Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay:
Mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe
Phóng to |
Diễn viên Lý Nhã Kỳ (bìa phải) chia sẻ những kinh nghiệm bảo tồn nhạc dân tộc ở nước bạn trong những chuyến đi mà cô dự với vai trò đại sứ du lịch và bày tỏ cảm giác thích thú khi được nghe các giáo sư, nghệ nhân VN biểu diễn và diễn giải về các loại hình nhạc dân tộc - Ảnh: T.T.D. |
Hội thảo này đã được tổ chức lần đầu tại Hà Nội vào tháng 10-2012 và lần này là tại TP.HCM với gần 20 tham luận, ý kiến từ các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa uy tín.
Lép vế trên sân nhà
Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa nhận định: "Một bộ phận lớn tuổi trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài, quay lưng với âm nhạc dân tộc". GS Hoàng Chương cũng cùng nhận định đó và cho rằng: "Các trường học tại VN rất ít quan tâm đến nghệ thuật dân tộc của nước mình mà hướng vào dòng nhạc đương đại, dòng nhạc thương mại".
Còn Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên lại rất bức xúc trước việc các nhà kinh doanh vì lợi nhuận đã dành quá nhiều tâm sức để "bơm thổi" cho các dòng nhạc ngoại lai, đặc biệt là cho K-pop trong thời gian qua. Ông Vương Duy Biên nhấn mạnh: "Tiếc thay đã có nhiều đơn vị truyền thông bắt tay với các công ty kinh doanh giải trí để làm việc đó, thay vì chuyên tâm quảng bá tuyên truyền cho những hình thức nghệ thuật có giá trị".
PGS.TS Lê Văn Toàn - giám đốc Viện Âm nhạc quốc gia - cũng cho rằng: "Sự ủng hộ của truyền thông với những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc chưa nhiệt tình lắm. Cụ thể là những chương trình âm nhạc truyền thống luôn bị đẩy vào giờ phát sóng rất khuya, rất sớm hoặc trong giờ làm việc. Khung giờ vàng luôn dành cho các chương trình thương mại có giá trị nghệ thuật thấp nhưng có tài trợ cao".
Bắt đầu bằng việc ru con
Nhiều ý kiến đau buồn về việc để “sống” được với thời đại, nhiều nghệ sĩ đã làm “biến dạng” âm nhạc dân tộc: hát nhép, chơi nhạc cụ dân tộc với ampli, kết hợp các hình thức đồng ca, múa lửa và nhiều hình thức tạp kỹ khác vào các loại hình nhạc dân tộc. |
Ngoài việc đưa ra các lý do khiến âm nhạc dân tộc bị "thất sủng" và có nhiều khả năng thất truyền nếu không bảo tồn và bảo vệ đúng cách, các đại biểu cũng đã gợi ý một số biện pháp giúp âm nhạc dân tộc có được vị trí xứng đáng trong đời sống hôm nay. GS Trần Văn Khê cho rằng một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là giáo dục cho lớp trẻ về nhạc dân tộc: "Phải được hiểu biết thì mới yêu, có yêu mới có nhu cầu thưởng thức, học và biểu diễn". Giáo sư cũng khuyên hãy bắt đầu việc giáo dục đó bằng cách ru con, cho con trẻ nghe những bài ru, bài đồng dao, hò đối đáp nam nữ... trước khi nghe những hình thức chuyên nghiệp hơn như quan họ, đờn ca tài tử, ca Huế, ca trù...
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất: "Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như thay đàn organ bằng các nhạc cụ dân tộc trong đào tạo giáo viên âm nhạc tại các trường phổ thông; thay những bài hát nước ngoài, điệu nhảy nước ngoài bằng các bài dân ca, dân vũ VN trong giảng dạy cho các em và trong các hoạt động cộng đồng khác".
Trong khi đó, tiến sĩ Văn Minh Hương - giám đốc Nhạc viện TP.HCM - đưa ra những tổng hợp kinh nghiệm và chính sách của các nước bạn trong việc bảo tồn âm nhạc truyền thống, trong đó có những kinh nghiệm về quảng bá du lịch, giáo dục, cách thức giới thiệu các loại hình âm nhạc truyền thống trên truyền hình, định hướng của giới truyền thông... TS Văn Minh Hương cũng đề xuất các chính sách cụ thể để hoạt động âm nhạc truyền thống có điều kiện phát triển: đầu tư xây dựng nhà hát dân tộc chuẩn, đầu tư đào tạo thế hệ nghệ nhân trẻ, ưu đãi đặc biệt với các nghệ nhân nổi tiếng, tạo cơ chế mở nhằm thúc đẩy mô hình "xã hội hóa" trong hoạt động âm nhạc truyền thống...
Nhiều đại biểu khác đưa ra các góp ý, đề xuất sát sườn để âm nhạc dân tộc có một vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc hiện tại, nhưng thật không dễ để những điều "lý tưởng" này có thể thành hiện thực nếu không có sự đồng thuận và quyết tâm cao độ từ cả xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận