28/09/2017 10:36 GMT+7

Miền Tây phải giữ đất, giữ nước, giữ người!

XUÂN LONG - CHÍ QUỐC -  TRẦN MẠNH
XUÂN LONG - CHÍ QUỐC - TRẦN MẠNH

TTO - Dành ít nhất 1 tỉ USD từ nay đến năm 2020 cho ĐBSCL cho một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu, lập ban hoặc ủy ban điều phối vùng, nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL...

Miền Tây phải giữ đất, giữ nước, giữ người! - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu chiều 27-9 . Công trình cầu Cao Lãnh dự kiến cuối năm 2017 sẽ được đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL và Tây Nam Bộ - Ảnh: Q.HIẾU - CHẾ THÂN

ĐBSCL có thách thức từ khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn sông Mekong. Trong đó, việc chuyển nước sông Mekong sang lưu vực sông khác là nguy cơ lớn với ĐBSCL

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ

Thủ tướng khẳng định sau 30 năm đổi mới, ĐBSCL đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước, vào an ninh lương thực và các sản phẩm xuất khẩu của VN. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng ĐBSCL không chỉ đối diện với 3 thách thức như có báo cáo nêu, mà phải là 4 thách thức lớn.

Thứ nhất là thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Thứ hai, thách thức từ khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn sông Mekong, trong đó có việc chuyển nước sông này sang lưu vực sông khác là nguy cơ lớn với ĐBSCL. 

Thứ ba, theo Thủ tướng, là thách thức từ các hoạt động kinh tế cường độ cao, gây sụt lún, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, môi trường suy thoái... 

Thách thức thứ tư, theo Thủ tướng, ĐBSCL hiện là vùng trũng về đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; nhân lực chất lượng cao có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng...

"Tại Cà Mau có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ thủy sản thì làm sao không gây sụt lún được... Đến nay, đã có 562 điểm sạt lở sông, biển trên chiều dài gần 800km, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 42 điểm trên 131km, mỗi năm mất 300ha đất lãnh thổ...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng. 

Thủ tướng cũng chỉ rõ: "Các thách thức đã nêu trên không phải dự báo mà là hiện hữu... Phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người mới gọi là thành công trong thích ứng với thiên nhiên ĐBSCL". 

Khẳng định quan điểm phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng về giáo dục, khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, Thủ tướng cho rằng không chạy theo sản lượng lúa. 

"Lương thực không phải là chống đói mà lương thực ngày nay phải dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng...". 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm "không tiếp tục giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay và phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa canh... Dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ"...

Miền Tây phải giữ đất, giữ nước, giữ người! - Ảnh 3.

Bến Tre đang khẩn trương làm hồ chứa nước ngọt 1 triệu m3 để trữ nước ứng phó biến đổi khí hậu và phục vụ mùa khô sắp tới - Ảnh M.T.

Sử dụng 1 tỉ USD cho hiệu quả

Về đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng phải chú trọng giải pháp phi công trình: "Hà Lan và nhiều nước khác trên thế giới đều đi theo hướng đó, chứ không phải đắp những con đê dài, những đê bao từng vùng như chúng ta đã vấp phải".

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, GDP trên đầu người đạt gần 10.000 USD, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%.

Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã giao bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, khẩn trương báo cáo Chính phủ về cơ chế điều phối vùng, thành lập ban hoặc ủy ban điều phối vùng ngay sau hội nghị này, giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực khác nhau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tới năm 2020 phải giải ngân có hiệu quả ít nhất 1 tỉ USD để làm hệ thống cống điều tiết, ngăn mặn, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng... gây ảnh hưởng trực tiếp nhà cửa nhân dân. 

Tuy nhiên, "cái gì tư nhân làm được phải có cơ chế cho tư nhân làm".

Nhắc lại câu chuyện đi thăm Hà Lan tháng 7 vừa qua, Thủ tướng cho rằng Việt Nam không hoảng hốt. "Cần tìm ra lối đi, cách làm phù hợp nhất nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu dân để có tương lai tươi sáng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục bàn và sẽ có riêng nghị quyết về ĐBSCL và hai năm sẽ tổ chức một hội nghị tương tự về ĐBSCL.


Miền Tây phải giữ đất, giữ nước, giữ người! - Ảnh 5.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Xin thí điểm cho tích tụ ruộng đất quy mô lớn

Đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách mạnh hơn để thu hút, hỗ trợ đầu tư để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thí điểm mô hình hỗ trợ tích tụ ruộng đất quy mô lớn thông qua việc đứng ra thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại và sử dụng diện tích đất công của hai công ty lâm nghiệp ở tỉnh để thực hiện hoán đổi cho dân...

Ông Nguyễn Tiến Hải (Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)

Không chia mỗi tỉnh một tí

Trả lời Tuổi Trẻ sau hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng thành lập quỹ cho phát triển ĐBSCL là cần thiết và quỹ cần đầu tư vào những dự án liên vùng, mang tính đột phá cho các địa phương, có mục tiêu ưu tiên. 

Vì vậy, để quỹ hoạt động hiệu quả, về quản lý quỹ và điều tiết quỹ phải ở tầm Chính phủ. Việc điều tiết quỹ cũng không nên chia ra mỗi tỉnh một tí...

Giáo sư Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói rằng ông rất mừng vì Thủ tướng đã kết luận cần nghiên cứu giải pháp đào hồ sinh thái từ kiến nghị của ông.

Theo ông Học, cần có quy định mỗi khu đô thị kiên quyết dành 10% diện tích đào hồ. Đây là hồ sinh thái với mục đích đầu tiên là trữ nước, tránh úng ngập... 

Ông Học cũng đề nghị tại các tuyến đường ven biển đang xây dựng cần phải định hướng đó là những công trình công ích đa mục tiêu: chống nước biển dâng, phân ranh mặn ngọt...

Mong đường sá khá hơn

Lần này, nghe nói Chính phủ hội nghị về đồng bằng, tụi tui mừng. Nhân đây xin kiến nghị mấy chuyện: thứ nhứt là hệ thống thủy lợi và trạm bơm còn thiếu dữ lắm. Tụi tui phần lớn phải chạy máy dầu để bơm nước vô - ra trong ruộng.

Thứ hai, tụi tui mong Chính phủ quan tâm tới đầu ra của nông sản, mà nhứt là nông sản sạch.

Thứ ba, tụi tui mong đường sá đi lại thuận tiện. Nói thiệt, đường sá miệt ĐBSCL quá nhỏ, làm đường mới chưa bao lâu đã hư hỏng mà không thấy sửa chữa. Tốt nhất là làm đường sắt về đồng bằng.

Ông Phạm Công Danh (nông dân trồng 12ha lúa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

XUÂN LONG - CHÍ QUỐC - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên