17/09/2009 18:04 GMT+7

Minh Hồng sẽ thám hiểm Nam Cực lần thứ hai

NGỌC TUẤN
NGỌC TUẤN

TTO - Hoàng Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, vừa được mời tham dự chuyến thám hiểm mang tên “Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực”, sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

* Tìm thêm ứng viên Việt Nam cho chuyến thám hiểm

7sSmkzNJ.jpgPhóng to
Hoàng Minh Hồng trong lần thám hiểm Nam cực năm 1997 - Ảnh tư liệu

Chuyến thám hiểm do Tổ chức 2041 tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực. 15 cựu thành viên ưu tú trong số 500 thành viên từng tham gia các đoàn thám hiểm Nam Cực của 2041 được lựa chọn để tham gia chuyến thám hiểm “Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực” (IATE) 2009 và Minh Hồng là một trong số đó.

Chuyến thám hiểm IATE năm nay dự kiến có thêm 50 thành viên mới, gồm các sinh viên, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà giáo dục, và các doanh nhân - những người mà khi quay về sẽ chia sẻ những nhận thức, kinh nghiệm có từ chuyến đi đến các doanh nghiệp, trường học và cộng đồng.

l7kkMLnM.jpgPhóng to
Đoàn thám hiểm đến Nam Cực năm 1997 - Ảnh tư liệu

Các thành viên của IATE sẽ thám hiểm Bán đảo Nam Cực trên con tàu mang tên Clipper Adventurer trong khoảng thời gian 2 tuần. Trong chuyến đi, các thành viên sẽ tìm hiểu tầm quan trọng của Hiệp ước Nam Cực, và tham gia chương trình tập huấn về bền vững và phát triển kỹ năng lãnh đạo mang tên “Leadership on the Edge".

Minh Hồng là công dân Việt Nam đầu tiên và duy nhất đặt chân tới Nam Cực, cắm quốc kỳ tại đây vào năm 1997. Dù trước đó một công dân Mỹ gốc Việt, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thám hiểm Nam Cực vào các năm 1992 và 1994, và cắm quốc kỳ Việt Nam tại Nam Cực trong chuyến khảo sát của NASA năm 1994, Minh Hồng vẫn được xem là công dân Việt Nam đầu tiên với hộ chiếu Việt Nam đặt chân tới châu lục này.

Minh Hồng tham gia rất nhiều dự án môi trường tại Việt Nam, và đã công tác tại Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trong gần 7 năm.

Minh Hồng đang giúp Tổ chức 2041 tìm thêm 1 hoặc 2 đại diện mới cho Việt Nam trong chuyến thám hiểm quốc tế này, đồng thời gấp rút tìm nhà tài trợ cho đoàn Việt Nam trong chuyến thám hiểm.

Năm 1997, Minh Hồng được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên dành cho thanh niên thế giới do ông Robert Swan dẫn đầu. Đi cùng với Minh Hồng là 34 thanh niên đến từ 24 quốc gia khác. Minh Hồng trở thành người Việt Nam đầu tiên cắm cờ tổ quốc tại châu lục lạnh giá này.

“Thật đáng tiếc khi các chuyến thám hiểm của 2041 trong suốt 11 năm qua đều không có đại diện nào của Việt Nam. Tôi rất tự hào là người Việt Nam đầu tiên đăt chân lên Nam Cực, nhưng tôi sẽ thấy vinh dự hơn rất nhiều nếu như tôi có thể tổ chức được một “đoàn Việt Nam” trong chuyến thám hiểm sắp tới”, Hồng cho biết. “Thời gian còn rất ngắn. Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi tuyển tại Việt Nam và tôi hy vọng cuộc thi sẽ được đông đảo người dân Việt Nam tham gia”.

Do ngân sách có hạn, Tổ chức 2041 chỉ cam kết tài trợ được 50% chi phí chuyến thám hiểm cho đại diện của Việt Nam. Các ứng cử viên sẽ phải nỗ lực tìm tài trợ cho mình để trang trải phần còn lại, bao gồm một phần chi phí của cuộc thám hiểm, chi phí đi lại và mua các trang thiết bị cần thiết, ước tính khoảng 15.000 USD.

“Mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là lối suy nghĩ rằng ai đó sẽ bảo vệ nó chứ không phải mình. Các quyết định giới trẻ đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của toàn hành tinh cũng như đến tương lai của cuộc sống trên trái đất này”, ông Robert Swan nói.

HEBHozFZ.jpgPhóng to
Minh Hồng - Ảnh: H.TR.
N9DT1Gud.jpg

Minh Hồng trong một chương trình bảo vệ động vật hoang dã tại VN

bkBbnl1a.jpg

Minh Hồng trong một chuyến thám hiểm ở Nam Phi

Tổ chức 2041 được nhà thám hiểm Robert Swans thành lập. Ông là người đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một trong những nhà diễn thuyết giỏi nhất thế giới, được phong tước Hiệp sĩ Phẩm trật Đế chế Anh, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại từng đi bộ tới cả Nam Cực và Bắc Cực.

Tên của tổ chức được đặt là 2041 với mục đích nhấn mạnh năm 2041, thời điểm Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường của Hiệp ước Nam Cực có khả năng bị sửa đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vì vậy, mục tiêu hoạt động của tổ chức 2041 là tuyên truyền về tầm quan trọng và tiếp tục bảo vệ tính hiệu lực của Hiệp ước Nam Cực, để vùng châu lục hoang dã lớn nhất còn sót lại trên trái đất không bao giờ bị khai thác.

NGỌC TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên