Những thành viên sáng lập và điều hành chinhphucvn.com - Ảnh chụp từ chinhphucvn.com |
Sân chơi này nhanh chóng thu hút các bạn trẻ tham gia tranh tài, trở thành nơi ôn luyện để nhiều thí sinh gặt hái thành công khi tham dự các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Chinh phục vũ môn...
Lớp 7 vừa học lập trình, vừa viết phần mềm
Người sáng lập CPP là Nguyễn Công Minh (lớp 9 Trường THCS Lộc Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng). Vào năm 2014 khi còn là học sinh lớp 7, vào hè Minh đi học ngôn ngữ lập trình C#, sau đó muốn tạo ra một ứng dụng gì đó để hỗ trợ việc học tập. Minh mày mò làm phần mềm CPP, đưa nội dung câu hỏi kiến thức vào rồi quảng bá trên mạng cho nhiều người tham gia.
Ban đầu CPP là một app chạy trên hệ điều hành Windows, đến cuối năm 2015 hoàn chỉnh thành website mang tên chinhphucvn.com.
“Lúc đó em vừa học vừa làm phần mềm, quyết tâm học lập trình thì phải tạo ra được phần mềm có ích này. Để nội dung có chất lượng, em tham khảo các câu hỏi của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, sưu tầm trong các sách đọc thêm và sách giáo khoa trên lớp” - Minh chia sẻ.
Nhưng để phát triển CPP chuyên nghiệp hơn cần thêm nhiều thành viên tham gia quản lý, thiết kế đồ họa, phụ trách nội dung, quảng bá, nội dung đề thi.
Trần Nguyễn Nhất Tín (lớp 9 Trường THCS Gia An, Tánh Linh, Bình Thuận) ban đầu là một thành viên tham gia chơi CPP, phụ trách nội dung câu hỏi. Hằng ngày tại căn nhà nhỏ ở vùng miền núi xã Gia An, sau khi học bài, Tín dành thời gian lên mạng thu thập các câu hỏi kiến thức về nhiều lĩnh vực để đưa lên CPP.
“Yêu cầu của các câu hỏi là hay, lạ, khó. Em phân loại 40% dễ, 40% trung bình, 20% khó” - Tín cho hay.
Cha của Tín là ông Nhất Linh (giáo viên tại Trường THCS Duy Cần, xã Gia An) cho hay Tín không đi học thêm môn nào mà chủ yếu tự học trên mạng.
“Tôi thấy con tôi và các bạn cùng lứa làm chương trình CPP rất hay nên ủng hộ. Thành tích học tập của Tín khá tốt nên tôi không lo việc tham gia làm CPP sẽ ảnh hưởng đến việc học của con” - ông Nhất Linh nói.
Hiện nay ngoài Minh và Tín, CPP còn có các thành viên khác tham gia ban quản lý là Trần Nhân Kiệt (lớp 9 Trường THCS Trần Kiệt, Phú Yên, phụ trách quản lý thành viên), Nguyễn Thanh Tuấn (lớp 9 Trường THCS Lộc Sơn, Lâm Đồng, phụ trách thiết kế đồ họa, hình ảnh infographic...), Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM, phụ trách quảng bá CPP).
Quy tụ nhiều “anh tài”
Mục tiêu hoạt động của CPP hiện nay là ôn luyện kiến thức, giao lưu kinh nghiệm học tập, chuẩn bị hành trang để các bạn trẻ tham gia các cuộc thi kiến thức. Thi ôn luyện kiến thức là chương mục được sự quan tâm nhất của các thành viên khi tham gia CPP với ba phần thi mở đầu (trắc nghiệm trực quan), tăng tốc (trả lời nhanh câu hỏi), về đích (trả lời theo các câu hỏi dễ, trung bình và khó).
Có thể kể ra một số bạn thành công ở các cuộc thi kiến thức khác từng tham gia CPP như Lê Võ Khánh Duy (giải nhì cuộc thi Chinh phục vũ môn toàn quốc lần 2 năm 2015-2016), Lê Duy Bách (nhất quý I Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16, tham gia chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2016), Trịnh Ngọc Tâm (giải khuyến khích Chinh phục vũ môn lần 2 năm 2015-2016). Ngoài ra, Minh và Tín vừa quản lý CPP nhưng cũng đoạt được hàng loạt giải thưởng trong các cuộc thi kiến thức ở Bình Thuận, Lâm Đồng.
“Em đang lên kế hoạch học thêm các ngôn ngữ lập trình di động để viết ra ứng dụng di động cho CPP” - Nguyễn Công Minh bày tỏ.
Ban tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” cho biết đến thời điểm này đã nhận được 20 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả; sáng chế các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học - giáo dục. Hồ sơ gửi về: Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0462631852; email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com đến ngày 30-9. Xem thêm thông tin tại: http://trithuctre.doanthanhnien.vn. Chương trình khuyến khích mọi đối tượng thanh niên, trí thức trẻ là công dân VN dưới 35 tuổi tham gia, dự kiến chọn 12-15 công trình, sáng kiến vào vòng chung kết toàn quốc kèm giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/chương trình, sáng kiến. Trong vòng chung kết sẽ lựa chọn tối đa 5 công trình, sáng tạo tiêu biểu trao giải thưởng với trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận