30/10/2004 06:05 GMT+7

Mộ cổ hay lô cốt?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - “Mấy hôm nay nghe đài, báo nói về ngôi mộ cổ ở đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) tôi thấy bức xúc quá! Đó không phải là mộ cổ đâu mấy cháu ơi!...”. Một ông già người gốc Thái Bình trạc tuổi ngoài 70 đã nói với chúng tôi như thế vào đêm 28-10.

b5ocw7On.jpgPhóng to
Hiện trường khai quật "mả đá" ở đường Nguyễn Tri Phương Ảnh: T.T.D.

Nghe những thông tin này, chúng tôi hơi “choáng” vì nó hoàn toàn trái ngược với những gì mà báo, đài đã thông tin về ngôi mộ ở đường Nguyễn Tri Phương đang được khai quật trong mấy tuần qua.

Nhưng ông già cứ khăng khăng... Chúng tôi cùng “ông già Thái Bình” đưa ra thông tin “gây sốc” ấy đã đi tìm vị trí của từng lô cốt vào sáng 29-10.

Từ một bức thư tâm huyết...

HXcgb2xK.jpgPhóng to
Ông Bùi Thọ Lợi đang phác thảo vị trí đặt các lô cốt của lính Pháp, vào tối 28-10 - Ảnh: Q.T.
Khoảng 16g30 ngày 28-10, tòa soạn Tuổi Trẻ nhận được bức thư viết vỏn vẹn trong hai trang giấy tập học sinh. Bức thư bày tỏ tâm huyết mong muốn Tuổi Trẻ cử phóng viên đi điều tra “sự thật về những ngôi mộ cổ tại khu vực quận 10, TP.HCM”.

Nơi gửi của bức thư đề rõ “Bùi Thọ Lợi, ..., Hóc Môn, TP.HCM”. Chúng tôi tức tốc đi tìm tác giả của bức thư ngay trong đêm 28-10.

Với địa bàn Hóc Môn, đêm tối, để tìm địa chỉ nói trên quả là một điều không đơn giản. Chúng tôi phải nhờ trưởng ấp dẫn đường để tìm người tên Bùi Thọ Lợi như đã ghi trong thư. Trưởng ấp Đông rất nhiệt tình, lật sổ tra cứu và nhận ra địa chỉ, rồi dẫn chúng tôi đến tận nhà mang địa chỉ đó. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông nói giọng Thái Bình, nói rất to. “Tôi, chính tôi là Bùi Thọ Lợi...”.

Ông Lợi sinh năm 1932 tại Đông Hồ, Đông Quang, Thái Bình. Năm lên 13 tuổi, lần đầu tiên ông đặt chân lên đất Sài Gòn. Vào đây ông sống lề đường với nghề đánh giày. Ông kể: “Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó khu vực quận 10 bây giờ, khu Lữ Gia... là bãi cát và sau này trồng toàn cao su, chứ đâu có nhà cửa mọc đầy như bây giờ”. Ông nói tiếp: “Vào những năm đó có rất nhiều lô cốt kiên cố của lính Pháp để phòng thủ”.

Câu chuyện về những lô cốt và ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương giữa tôi và ông càng trở nên hấp dẫn. Ông lấy mảnh giấy tập học sinh và phác thảo họa đồ những lô cốt của quân Pháp (tại khu vực Q.10 bây giờ) trước kia cho tôi xem.

Ông chấm tất cả có năm cái lô cốt tại khu vực này, theo trí nhớ của ông. Một cái tại Nhà máy RMK của Mỹ (bây giờ nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần Cơ khí lâm nghiệp Sài Gòn). Một cái tại khu Lầu Nước thuộc khu phố 5, P.14, Q.10. Một cái trong khuôn viên của Công ty điện tử TIE, cạnh nhà thờ Đồng Tiến (trước đây là xí nghiệp sấy chuối). Một cái nằm trong khuôn viên Trung tâm cấp cứu Trưng Vương. Và lô cốt cuối cùng trong phác thảo của ông... là “ngôi mộ cổ” đang chuẩn bị được khai quật trên đường Nguyễn Tri Phương!

Tôi không giấu được vẻ nghi ngờ trên nét mặt. Ông nói ngay: “Tôi còn minh mẫn lắm cháu à! Không nhầm đâu. Không tin, ngày mai tôi sẽ đi cùng cháu để xác định từng vị trí một. Còn vết tích của chân lô cốt đấy. Nhiều người cũng biết về những tảng bêtông to này chứ không riêng gì tôi”.

Ông bắt đầu phác thảo cho tôi xem hình dáng của các lô cốt mà ông còn nhớ được. Chân lô cốt đổ bằng một khối vật liệu rắn chắc, nằm sâu dưới đất; chân lồi lên mặt đất khoảng 0,8-1m. Có một cái đài cao độ 1,6m. Cửa ra vào các lô cốt xây theo hình xoắn ốc, giống như đầu ngôi mộ, chỉ vừa đủ để người chui vào. Tất cả các lô cốt đều xây dựng theo một kiểu. Tại mỗi lô cốt có ba lính da đen gác. Đây là một dãy lô cốt liên hoàn mà theo ông, có một lô cốt “trung tâm” nằm ở khu vực xưa kia là P.9, Q.10.

Ông Bùi Thọ Lợi cho biết lúc ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống chế độ Sài Gòn đã ra lệnh phá hết các hàng rào kẽm gai và các lô cốt. Các lô cốt đều được phá bằng mìn nhưng chỉ phá được phần “đài”, còn chân không phá nổi vì cứng chắc.

Theo ông, người miền Bắc di cư vào lập nghiệp tại khu vực các lô cốt này cứ tưởng đây là những ngôi mộ, nên cứ ra cúng bái và sau này gọi là “mả đá”.

Đi tìm những vết tích còn lại

XW32yKVz.jpgPhóng to
Ông Bùi Thọ Lợi (cầm gậy) đang chỉ vị trí lô cốt trong khuôn viên Công ty Cơ khí lâm nghiệp Sài Gòn, được dành riêng một khoảnh đất để lập miếu thờ - Ảnh: Q.T.
Đúng hẹn, 8g45 ngày 29-10, ông Lợi có mặt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ và cùng chúng tôi đi xác định một số vị trí mà ông cho là các lô cốt của lính Pháp (chứ không phải là mộ cổ).

Nơi đầu tiên mà tôi và ông đến là một bức tường - nơi khu vực giáp ranh giữa Công ty cổ phần Cơ khí lâm nghiệp Sài Gòn (trước kia là Nhà máy RMK của Mỹ) và garage Tư Thuận.

Ông Lợi cầm gậy chỉ vào và nói: “Đây là mỏm đá lòi ra của lô cốt ngày xưa, bây giờ xí nghiệp này đã xây tường chồng lên”.

Anh Văn Thành Việt - chạy xích lô khu vực này - cũng cho biết trong khoảng 20 năm hành nghề anh biết khá rõ về “mả đá” này. Anh nói: “Lúc trước mả đá này nhô lên khá cao, bây giờ xây dựng các cơ sở làm ăn nên không còn thấy rõ. Mả đá này giống hệt như ngôi mả tại đường Nguyễn Tri Phương, nhưng kích thước nhỏ hơn một chút”.

Chúng tôi vào bên trong khuôn viên Công ty cổ phần Cơ khí lâm nghiệp Sài Gòn (549-551 Nguyễn Tri Phương, P.14, Q.10).

Dẫn chúng tôi về phía cuối nhà máy, anh Nguyễn Văn An - trưởng phòng tổ chức hành chính công ty - chỉ nơi có ngôi “mả đá”. Đó là khuôn viên khoảng 30m2, khá sạch sẽ, có cả biển cấm phá. Tại đây công ty cũng đã lập miếu thờ và nhang khói thường xuyên, kể cả trồng cây bồ đề. Anh An cho biết đã làm việc ở đây từ năm 1982. Anh khẳng định: “Mả đá này cũng giống như mả đá ở đường Nguyễn Tri Phương... Đã ủi phá vành chung quanh, đến khoảng năm 1990-1992 thì xây miếu thờ tại đây”.

Còn anh Lý Trần Tắc - bảo vệ - cho biết đã làm việc tại đây hơn 20 năm. Anh nói: “Đó là mỏm đá to, hồi thời Mỹ muốn phá nhưng phá không được, phần vì cứng, phần vì sợ văng miểng trúng nhà dân... Cách đây khoảng 20 năm, mỏm đá lồi lên mặt đất khoảng 6-7 tấc. Nhiều lần dùng xe ủi để ban ra nhưng không suy suyển, cứng lắm…”. Bây giờ nơi đây đã được tôn nền bằng phẳng, xây miếu thờ và trồng cây bồ đề khá to.

Rời khuôn viên Công ty cổ phần Cơ khí lâm nghiệp Sài Gòn, chúng tôi đi đến khu Lầu Nước (khu vực cư xá Triệu Đà, P.14, Q.10).

Một số người dân ở đây cho biết trước đây khu vực này là bãi đất trống, trũng, có “mả đá” to bằng cái nhà. Đến năm 1988 thì người dân bắt đầu đập “mả đá” để xây nhà. “Nhưng chỉ phá được một phần trên, còn phần dưới chân do cứng quá không phá nổi, nên đổ đất đắp lên cho bằng và xây nhà trên đó”.

Bây giờ “mả đá” tại khu vực này không còn thấy được vết tích gì, vì một dãy nhà đã mọc lên san sát nhau. Song một người dân là chủ khu đất trước kia khẳng định nơi đây có “mả đá” rất to, to bằng cái nhà khoảng 20m2, giống như “mả đá” tại đường Nguyễn Tri Phương.

Còn ông Lợi thì khăng khăng: “Chẳng là mả đá gì cả, đó là một lô cốt nằm liên hoàn trong các lô cốt của Pháp trước đây”.

Chúng tôi tiếp tục đi vào khuôn viên nhà máy sấy chuối trước đây (bây giờ là Công ty điện tử TIE), ông Lợi đi ra tận phía sau của nhà máy và chỉ vị trí mà chân lô cốt còn nằm. Tại đây cũng không còn vết tích gì vì nhà cửa đã xây lên kín hết.

Theo ông Lợi, trong khuôn viên Trung tâm cấp cứu Trưng Vương cũng có một lô cốt nằm liên hoàn trong các lô cốt.

Với những thông tin nói trên, rõ ràng là trái ngược hoàn toàn với những gì đã và đang xảy ra với “ngôi mộ cổ” trên đường Nguyễn Tri Phương. Song với những chi tiết mà nhiều người đã khẳng định “có một số mả đá cũng giống như mả đá ở đường Nguyễn Tri Phương, với kích cỡ gần bằng nhau...” thì cũng rất đáng quan tâm.

Dù sao, “mả đá” trên đường Nguyễn Tri Phương cũng đang được tiến hành khai quật, không bao lâu nữa kết quả cuối cùng cũng sẽ được công bố. Đó là ngôi mộ cổ hay là một lô cốt nằm liên hoàn trong các lô cốt của Pháp ở khu vực Q.10 đúng như lời ông Bùi Thọ Lợi đã nói?

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên