Phóng to |
Những người bán tàn ong trên đường gần cầu Ông Cộ, xã Phú An, huyện Bến Cát, Bình Dương - Ảnh: L.N.HẠNH |
Một dịp cuối tuần anh rủ tôi đi câu cá ở ao dịch vụ. Dù không mặn mòi lắm chuyện cá mắm, nhưng vốn là người yêu thiên nhiên, thèm hít thở gió trời nên tôi gật đầu.
Anh bày lỉnh kỉnh mấy chiếc hộp nhựa từ trong chiếc túi đồ nghề to đùng. Hộp đựng trứng kiến, hộp đựng nhộng ong, hộp đựng trùn, đựng dế... cho tới cơm, cháo, bánh mì, bơ sữa, phô mai... rồi đến trái cây đủ loại nào chuối sứ, chuối cau, dâu tây... Anh giải thích mỗi loài cá thích ăn mỗi thứ khác nhau, phải chuẩn bị đủ thứ mồi, món này câu không dính thì phải đổi món khác.
Tôi lấy tờ báo ụp vào mặt khi thấy anh bắt một con trùn móc vào cái lưỡi câu bén ngót rồi quấn nhiều vòng thành một cục, mấy lưỡi còn lại anh móc vào mấy con dế. He hé tờ báo, tôi thấy mấy con côn trùng nửa sống nửa chết nằm ngọ nguậy dưới chùm lưỡi câu chuẩn bị làm mồi dụ cá mà sởn da gà. Anh bạn tôi tỉnh bơ.
Không thể ngồi chứng kiến cảnh mấy con côn trùng bị “hành xác” trước khi bị ném xuống ao, tôi xách tờ báo đi lang thang đến mấy “cần thủ” lân cận. Cũng chẳng thua kém gì mấy món của anh bạn tôi vừa bày ra lúc nãy. Nhìn đám côn trùng đủ loại chuẩn bị “hi sinh” để phục vụ cho trò câu cá giải trí mà tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao mấy “cần thủ” lại có thể vô tư “xuống tay” một cách tàn nhẫn như vậy.
Gần nhà tôi có ba cửa hàng chuyên bán đồ phục vụ những “cần thủ” của bộ môn câu cá. Từ chiếc cần câu máy trị giá vài chục triệu đồng đến con côn trùng bé tí ti. Cứ mỗi sáng đi làm ngang qua, tôi hay nhìn thấy những người “săn” côn trùng mang hàng đến bỏ mối, nào nhộng ong, nào trùn, nào dế, nào trứng kiến bày la liệt trên vỉa hè.
Việc bắt côn trùng làm mồi câu cá lặp đi lặp lại nhiều lần đã trở thành một thói quen bình thường nên anh bạn tôi không còn cảm nhận được cái sự “ác” mà tôi cho là “hủy diệt”. Sau lần chứng kiến cảnh “sát sinh” côn trùng đó, cứ mỗi lần thấy anh bạn tôi chuẩn bị đồ nghề đi câu là tôi mang bài ca “hủy diệt môi trường” ra để nói, đại loại việc đi câu cá sát sinh luôn cả đám côn trùng lít nhít để phục vụ nhu cầu giải trí là không thể chấp nhận được! Có lẽ mưa lâu cũng thấm đất, nói mãi cũng phải lưu tâm nên anh bạn tôi cũng đã “ngộ” ra được nhiều điều.
Vẫn là một tín đồ của môn câu cá giải trí, nhưng giờ anh bạn tôi có một nguyên tắc riêng của mình là khi nào có tiền thì đi câu ở những ao dịch vụ, không thì thôi chứ không câu ở kênh rạch, sông suối. Mồi câu chỉ loanh quanh mấy món thực phẩm: bánh mì, bơ sữa, cơm, cháo, cám, trái cây... Bởi anh “ngộ” ra rằng cá ở kênh, rạch, sông, suối sống trong môi trường tự nhiên, là nguồn tài nguyên thiên nhiên. Còn cá ở ao hồ là cá nuôi, trước là để phục vụ nhu cầu giải trí, sau là nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ đời sống con người.
Câu cá là một thú vui lành mạnh của nhiều người, nhưng sử dụng mồi câu là côn trùng, nói theo nhà Phật đó là hành động sát sinh, không khuyến khích. Mặt khác, đó chính là sự hủy diệt môi trường, vì hà cớ gì lại đi tận diệt những con côn trùng có lợi cho mùa màng chỉ để làm mồi câu cá? Không biết các “cần thủ” có nghĩ đến những điều này ở thú vui của mình?
Phóng to
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận