11/11/2007 06:01 GMT+7

Mê hoặc bằng những vẻ đẹp lặng thầm...

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn, gián đoạn, bộ phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng đã "đóng máy" một cách tốt đẹp.

s54Q6mmq.jpgPhóng to

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

TT - Cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn, gián đoạn, bộ phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng đã "đóng máy" một cách tốt đẹp.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hỏi ông có hài lòng về bộ phim này không, Nguyễn Vinh Sơn như thường lệ tủm tỉm cười: "Tôi có một kinh nghiệm riêng tư, hễ phim nào dẫn vợ đi coi mà bả chê dở là phim đó được. Lần này tôi may mắn vì đã... được vợ chê”(!).

1. Nguyễn Vinh Sơn nói vậy là đùa vui mà thôi. Kỳ thật với Trăng nơi đáy giếng ông gần như dốc tất cả tâm sức của mình trong suốt nhiều năm liền. Năm 2003, Trăng nơi đáy giếng (kịch bản Châu Thổ - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai) được Hãng phim Giải phóng đưa vào kế hoạch sản xuất. Nhưng năm 2004 Nguyễn Vinh Sơn quyết định... trả phim vì không thể làm với kinh phí thấp như thế (khoảng 700 triệu đồng).

Rồi sang năm 2005 Nguyễn Vinh Sơn một thân một mình đi Bỉ, Pháp tìm nguồn kinh phí tài trợ từ các quĩ điện ảnh. Dựa trên chính chất lượng kịch bản (đã được hoàn tất, dịch sang tiếng Anh, Pháp) ông đã xin được tài trợ từ Quĩ Fonds Sud Cinéma 150.000 euro, Quĩ Fonds Francophone 80.000 euro. Nói ra nghe dễ, nhưng để hoàn tất thủ tục xin tài trợ phải mất hai năm trời, từ 2005-2007. Cuối cùng Nguyễn Vinh Sơn mới tạm yên tâm bắt tay vào làm phim.

WZxAWJ2M.jpgPhóng to

Một cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng

Đi đi về về giữa Sài Gòn - Huế không biết bao nhiêu lần để chọn bối cảnh quay và chọn diễn viên. Không tìm được cảnh quay ưng ý, Nguyễn Vinh Sơn thuê một miếng đất hoang, thuê dựng một nhà rường, rồi thuê chuyên gia làm vườn "phù phép" trong mấy tháng để trở thành một ngôi nhà vườn hoàn hảo. Sự hoàn hảo của ngôi nhà Huế này, theo Nguyễn Vinh Sơn, chủ yếu là nằm ở... cái hàng rào. Nhà Huế mà không có hàng rào chè tàu thì không ra Huế, không còn là Huế.

Còn về diễn viên, theo ý định ban đầu sẽ toàn là diễn viên nghiệp dư người Huế. Nhưng, việc tìm ra diễn viên vào vai Hạnh - nhân vật chính trong phim - quá khó, cuối cùng Nguyễn Vinh Sơn quyết định chọn Hồng Ánh như một giải pháp tối ưu. Chọn Hồng Ánh là chọn một phong cách diễn hóa thân. Nguyễn Vinh Sơn quyết định dứt khoát, đúng đắn. Nhưng cũng chấp nhận một chút mạo hiểm, bởi đây là phim thu tiếng trực tiếp mà Hồng Ánh thì nói... giọng Sài Gòn (!).

Mặc dù vậy, Nguyễn Vinh Sơn vẫn khẳng định đây là một câu chuyện đậm chất Huế, trên bối cảnh Huế, trong con người Huế...

2. Năm 1989 thực hiện phim Tuổi thơ dữ dội, năm 1997 làm phim truyền hình nhiều tập Đất phương Nam, rồi năm 2007 này Nguyễn Vinh Sơn mới vừa hoàn thành phim nhựa Trăng nơi đáy giếng... Nếu tính về số đầu phim, quả thật đó là một con số khá khiêm tốn đối với một đạo diễn có thâm niên, có tay nghề vững vàng như Nguyễn Vinh Sơn. Nhưng dường như ông chưa bao giờ tỏ ra vội vàng.

Nguyễn Vinh Sơn có lẽ là một trong số ít đạo diễn luôn đọc chăm chú những tác phẩm văn học. Ông yêu thích những tác phẩm tạo được không khí và có nhiều chi tiết thật trong đời sống. Ông cũng yêu thích những vẻ đẹp lặng thầm. Lặng thầm nhưng lại đầy mê hoặc.

Do đó, không khó hiểu lắm khi thấy hầu hết những bộ phim của ông đều được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Sau Trăng nơi đáy giếng, Nguyễn Vinh Sơn chọn truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần để làm phim, phần kịch bản hiện đã được ông triển khai viết.

Với quan niệm điện ảnh như cuộc đời, thật đến từng giác quan hơi thở, Nguyễn Vinh Sơn không chỉ giỏi về mô tả hiện thực mà còn độc đáo trong việc thể hiện cảm giác sống. Điều này được thể hiện ngay từ bộ phim nhựa đầu tay.

Trong Tuổi thơ dữ dội có hai nhân vật chính là Mừng và Quỳnh; Mừng xuất thân từ nông dân nghèo khổ, còn Quỳnh vốn con nhà giàu. Quỳnh lãng mạn, có năng khiếu nghệ thuật, biết làm thơ, chơi đàn; còn Mừng dường như chỉ có máu gan lì và một tâm hồn thuần khiết. Nguyễn Vinh Sơn cho biết khi thực hiện bộ phim này ông khá tâm đắc với hình ảnh những giọt máu của Mừng rơi trên những chiếc lá xanh. Nếu như Quỳnh có kỹ thuật âm nhạc thì Mừng thể hiện âm nhạc bằng chính những giọt máu của mình. Đó là đời sống được soi chiếu ở khía cạnh hiện thực đa chiều nâng lên thành biểu tượng. Một bộ phim đầy ám ảnh. Nguyễn Vinh Sơn đã tạo nên dấu ấn tài năng ngay từ bộ phim đầu tiên.

Không vận hành theo công thức "danh - lợi". Không như nhiều người khi đã có danh thì dùng danh đi kiếm lợi, Nguyễn Vinh Sơn chậm rãi tìm kiếm và kiến tạo tác phẩm mới cho mình. Sự chậm rãi này hẳn phải song hành với sự kiên nhẫn, hay sự chậm rãi chính là một hành trình độc lập mà hơn ai hết Nguyễn Vinh Sơn tự biết về những nhu cầu sáng tạo của mình. Trong đó, sự chậm rãi còn đồng nghĩa với sự kỹ lưỡng mà bộ phim Trăng nơi đáy giếng do ông làm đạo diễn là một ví dụ

Như một người bình thường trong đời sống, chỉ khác lạ trong nghệ thuật, đó là điều rất đúng với Nguyễn Vinh Sơn. Nhiều lần cà phê vỉa hè cùng ông, dù không nói điều gì, vẫn cảm nhận một niềm vui ấm áp. Đó là niềm vui được nhìn ngắm cuộc sống. Ông hầu như không thể hiện mình bằng vẻ bề ngoài. Khi có một vài người chợt nhìn thấy ông tủm tỉm cười thì Nguyễn Vinh Sơn cũng tủm tỉm cười, nói khẽ: "Họ lại nhầm tôi với ông Thành Hội rồi!".

Hiện nay, Nguyễn Vinh Sơn đang có lời "rủ rê” khá hấp dẫn đối với các nhà văn, đó là việc thực hiện dự án "Phim tác giả”. Ông bảo các nhà văn yêu thích điện ảnh đi làm nhà biên kịch cũng không hẳn là phương án tốt, mà phải dấn thêm một bước nữa là... trở thành đạo diễn. Ông cũng cho rằng các nhà văn không nhất thiết phải "cắp sách đến trường" mà hoàn toàn có thể học theo cách truyền nghề. Và, trước hết ông sẽ là người làm công việc truyền nghề đó cho những ai có nhu cầu. Còn nếu cần tìm kiếm tư liệu, xin tài trợ... Nguyễn Vinh Sơn cũng sẽ nhiệt tình giúp đỡ.

Ông hoàn toàn tin tưởng rằng nếu được truyền nghề chắc chắn phim của các nhà văn sẽ rất... khác lạ. Tất nhiên, sự khác lạ không hẳn ở sự cầu kỳ, hay những trò kỹ xảo; mà khác lạ chính là thể hiện một phong cách riêng biệt của mỗi người. Với Nguyễn Vinh Sơn đó là sự chậm rãi và kỹ lưỡng trong việc kiến tạo những vẻ đẹp lặng thầm.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên