Các nhà báo chất vấn ông Phạm Ngọc Viễn, tổng giám đốc VPF, tại hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp ở VN hôm 28-9 tại Hà Nội - Ảnh: Nam Khánh |
Và đây là phân tích của ông Đoàn Minh Xương.
Vai trò của VPF ngày càng mờ nhạt bởi các lý do:
1- Thành viên của VFF được “cài cắm” vào VPF nhiều, có người giỏi chuyên môn nhưng không thật sự tâm huyết với bóng đá mà chỉ làm tròn vai. Điều này vô tình khiến VPF bị ngộ nhận là văn phòng 2 của VFF.
2- Kinh tế khó khăn nên việc tìm kiếm tài trợ cũng không như ý bởi những doanh nghiệp chỉ biết đến VFF hơn là VPF.
3- VFF không có tính định hướng lâu dài trong việc phát triển bóng đá VN theo chiến lược lâu dài nên dẫn tới sự bị động cho VPF trong quá trình hoạt động.
4- V-League có 14 đội tham dự, giải hạng nhất có 8 đội, giải hạng nhì có 14 đội, giải hạng ba có 20 đội. Cả nước có không quá 70 CLB thì rõ ràng đó là sự phát triển bất bình thường. Khôi hài hơn nữa là có tới 7/8 đội dự giải hạng nhất năm nay cùng “né” suất thăng hạng.
Nói không quá lời, V-League 2015 sẽ hết sức đìu hiu trên các sân bóng nếu như không có sự xuất hiện của “đám trẻ nhà bầu Đức”. Dù chưa phải là những ngôi sao chói sáng, nhưng cách chơi hồn nhiên, trung thực, đậm chất kỹ thuật của các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai đã làm khán giả cả nước “sướng”. Nhờ vậy, gần như sân nào có Hoàng Anh Gia Lai đến thi đấu cũng trở thành ngày hội bóng đá thật sự. Nhưng vui thì ít mà buồn thì nhiều, vì đó là quy luật phát triển bất thường.
Tuy nhiên, theo tôi, lý do quan trọng nhất là bóng đá VN thiếu những người “máu” như bầu Kiên. Mọi người đều thấy V-League 2015 và những mùa trước đó, tình trạng chơi bóng thô bạo, bóng đá nghĩa tình, kết quả của nhiều trận đấu đã diễn ra đúng với dư luận dự báo trước khi bóng lăn. Ai ai cũng thấy trừ những người ở ban tổ chức giải và VPF. Tôi không quy hết trách nhiệm cho VPF và ban tổ chức mà chỉ muốn nói rằng vì sao những người có trách nhiệm không lên tiếng, không làm ráo riết để chứng minh cho dư luận thấy rằng có những dự báo không chính xác.
Không ít người chợt liên tưởng giá mà Nguyễn Đức Kiên - ông bầu chịu chơi, chịu va chạm vào những gai góc của đời sống bóng đá - vẫn còn tham gia VPF thì nhiều khả năng bầu Thắng sẽ không phải “nhức đầu” để giải quyết quá nhiều chuyện “trong nhà” trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị VPF.
Vai trò của VPF mờ nhạt đi qua từng mùa giải, điều này là có thật. Nhưng VPF cũng có nhiều chuyện làm được, chẳng hạn như thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với giải nhà nghề Nhật. Họ sẽ làm tốt hơn nữa nếu như họ không là văn phòng 2 của VFF. Chuyện lùm xùm qua từng mùa giải không khó để giải quyết triệt để nếu như VPF mạnh tay hơn thay vì thoái thác trách nhiệm. Lễ tổng kết năm nào cũng rộ lên chuyện cãi nhau, hình ảnh V-League bị hoen ố thì làm sao có thể thoải mái trong việc kêu gọi, vận động tài trợ.
Không ai có thể làm thay VPF nếu như VPF không muốn tự làm mới chính mình bằng việc thay đổi mạnh mẽ về cách làm, con người và sự tâm huyết với bóng đá phải luôn là kim chỉ nam...
“Nói vai trò của VPF mờ nhạt là không đúng” Đó là phát biểu của ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT VPF - trước những ý kiến cho rằng vai trò tổ chức của VPF khá mờ nhạt khi giải năm nay vẫn để lại nhiều dư luận không tốt về những trận đấu bị nghi ngờ tiêu cực và hội nghị tổng kết giải năm nào cũng bị các CLB phản ứng. Ông Thắng nói: “Những chuyện VPF làm đều đáp ứng được những gì mà nhà tài trợ Toyota yêu cầu. Họ đánh giá rất tốt về mùa giải năm nay. Họ nói rằng giải đấu đã đạt được những yêu cầu họ mong muốn. Đây là điều mà họ không ngờ đến bởi lúc đầu khi tài trợ, họ vẫn còn có những nghi ngờ về V-League. Toyota khẳng định sẽ tiếp tục tài trợ cho V-League 2016. Và tôi đã hứa với nhà tài trợ Toyota hãy yên tâm, chúng tôi năm sau sẽ làm tốt hơn năm trước. Điều này đã được chứng minh qua các năm vừa rồi. Điều đáng mừng, không chỉ Toyota, V-League cũng đang được ba tập đoàn hàng đầu thế giới khác quan tâm và muốn tài trợ. Nếu nói giải đấu tệ thì người ta nhảy vào làm gì?”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận