Người dân hay ai đó xen vào bình phẩm dễ bị chê là thiếu “algorithm”, tức thiếu hiểu biết các phép tính riêng biệt về tài chính công.
Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử hãng xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng thế giới là S&P đã giáng điểm tín nhiệm của Chính phủ Mỹ xuống một bậc do trần nợ công của quốc gia này tăng gần chạm ngưỡng.
Lập tức hãng này bị Chính phủ Mỹ chê là không biết tính toán về ngân sách nên xếp hạng sai chứ nợ công của Mỹ có làm sao đâu. Ở VN tình hình cũng tương tự.
Các chuyên gia đăng đàn với các khái niệm cực kỳ giáo khoa như phải chi đầu tư phát triển, và rằng nguồn vốn chi cho các khoản mục này nọ sẽ được cân đối từ phát hành trái phiếu, vay đảo nợ, vốn đầu tư toàn xã hội, tiết kiệm chi thường xuyên, hoặc không được tăng lương, hoặc lấy quỹ đất để cân đối...
Riết rồi người dân như lạc vào mê hồn trận khái niệm với các thuật toán cao siêu của các chuyên gia.
Người dân tuy không giỏi bằng các vị trong các phép toán và hiểu biết về tài chính công nhưng họ rất giỏi trong các phép tính nhẩm.
Cứ nhìn ông thầu khoán nào mà vay nợ năm sau cao hơn năm trước, nhà cửa xây xong không bán được thì chắc rằng không chóng thì chầy ông này cũng vỡ nợ, phá sản.
Người dân tuy không rành về thống kê nhưng trong tiềm thức của họ, từ lâu, lâu lắm rồi cứ nghe mãi điệp khúc nợ quốc gia năm sau cao hơn năm trước để phục vụ cho nhiệm vụ chi tăng trưởng bền vững gì gì đó, còn đường sá, trường học, cầu cống, bệnh viện thì ngày càng xuống cấp trầm trọng cho dù mới xây là họ suy nghĩ.
Họ liên tưởng ngay tới câu nói của người xưa “miệng ăn núi lở”. Một người thấy lên tiếng, rồi nhiều người khác nói mà không ít vị có trách nhiệm bảo vệ an toàn của nền tài chính quốc gia cứ viện dẫn cái gọi là “algorithm” tài chính công của riêng mình ra để mà bảo thủ thì cũng là điều lạ.
Ở Mỹ mặc dù chính phủ chê dân ngoại đạo không rành về “algorithm” của dân tài chính công nên bình luận không chính xác nhưng họ vẫn xem lời đó như là cú hãm phanh để xử lý ngay lập tức bài toán cân đối thu chi ngân sách cho các năm tài khóa sau đó trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Trở lại chuyện xứ mình, người dân cũng thế nhưng trăn trở của họ cũng chính là cú hãm phanh quan trọng cẩn trọng cần thiết. Người dân cũng đang chờ đợi các vị có trách nhiệm với nền tài chính nước nhà có động thái tức thời để đừng lún quá sâu vào vùng tối của nền tài chính công.
Giải pháp cho bài toán cân đối ngân sách quốc gia thì rất nhiều. Hứa nhiều nhưng nếu chẳng ai nhớ cũng chẳng ai kiểm tra thì cũng như không.
Chi bằng trước mắt lấy vài việc lớn ra mà hứa với dân để giải quyết bài toán cân đối ngân sách quốc gia. Sang năm cứ đem lời hứa đó ra soi xét có hoàn thành hay không để mổ xẻ trách nhiệm.
Cuối cùng, xin nhắc lại, hứa gì thì hứa, xin đừng đem mấy thuật toán cao siêu ra để lập luận nợ công vẫn còn trong ngưỡng an toàn để rồi lại tiếp tục vay mượn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận