07/01/2017 17:13 GMT+7

'Mẹ nhờ người khác đi'

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Một số bạn trẻ cho biết lúc nhỏ cũng được cha mẹ "úm" quá kỹ. Đến khi cần tự thân vận động thì không biết làm, hoặc đụng đâu hỏng đó. Lúc này mới nhận ra đã ăn không ngồi rồi suốt thời gian dài.

Phạm Đình Đại Đức (mặc áo Đoàn) - Ảnh: Bình Minh
Phạm Đình Đại Đức (mặc áo Đoàn) - Ảnh: Bình Minh

Bạn Phạm Đình Đại Đức (lớp 10, Trường THPT Tân Phong, Q. 7, TP.HCM) kể: Hồi nhỏ, ba mẹ bọc tôi cực kì kỹ. Ngoài việc không cho tôi ăn ngoài đường, không ăn vặt, tôi đi đâu ba mẹ cũng phải biết mới cho đi. Tôi sang nhà hàng xóm chơi thì ba hoặc mẹ ngồi ngay dưới nhà hay có lúc ở ngay phòng kế bên.

Tôi vừa đi học về là có đồ ăn. Giặt đồ, lau nhà, quét nhà, nấu cơm mẹ làm hết và tôi không phải đụng vào việc gì.

Đến năm lớp 8, tôi vẫn sáng đi học, chiều về nhà ngủ hoặc làm bài, rồi ăn cơm và đi loanh quanh trong nhà cho hết ngày. Tôi không được ra đường chơi vì ba mẹ sợ tôi đang ở tuổi phát triển, chơi giỡn té trầy da, bị thương…

Trong như suốt thời cấp 2, mỗi khi tôi đang nằm coi tivi nếu mẹ nhờ những việc nhỏ nhặt như mở nắp hũ cứng mà mẹ không mở được, tôi lại tỏ ra khó chịu và nói "mệt quá, mẹ tự làm đi" hoặc "mẹ nhờ người khác đi".

Năm lớp 9, khi mẹ bệnh, tôi muốn làm hết việc nhà giúp mẹ. Đó là lúc tôi nhận ra mình không biết làm gì hết, rửa chén thì chén bể, quét nhà thì không biết cầm chổi, không biết lau nhà. Hay đơn giản là nấu mì cũng không biết nấu nước. Trong phút chốc tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ ba tuổi.

Sau đó, tôi tập làm những việc nhà mà đáng lẽ học sinh tiểu học cũng biết làm. Tôi học nấu ăn, giao tiếp…. Ngoài ra, tôi còn đọc rất nhiều sách với mong muốn có thể tự mình chủ động hơn.

Đến giờ, tôi thấy sự nuông chiều của mẹ ảnh hưởng lớn đến thói quen của mình. Dù cố gắng để tự thân vận động, nhưng tôi vẫn hay bị tính lười biếng và ỷ lại lấn át.

Từ Hoài Vệ, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV
Từ Hoài Vệ, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV

Bạn Từ Hoài Vệ (sinh viên năm 3 trường ĐH KH-XH&NV) cho biết: Khi còn học cấp 3 tôi ít quan tâm làm những “việc không tên” cũng như làm việc để kiếm tiền. Tuy nhiên, khi lên ĐH thì tôi cảm thấy mình cần tự thân vận động.

Lúc đầu, tôi gặp nhiều khó khăn khi tự đi chợ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp cái “ổ” của mình và quản lý chi tiêu. Lúc đó tôi mới thấu hiểu cha mẹ cực thế nào. Và rồi dần dần tôi cũng quen làm mấy việc đó.

Tuy nhiên, dù bây giờ tôi biết làm hết mọi việc nhà, nhưng khi ở nhà, mới vừa động tay thì mẹ kêu nghỉ rồi. Chắc tại mẹ thương! (cười)

Tôi nghĩ việc tham gia các hoạt động phong trào dù có đổ mồ hôi một chút, nhưng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cũng như kỹ năng cần thiết, vì đó là môi trường cho phép ta cọ sát với cuộc sống, và ta sẽ bớt… làm biếng hơn.

Bạn Kim Linh (31 tuổi, nhân viên văn phòng, Q. Phú Nhuận) kể: Tôi được ba mẹ tập làm đủ thứ việc như quét lau nhà, rửa chén, giặt đồ, sơn cửa, kéo nước giếng, chà lư…. Đương nhiên lần đầu làm sẽ dở, sẽ hư và có khi “tỏ thái độ”, nhưng tôi không bị la và sau đó được chỉ điểm nên từ từ tôi làm tốt hơn. Rõ ràng, cha mẹ nên rèn luyện cho con tự thân vận động và giúp việc nhà càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, khuyến khích trẻ là một điều nên làm, nhưng cần phù hợp độ tuổi, khả năng nhận thức của con. Tôi thấy nhiều phụ huynh có vẻ "trò chuyện" quá nhiều với con cái như “con muốn gì”, “con thích A hay B”… Trong khi đó, nhiều bé còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi chọn lựa. Vì vậy, nên cân nhắc giữa trò chuyện, gợi mở và áp đặt để đạt hiệu quả trong dạy con.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên