08/12/2014 15:19 GMT+7

​Mở rộng trường, phải làm... 18 bộ hồ sơ

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) mới đây, trước Thủ tướng và nhiều bộ ngành, một diễn giả công bố tấm ảnh một luật sư ôm sáu bộ hồ sơ để làm thủ tục mở rộng chi nhánh giáo dục.

Luật sư Nguyễn Kim Dung ôm sáu bộ hồ sơ để làm thủ tục mở rộng trường được công bố tại VBF - Ảnh: CTV
Sẽ là áp lực lớn khi những cán bộ thụ lý hồ sơ phải đọc bộ hồ sơ phức tạp như vậy, nhất là khi một ngày họ phải nhận rất nhiều hồ sơ từ các nhà đầu tư khác nhau
Bà NGUYỄN KIM DUNG

Gặp lại vị luật sư này, chúng tôi đã bất ngờ bởi số hồ sơ phải nộp lên đến... 18 bộ.

Vị luật sư này là bà Nguyễn Kim Dung, giám đốc pháp chế đối ngoại của Tổ chức giáo dục và đào tạo Apollo VN. Kể lại với Tuổi Trẻ, bà Dung nói:

- Việc ông Khalid Muhmood, trưởng nhóm công tác giáo dục và đào tạo của VBF, công bố bức ảnh tôi ôm chồng hồ sơ là đúng thực tế. Ðó là chồng hồ sơ để một trung tâm ngoại ngữ mở thêm một chi nhánh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bộ hồ sơ để xin cấp một giấy phép, còn thực tế để mở một trung tâm ngoại ngữ hay một cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cần số hồ sơ gấp ba lần như thế.

* Quy định nào và tại sao lại cần đến nhiều hồ sơ như vậy, thưa bà?

- Chúng tôi thực hiện số hồ sơ trên theo đúng quy định tại Luật đầu tư và nghị định 73/2012/NÐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó quy định nếu lập một cơ sở giáo dục hay trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài, nhà đầu tư ngoài việc đảm bảo đáp ứng các điều kiện về suất đầu tư còn phải nộp những hồ sơ như: văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư, hồ sơ đăng ký kinh doanh, giải trình kinh tế - kỹ thuật (nêu mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án...), đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục, văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư...

Gọi là một số loại giấy như trên nhưng chỉ riêng một đề án khả thi chúng tôi phải làm rất nhiều thứ, phải tính toán xem sẽ đầu tư ra sao, hiệu quả thế nào, hoạt động ra sao, tương lai thế nào...

* Nhưng tại sao lại là sáu bộ?

- Vì nghị định 73/2012 nêu sau khi hoàn thành những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ kể trên, chúng tôi phải sao ra sáu bộ nộp để cơ quan tiếp nhận gửi các cơ quan ban ngành liên quan thẩm định, xin ý kiến. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là sáu bộ hồ sơ trên chỉ là để cấp giấy phép đầu tư.

Ðể một cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động phải cần thêm hai loại giấy phép là giấy phép thành lập, rồi thành lập xong thì cần giấy phép hoạt động. Mỗi giấy phép như thế lại cần sáu bộ nữa. Nghĩa là thực tế để một cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động cần ít nhất 18 bộ hồ sơ.

Và quy định hiện tại dù chỉ mở thêm chi nhánh, nhà đầu tư cũng cần số hồ sơ cơ bản không khác gì cấp mới.

Thực tế, các cơ quan cấp phép đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình cấp phép, nhưng luật quy định số hồ sơ như thế nên không thể trái được.

* Số hồ sơ nhiều như thế, bà đã phải đợi bao lâu để được cấp phép, đi vào hoạt động?

- Theo đúng như quy định, mỗi loại giấy phép cần khoảng 40 ngày làm việc, trong đó gồm cả thời gian chờ trả lời nếu hồ sơ chưa hợp lệ, rồi thời gian xin ý kiến các cơ quan chức năng. Khi đã được cấp phép đầu tư cơ sở giáo dục, chúng tôi còn phải thực hiện thủ tục cấp phép thành lập, rồi giấy phép hoạt động nữa. Tổng thời gian có thể lên tới khoảng 120 ngày làm việc.

* Bà cảm thấy thế nào khi đi thực hiện các bộ hồ sơ như thế? Bà mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành những bộ hồ sơ này?

- Quan điểm của chúng tôi là quy định các điều kiện cấp phép, yêu cầu hồ sơ chứng minh năng lực... là cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi cho người tiêu dùng. Thời gian làm hồ sơ bao lâu xin phép không nêu, tùy năng lực từng nhà đầu tư mà thời gian chuẩn bị sẽ khác nhau.

Còn cảm thấy thế nào, chúng tôi thật sự mong muốn quy trình cấp phép được giảm thiểu tối đa về mặt thủ tục và giấy tờ hồ sơ vì thực tế có cần nhiều thủ tục giấy tờ đến như vậy không?

Nó không chỉ làm mất thời gian của nhà đầu tư mà còn làm mất thời gian, công sức của cơ quan cấp phép vì các cán bộ thụ lý hồ sơ sẽ phải đọc, thẩm định chồng hồ sơ đó.

* Với kinh nghiệm của mình, theo bà, việc chuẩn bị hồ sơ cho cơ sở giáo dục có phải đã là lĩnh vực “mệt mỏi” nhất hay chưa?

- Với các nhà đầu tư, đó chắc chưa phải khâu đau đầu nhất, bởi vì đó là trách nhiệm của nhà đầu tư phải thực hiện để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.

Vấn đề khó cho nhà đầu tư đối với quy định hiện tại là họ phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được cấp phép như: cơ sở vật chất, thiết bị phải đảm bảo định mức đầu tư, rồi diện tích tối thiểu/người học là bao nhiêu, cả số giáo viên, bằng cấp và giấy phép lao động tại VN của giáo viên...

Như vậy có nghĩa nhà đầu tư nhiều khi phải ký hợp đồng thuê và trả lương giáo viên, mua hoặc thuê cơ sở dạy học rồi mới được đi xin cấp phép (chưa biết có được chấp nhận hay không).

Còn nhiều bất cập khác như nghị định 73/2012 quy định điều kiện, hồ sơ cho việc mở cơ sở giáo dục ngắn hạn, phổ thông nhiều cấp học và đại học là như nhau, như thế không hợp lý.

Quy trình thành lập một cơ sở giáo dục đại học hay cơ sở giáo dục phổ thông phải khác với quy trình thành lập một cơ sở đào tạo ngắn hạn.

Theo chúng tôi, nghị định 73/2012/NÐ-CP nên được sửa đổi theo hướng chỉ quy định hai loại giấy phép thay vì ba. Khi đã có giấy phép đầu tư thì chỉ cần cấp thêm giấy phép hoạt động là đủ.

Không chỉ lĩnh vực giáo dục mà các lĩnh vực khác trên thực tế cũng rất cần sự tối giản quy trình cấp phép. Thực tế hồ sơ quy định yêu cầu nhiều nên thời gian thẩm định sẽ phải dài.

Khi chúng tôi đã hoàn thành đúng các loại giấy tờ theo quy định thì việc xem xét cần nhanh hơn.

Hơn 120 ngày làm việc chờ thẩm định cấp phép có thể làm nản lòng các nhà đầu tư, chúng tôi thật sự mong muốn có một chính sách thông thoáng hơn.

* Ông CHÂU HUY QUANG (luật sư điều hành Công ty Rajah & Tann LCT Lawyers):

Đến đâu cũng gặp những câu hỏi tương tự

Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp mới hiện nay có sửa nhiều nhưng tôi lo cách tiếp cận và hành xử của cơ quan cấp phép vẫn không sửa. Điều này vẫn làm chi phí đầu vào, chi phí xin cấp phép quá cao. Và các công ty tư vấn đầu tư vẫn ăn nên làm ra nhờ thủ tục cấp phép còn lắm nhiêu khê này.

Chúng tôi vừa tiếp nhận một dự án nhà đầu tư lớn từ Singapore trong lĩnh vực logistics nhờ tư vấn cấp phép mới. Theo hồ sơ của công ty này thì không thấy vướng mắc gì về luật lệ nhưng cơ quan cấp phép lại bác bỏ khi họ muốn thành lập với tỉ lệ vốn 100% của nước ngoài.

Đây là nhà đầu tư vào VN với vốn lớn khoảng 5-7 triệu USD. Họ thắc mắc là tại sao luật không cấm mà không cấp phép được, liệu có rào cản hay bảo hộ gì ở đây không?

Một hồ sơ phải trình bốn năm bộ, ngành, chúng tôi phải tới gõ cửa từng nơi để hỏi tiến độ đến đâu.

Nhiều việc làm rất cảm tính khiến mất thời gian của doanh nghiệp rất nhiều. Đơn cử như hiện nay cơ quan cấp phép hỏi quá nhiều, đến cơ quan nào cũng hỏi lặp đi lặp lại những câu tương tự khiến doanh nghiệp rất phiền hà.

* Luật sư TRẦN ANH ĐỨC (Công ty Allen & Overy Legal Vietnam):

Vẫn thủ công là chính

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi làm thủ tục đầu tư đều bày tỏ thái độ không hài lòng, đặc biệt là xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn.

Thủ tục cấp mới tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã rút ngắn từ 43 còn 32 thủ tục, nhưng vấn đề đặt ra là liệu có thể rút ngắn xuống 30-50% thủ tục sau khi các dự thảo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp mới ban hành? Liệu cơ quan nhà nước có đang ôm đồm quá nhiều thứ không cần thiết hay không?

Ví dụ trong hồ sơ doanh nghiệp có những thứ về hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua bán cổ phần dài tới hàng trăm trang thỏa thuận giữa các bên, các cổ đông với nhau thì cơ quan nhà nước không cần mất thời gian để xem xét làm gì.

Về đăng ký kinh doanh qua mạng, chúng tôi thấy đã triển khai nhưng cũng chưa thể áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư đang mất thời gian đi lại bổ sung, chờ đợi.

Cơ quan cấp phép nói đang chạy thí nghiệm. Vậy liệu chúng ta có dám công khai tất cả mọi thắc mắc, kể cả những thủ tục không cần thiết, lên mạng để mọi người đều nhìn thấy không?

ĐÌNH DÂN ghi

 

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên