05/03/2011 07:24 GMT+7

Mở lối cho bạn trẻ nghèo

LÊ HẢI
LÊ HẢI

TT - Mấy tháng nay, khóa dạy nghề miễn phí đầu tiên được triển khai tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng đã mở ra cánh cửa mới cho nhiều thanh niên nghèo ngoài cộng đồng không có điều kiện đến trường.

FUrosDCB.jpgPhóng to

Giáo viên cơ khí Nguyễn Văn Cừ cẩn thận kiểm tra từng mối hàn của học viên Nguyễn Văn Tây - Ảnh: Lê Hải

Vừa bước chân vào khu lưu xá thanh niên của Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, chúng tôi đã nghe rộn rã tiếng máy bào liên hợp, máy cưa xén gỗ, tiếng máy mài, cắt kim loại ken két, tiếng khoan, đục bêtông chát chúa... tạo thành thứ âm thanh hỗn tạp của xưởng nghề.

Học được 4 nghề

Được học nghề và bảo trợ

Dự án dạy nghề cho thanh niên nghèo (ngoài làng SOS) bắt đầu triển khai tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng từ tháng 12-2010 do Tổ chức SOS quốc tế tài trợ kinh phí 300 triệu đồng/năm. Mỗi khóa học 12 tháng, với số lượng tuyển tối đa 20 học viên. Các em có thể học thành thạo từ một đến bốn nghề gồm: mộc, cơ khí, điện dân dụng, nước dân dụng tùy theo sở thích và khả năng của mình.

Ngoài miễn phí đào tạo nghề, học viên tham gia chương trình còn được bố trí ăn ở miễn phí, trang bị trang phục bảo hộ lao động, hỗ trợ thêm 155.000 đồng/tháng. Khi tốt nghiệp, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Tại khu thực hành nghề mộc, học viên Nguyễn Văn Bông (17 tuổi, quê ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lọt thỏm trong trang phục màu xanh công nhân, đội nón bảo hộ, khẩu trang che kín mặt, cẩn thận đưa chiếc máy bào lướt nhẹ trên bản gỗ dài chừng 2m.

Bên cạnh Bông, giáo viên dạy nghề mộc Lê Thanh Hòa chăm chú dõi theo từng đường bào của học trò, tỉ mỉ kiểm tra sản phẩm đã nhẵn mịn, thẳng tắp gật đầu hài lòng. “Ngoài việc truyền đạt hết khả năng, tay nghề cho các em, tôi tự đặt mình là một khách hàng khó tính, nghiêm khắc kiểm tra sản phẩm để rèn cho học viên đức tính cẩn thận, có trách nhiệm trong từng chi tiết nhỏ nhất, không được dễ dãi với nghề” - anh Hòa bày tỏ.

Kế bên xưởng mộc, các giáo viên Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chính Ngọc, Trần Dũng Sĩ... cũng đang tỉ mỉ chỉ vẽ cho học viên thực hành các sản phẩm cơ khí, lắp đặt hệ thống điện, nước dân dụng. Học viên Nguyễn Văn Tây (17 tuổi, quê xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Các thầy chỉ bảo rất tận tình, không chỉ dạy nghề mà còn dạy cách đối nhân xử thế khiến chúng em rất cảm phục”.

Tây còn có người em trai sinh đôi Nguyễn Văn Pháp cũng đang học nghề tại đây. Hai anh em phải nghỉ học từ năm lớp 9 vì gia cảnh quá khó khăn. Ba các em qua đời ngay trong cơn bão Chanchu năm 2006 khi đang đi biển, một mình mẹ cặm cụi làm thuê không thể nuôi nổi năm anh em ăn học. “Ra nghề, tụi em mong ước có được công việc ổn định để nuôi bản thân và phụ giúp mẹ lo cho ba đứa em nhỏ học hành” - hai anh em bày tỏ.

Như một mái nhà

Tại khu lưu xá thanh niên có một căn phòng rộng, sạch sẽ được trang bị giường tầng, quạt máy... Đây là nơi các giáo viên và học viên cùng ăn ở, sinh hoạt. Ở đây không có khoảng cách thầy - trò, mà thay vào đó là mối quan hệ gần gũi giữa những người anh cả và bầy em nhỏ. Anh Nguyễn Văn Cừ (giáo viên dạy nghề cơ khí) thổ lộ: “Tôi đến với xưởng nghề, gắn bó với các em vì sự đồng cảm với những số phận thiệt thòi”.

Anh Cừ sớm chịu cảnh mồ côi ngay từ nhỏ nhưng may mắn được xã hội cưu mang, nuôi dưỡng. Trước khi đến với xưởng nghề tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, anh đã có thâm niên 20 năm làm cơ khí đường sắt, thu nhập khá hơn nhiều so với công việc giáo viên dạy nghề hiện tại.

Ông Huỳnh Bá Trúc (giám đốc dự án Làng trẻ em SOS Đà Nẵng) cho biết: “14 học viên tham gia khóa đào tạo nghề đầu tiên tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng đều thuộc đối tượng con nhà nghèo, mồ côi, bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn... Các giáo viên vào đây làm việc ngoài tay nghề vững cần phải có cái tâm, lấy cương vị là người anh cả để vừa dạy nghề vừa dạy cách sống, chỉ bảo điều hay lẽ phải cho các em. Mục tiêu của dự án là đào tạo các em thành những người thợ giỏi chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, đã có một số cơ sở sản xuất đến tham quan xưởng nghề, đăng ký nhận các em vào làm việc ngay khi tốt nghiệp”.

LÊ HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên