08/04/2012 08:16 GMT+7

Mở rộng vòng tay...

 DƯƠNG HẰNG(Lớp 12 văn, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa)
 DƯƠNG HẰNG(Lớp 12 văn, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa)

AT - Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Cô giáo đã mấy lần cho chúng tôi làm bài luận xã hội, suy nghĩ về một câu hát của Trịnh Công Sơn.

Có đứa bạn thắc mắc: “Đề này cô cho làm năm trước rồi mà, sao lại làm nữa?”. Có lẽ rằng một năm trôi qua, cô mong muốn chúng tôi có suy nghĩ sâu sắc và chín chắn hơn về “tấm lòng”, “nhân ái”, “tình người”.

X81Oo6gl.jpgPhóng to

A đó đã từng nói: “Nơi lạnh nhất của Trái đất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”. Tấm lòng là sợi dây nối kết gần gũi giữa mọi người, siết chặt vòng tay nhân ái. Một chút tình thương đủ giúp ta cố gắng vươn lên. Tấm lòng là hai chữ ý nghĩa nhất của cuộc đời.

Còn nhớ, mùa Giáng sinh năm ấy, tôi và Trang (đứa bạn thân của tôi) dắt nhau đi nhà thờ. Người đi vào nhà thờ đông lắm. Ngoài đường, gió thổi mạnh, cái lạnh thấm vào da thịt. Khi nghi lễ trong nhà thờ kết thúc, dòng người đổ về các ngả đường. Đường rộng nhất mà chúng tôi đi, người ta chen lấn, gấp gáp như để cố chạy thoát khỏi những cơn gió lạnh buốt.

Một bà già chừng 80 tuổi nằm còng queo trên đường, một tay giơ lên yếu ớt như đang cần sự giúp đỡ. Có lẽ sự chen lấn của dòng người đã làm bà ngã. Không một ai đỡ bà già dậy. Người đi qua nhìn thấy đều tránh ra và tìm lối đi khác. Dòng người cứ vội vã đến vô tâm. Gió thổi lạnh và lòng người cũng trở nên lạnh lẽo! Tôi và Trang dừng lại, lặng nhìn và phân vân. Rồi chúng tôi cũng bước đi, không đỡ bà dậy. Dẫu biết rất thương bà già ấy, nhưng tôi không thể nào tìm được một lý do để ngụy biện cho sự vô tâm của chính mình. Mãi sau này tôi vẫn còn day dứt khôn nguôi!

Giữa thành phố lớn này, một người ăn xin trên phố, một người gặp nạn trên đường, một ông già, bà già với mảnh áo chắp vá, hay những em bé lang thang phố chợ, dọc bến xe buýt - chuyện chẳng có gì mới, ai cũng đã hơn một lần chứng kiến. Người thương cho vài đồng bạc lẻ rồi đi tiếp, người vô cảm thì dửng dưng, thậm chí hắt hủi, quát mắng. Thuở nhỏ, khi người ăn xin vào nhà, tôi thường thấy mẹ đong cho họ một ít gạo, nói lời ân cần, an ủi. Người ở quê thật tâm lắm, ai cũng thương người ăn xin. Có lẽ cảnh cùng khổ đã khiến họ biết đồng cảm, sẻ chia. Mẹ vẫn thường dặn tôi: “Làm người phải có cái tâm, biết thương người con ạ!”.

Cuộc sống hối hả hôm nay, người ta dễ bị cuốn vào những cơn lốc, những cuộc đua giành đồng tiền và danh vọng, người ta dễ lãng quên bao mảnh đời bất hạnh. Một cậu bé ngồi bên đường ăn chiếc bánh mì khô khốc, một bà già co ro trong chiếc chăn mỏng giữa lạnh giá của mùa đông... Những kiếp người bé nhỏ vẫn còn đó, nhưng sẽ có bao nhiêu người mủi lòng, rưng rưng?

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng sẽ có lúc người ta phải giật mình, lắng lại và chiêm nghiệm. Mỗi người hãy mở rộng vòng tay yêu thương để tình người thắp sáng và sưởi ấm lòng mình. Tôi rất thích bài thơ Dặn con của Trần Nhuận Minh: “Mình tạm gọi là no ấm / Ai biết cơ trời vần xoay / Lòng tốt gửi vào thiên hạ / Biết đâu nuôi bố sau này...”. Người bố trong bài thơ không chỉ dặn dò, mong mỏi đứa con biết thương những người bất hạnh, nhà thơ còn gửi tới chúng ta thông điệp: Cuộc sống cần lắm những tấm lòng...

3De3RysV.jpgPhóng to

Áo Trắng số 5 ra ngày 15/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 DƯƠNG HẰNG(Lớp 12 văn, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên