21/12/2008 16:48 GMT+7

Milk - Một cuộc đời làm thay đổi lịch sử

Theo NGUYỄN NGỌC - Người Lao Động
Theo NGUYỄN NGỌC - Người Lao Động

Trên đường chạy đua đến đề cử giải Oscar sắp tới, lợi thế dường như đang thuộc về Milk - bộ phim về chính trị gia - nhà hoạt động xã hội tích cực Harvey Milk.

P2x1djUE.jpgPhóng to
Nam diễn viên Sean Penn với vai Harvey Milk trong phim Milk

Việc một người đồng tính như Harvey Milk được bầu chọn vào Quốc hội Mỹ vào những năm 1970 của thế kỷ trước được xem là một bước tiến lớn trong xã hội Mỹ, chẳng khác gì sự kiện một người da màu như Barack Obama đắc cử chức tổng thống Mỹ tại thời điểm năm 2008. Bộ phim Milk của đạo diễn Gus Van Sant đã vẽ lại cuộc đời của nhân vật huyền thoại này, qua hóa thân của tài tử nổi tiếng Sean Penn.

Bài ca về quyền con người

Phát hành hạn chế tại Mỹ vào ngày 26-11 qua, một ngày trước lễ kỷ niệm 33 năm vụ ám sát Moscone-Milk, đến nay, bộ phim tiểu sử Milk vẫn không rời top 10 phim ăn khách nhất Bắc Mỹ, dù bên cạnh đó là những tác phẩm hành động lớn như Transporter 3, Quantum of solace hay những phim vui nhộn dành cho gia đình như Four Christmases, Bolt, Madagascar 2... vốn phù hợp với không khí lễ hội cuối năm hơn.

Milk mở màn với những cảnh phim ấn tượng về các cuộc khủng bố, bắt bớ những người nổi loạn của cảnh sát tại các quán bar là nơi tụ tập giới đồng tính vào những năm 1950 -1960. Tiếp đến là tin tức về vụ ám sát Harvey Milk cùng thị trưởng San Francisco George Moscone vào ngày 27-11-1978 và rồi từ đó bộ phim lần ngược lại thời điểm năm 1970 với cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Milk và người yêu - Scott Smith.

Milk và Smith quyết định chuyển đến San Francisco sống với hy vọng nơi này sẽ cởi mở hơn với những người “gay” như họ. Cả hai mở một cửa hàng camera ở trung tâm thung lũng Eureka, gầy dựng nơi này trở thành trung tâm cho cộng đồng đồng tính mang tên The Castro và bắt đầu tuyên truyền những quan điểm chính trị tích cực để rồi trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực.

Nhưng từ khi dấn thân vào chính trị, tình yêu của Milk và Smith cũng chấm dứt, Smith rời bỏ Milk và sau này Milk gặp gỡ yêu Jack Lira nhưng rồi cũng như Smith, Lira không chịu nổi sự dấn thân vào con đường chính trị của Milk nên đã treo cổ tự tử. Về phần Milk, sau hai chiến dịch tranh cử không thành công vào năm 1973, năm 1975, ông đã giành được một ghế ở Ủy ban Giám sát San Francisco.

Chiến thắng này cũng đánh dấu việc lần đầu tiên một người đồng tính có mặt trong Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, Milk đã nhiều lần bất đồng với giám sát Dan White - một cựu binh VN - khiến White tức giận theo đuổi chính sách phản đối gay gắt các quyền công dân của dân “gay” và ám sát Milk cùng thị trưởng San Francisco Moscone. Phim kết thúc với cảnh quay từ trên không buổi thắp nến cầu nguyện trên các đường phố của hàng ngàn người dân ủng hộ Milk và Moscone.

Thẳng tiến đến Oscar

Phim xây dựng từ nhân vật có thật Hollywood đã có nhiều, phim làm về đề tài đồng tính Hollywood cũng không thiếu nhưng phim miêu tả chân dung một con người kết hợp giữa khía cạnh đời tư - những hoạt động xã hội, khuynh hướng chính trị-tính dục của họ thì có lẽ chỉ có Milk. Kịch bản của biên kịch Dustin Black dù chỉ dựa trên những nghiên cứu và bài phỏng vấn thực tế nhưng khi lên phim vẫn gây hứng thú với những tình tiết và sự kiện có tính giai thoại.

Từng thước phim gợi cho người xem nhớ lại những biến động xã hội thời ấy, về sự dũng cảm của một người đồng tính đã dám đứng lên đấu tranh đòi nhân quyền giữa những cái nhìn miệt thị của dư luận thời đó. Ban đầu vai chính trong Milk được đạo diễn Gus Van Sant nhắm cho danh hài Robin Williams. Matt Damon vào vai đối thủ của Milk - Dan White nhưng sau đó do không thể sắp xếp lịch quay, Matt Damon bỏ dự án này và Josh Brolin thay thế.

Tháng 1-2008, phim bấm máy tại San Francisco. Chín tháng sau, Milk ra mắt tại San Francisco và nhận được nhiều lời tán dương của các nhà phê bình. Milk nhận được 6 đề cử của giải thưởng thường niên Satellite lần thứ 13-2008, 8 đề cử của Hiệp hội Phê bình phim. Trong các đề cử đó, tất nhiên không thể thiếu hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Sean Penn.

Mới đây nhất, Milk cũng giành được duy nhất một đề cử giải Quả cầu vàng cho Sean Penn. Vào vai một nhân vật lịch sử có thật đã khó, vào vai “gay” càng khó hơn nhưng sự hóa thân của Sean Penn khó chê vào đâu được! Anh hoàn toàn làm chủ được diễn xuất của mình. Nếu ai đã từng xem phim tài liệu The Times of Harvey Milk, có thể thấy Sean Penn đã tiếp cận rất tốt “thần thái” của nhân vật này.

Thành công của Sean Penn một phần nhờ kỹ năng diễn xuất điêu luyện nhưng cũng không thể không kể đến nhờ kinh nghiệm làm đạo diễn lâu nay của anh: từ The Indian Runner, The Crossing Guard, The Pledge đến gần đây nhất là phim Into the Wild, được bình chọn là một trong những phim hay nhất năm 2007. Với Harvey Milk, khó nghi ngờ gì nữa về khả năng chiếm một suất trong đề cử Oscar của Sean Penn.

Theo NGUYỄN NGỌC - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên