13/02/2013 06:12 GMT+7

Mèo, rắn và chuột

● Truyện khoa học… giả tưởng của  NGUYỄN KHẮC PHÊ
● Truyện khoa học… giả tưởng của  NGUYỄN KHẮC PHÊ

TTCX - Hai vợ chồng Phú và Dung lâu nay ngủ riêng. Họ không còn trẻ nữa; vả lại, đức ông Phú - chẳng biết nhờ bằng thật hay giả, thường được gọi là "giáo sư" - đêm thường thức khuya; còn Dung, sau một giờ căng mắt theo dõi chuyện ghen tuông, chém giết trên các bộ phim dài tập, chỉ biết ngáp rồi buông màn.

Vậy thì người nào giường nấy ngủ cho yên.

cJ2jngG6.jpgPhóng to

Tuy vậy, hôm đó trời chuyển rét, tập phim kết thúc với một cảnh sex quá mùi mẫn đi - phải thế mới kéo khán giả xem tiếp tập sau chứ, nhưng xem chừng diễn viên "lợi dụng", vượt quá chỉ dẫn của đạo diễn - khiếp, gái với trai đều "thiếu vải", ôm nhau hôn hít cuống quýt khêu gợi như thế, ai mà chịu thấu! Dung buông màn, trăn trở một lúc, người bỗng nóng ran.

Ðã thế, con mèo mun cứ gừ gào như điên ở đầu hồi nhà. Hình như đó là lúc nó động đực, thậm chí có người bảo "rắn đang phủ mèo đấy!". Chà! Toàn những chuyện kích thích. có ông chồng bên cạnh vẫn biết "chiến đấu" ngon lành, dại chi ôm chiếc gối mềm nhũn, vô cảm…

Ngó qua khe cửa, thấy giáo sư đang nằm nghiên cứu tập sách gì đó dày cộp, Dung nhẹ bước sang, với chút ngượng nghịu và làm dáng, nàng lên giường, nằm ôm sau lưng chồng và thẽ thọt:

- Em lạnh quá! Khuya rồi, anh đọc chi lắm cho hư mắt đi!... Anh không nghe mèo kêu à?... Có khi rắn đang phủ mèo đó!...

Phú buông kính, nhưng sách vẫn mở. Dù sao thì bàn tay mềm mại của vợ đang ôm ngang người ông cũng làm ông thoáng rung động. Ông trở mình và đáp:

- Ầy...à, không có chuyện đó đâu.

- Nhưng có người bảo họ đã thấy…

- Chẳng qua họ trông gà hóa cuốc… À, để anh bấm Google thử coi…

Giáo sư vừa nhớm ngồi dậy, Dung đã bíu lấy, hổn hển:

- Thôi, kệ mèo với rắn, mà chuyện ấy thì Gôn-lờ với Gơ-l… làm chi cho mệt…

Phú thoáng mỉm cười trước cách đọc biến dạng từ "Google" rất chi là "sex" của vợ, định chê nàng một câu, nhưng nghĩ đến ông quan to ở đâu đó còn đọc ngọng nữa là. Thế là ông ngồi dậy, bật láp-tốp và trong nháy mắt, trên trang Google có từ "rắn phủ mèo". Và ông e hèm, rồi đọc như trên bục giảng:

Ðộc giả hỏi: "Rắn có phủ được mèo hay không? Nếu không, tại sao một số nơi ở miền Bắc lại lưu hành câu "Rắn phủ l… mèo"? An Chi trả lời... An Chi là một học giả có uy tín đó nghe! - Phú bổ sung vậy. chưa kịp đọc tiếp thì bỗng thấy sau lưng cộm lên và nong nóng. À, chắc là cô nàng nghĩ mình bịa, nên chồm lên ghé xem.

- Về chuyện "rắn phủ mèo", trong "Chân trời khoa học" (báo Khoa Học Phổ Thông) tháng 11/1990, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng đã giải thích: Rắn thuộc lớp bò sát, còn mèo thuộc lớp động vật có vú, hai lớp này rất xa nhau về mặt tiến hóa. Theo nguyên tắc sinh vật học, hai loài khác của cùng một giống đã rất khó giao phối với nhau, huống hồ ở rắn và mèo có cấu tạo cơ quan sinh dục hoàn toàn khác nhau. Còn "Rắn phủ l… mèo" chỉ là biến dạng của thành ngữ "Dán bùa l… mèo" - L… mèo là cái đầu hồi nhà, tức là cái phần hình tam giác bên hông nhà mà đỉnh là nơi hai mái nhà giáp nhau…".

Ðến đây thì cả hai vợ chồng bật cười thành tiếng vì thích thú, khâm phục anh Gôn-l… cái chi cũng tỏ tường; cũng vì không ngờ cái tam giác đầu hồi nhà lại có tên gọi kỳ khôi như thế. Hèn chi thợ mộc phải dán bùa để che cái "l… mèo" đó đi!

Con mèo lượn lờ bên tường nhà lại gào gừ như sắp chiến đấu với ai. Lúc này, Dung như đã "hạ hỏa", cũng vì đang nghĩ xem những chữ nghĩa trong cái anh Gôn-l… có thật đúng không.

- Chắc chi Gôn-l… đã đúng anh. Rắn đang phủ mèo thật đó. Anh không nghe tiếng "phù phù" như rắn đang…

- Ầy…à, thế thì ta ra xem thử…

Phải! Khoa học là phải thực nghiệm. Phú bấm đèn nơi chiếc điện thoại di động, đứng dậy mở cửa. Dung khẽ kêu "Ðừng anh!", nhưng rồi cũng rón rén theo chồng. Cô muốn biết thật hư chuyện "rắn phủ mèo" và cũng lo cho con mèo mun mà cô thường ôm ấp mỗi khi Phú đi dạy ở xa (dân gian gọi là "đánh bắt xa bờ"!). Nếu rắn phủ thật, thì kinh lắm, nhất định sẽ đẻ ra bầy con dị dạng!...

Quả là con mèo mun thu mình bên một chậu hoa, đang gừ gào, hướng đôi mắt xanh lè đâu đó.

- Nó gọi đực đó! Làm gì có rắn. Hoang đường!

Phú vừa nói nhỏ, vừa lia đèn đến chỗ này chỗ khác; một lúc sau mới phát hiện ra hai đốm sáng như hai hạt cườm bên một chậu hoa khác. Lúc này, Dung đã nhận ra một con rắn đang nghển cổ, hướng về phía con mèo, vội bíu vai chồng, giọng líu lại:

- Anh…nó…nó. Không được! A… anh đánh nó đi!

Hai con vật có lẽ vì bị "đóng đèn", gần như bất động trong tư thế không biết là chuẩn bị "giao phối" hay "giao chiến". Ðôi vợ chồng cũng không dám động cựa - Dung thì vốn sợ rắn, Phú thì cố nán đợi xem "vở kịch" sẽ tiếp diễn ra sao. "Rắn mà phủ mèo thật thì mình sẽ có một công trình khoa học chấn động thế giới …", Phú nhẩm tính và đang định vào lấy máy ảnh để ghi hình tại trận thì Dung bỗng buột ra: "Meo…". Cô quá lo cho con mèo mun bị rắn phủ, nhưng mèo ta qua giây phút bị "đóng đèn", được bà chủ động viên, liền chồm tới. Lúc này cả hai mới thấy một chú chuột từ sau một gốc cây, lao vọt qua ngay dưới chân hai người, rồi lẻn ngay vào nhà qua cánh cửa mở hé sau lưng họ. Con mèo hẳn còn phòng chừng rắn xông lên, đã chậm chân hơn chú chuột tinh khôn.

Thế là rắn bò theo lối rắn, mèo chạy đằng mèo. Có thể là mèo mun động đực chạy quanh, phát hiện con chuột sắp phải làm mồi cho rắn, định xí phần.

- Xà! Con mèo mun dạo này tệ quá! Con chuột ngay trước miệng mà để nó thoát!

- Tại em gọi "Meo" đó. Nó bỏ mồi để được bà chủ vuốt ve mà!

- Tại anh chiếu đèn lung tung nên chuột mới thoát cảnh bị rắn và mèo thôi miên…

Dung khép cửa, vẻ ngao ngán. Phú cũng buồn vì mất cơ hội công bố phát hiện khoa học mới, tuy vậy cũng lên giọng triết lý:

- Trò đời, tranh ăn, anh nào cũng muốn lập công là hỏng! Ðừng đổ lỗi cho nhau nữa. Thôi, coi như phóng sinh, con cháu được nhờ. Không biết con chuột chui vào đâu rồi?...

Ðêm khuya rồi, ai thấy được rắn và chuột chui rúc vào đâu. Chỉ biết sáng hôm sau, Dung ra quét sân, mới hay bên chậu hoa có một khúc thịt bị gặm nham nhở. Thì ra mèo mun ta ăn cắp ở đâu về, thấy rắn bò ra, gầm gào giữ mồi, chứ có thiết chi bắt chuột! Vừa buồn vừa tức, Dung cứ muốn trở cán chổi nện cho mèo ta một cú. Vậy mà lâu nay, cô cứ đinh ninh nhờ nó mà bầy chuột đỡ phá phách, hễ có dịp là vuốt ve, bồng bế nó như với một ân nhân…

- Thì ở đời, ai cũng có lúc nhầm! - Phú lại triết lý để an ủi vợ…

veU7lRIM.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ CườiXuân Qúy Tỵ 2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

● Truyện khoa học… giả tưởng của  NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên