Tập đoàn Mỹ Starwood cũng tố cáo đối thủ Hilton đã ăn cắp thông tin về các sản phẩm cao cấp của Starwood sau khi Hilton lôi kéo mười giám đốc và chuyên viên của Starwood. Theo Starwood, cựu giám đốc sản phẩm cao cấp Ron Klein đã tải hàng loạt dữ liệu từ máy tính công ty về địa chỉ thư điện tử cá nhân và đem sang Hilton.

Thế nhưng, theo tài liệu ngoại giao mật của Mỹ do trang web WikiLeaks công bố, phía Mỹ xác định Pháp mới là nước tổ chức nhiều chiến dịch gián điệp công nghiệp nhất thế giới. “Tình báo công nghiệp Pháp gây tổn hại hơn cả những gì Trung Quốc và Nga gây ra” - một bức điện tín từ Đại sứ quán Mỹ tại Berlin khẳng định. Trong thập niên 1980, Pháp đã bị mang tiếng chuyên đi ăn cắp công nghệ khi cài thiết bị nghe lén vào ghế các khoang hạng nhất trên các máy bay của Hãng Air France để nghe trộm giám đốc các tập đoàn thảo luận.

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Guardian, Financial News)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên