04/02/2005 04:01 GMT+7

"Máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam"

ĐOAN TRANG
ĐOAN TRANG

TTCN - 400.000 là con số kỷ lục từ trước đến nay về lượng Việt kiều về nước trong năm 2004. Bởi như lời Thủ tướng Phan Văn Khải trước hơn 600 Việt kiều tại buổi họp mặt mừng xuân Ất Dậu tại dinh Thống Nhất tối 30-1: “Người VN ở nước ngoài dù đi đâu, ở đâu, dù đi ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì, họ cũng là máu của máu VN, thịt của thịt VN”. Đã là máu, là thịt thì chẳng có gì tách họ khỏi quê cha, đất tổ.

BZYCfAn5.jpgPhóng to
Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay giáo sư Trần Văn Khê trong cuộc họp mặt bà con Việt kiều tại dinh Thống Nhất
TTCN - 400.000 là con số kỷ lục từ trước đến nay về lượng Việt kiều về nước trong năm 2004. Bởi như lời Thủ tướng Phan Văn Khải trước hơn 600 Việt kiều tại buổi họp mặt mừng xuân Ất Dậu tại dinh Thống Nhất tối 30-1: “Người VN ở nước ngoài dù đi đâu, ở đâu, dù đi ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì, họ cũng là máu của máu VN, thịt của thịt VN”. Đã là máu, là thịt thì chẳng có gì tách họ khỏi quê cha, đất tổ.

Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, tâm sự: “Tôi qua lại châu Âu - VN liên tục từ nhiều năm qua, nhưng những năm gần đây và đặc biệt lần này, tôi nhận thấy có một cái gì mới đang phảng phất đâu đây trong cộng đồng người Việt trong nước cũng như ở các nước trên thế giới. Có thể đó là sự trỗi dậy của lòng tự hào dân tộc”.

Ông Hưng đã từng có nhiều bài viết trên Tuổi Trẻ. Tiếp xúc với ông, đọc những bài viết của ông, người ta có thể thấy rất rõ nỗi bức xúc của một nhà khoa học tâm huyết và thẳng thắn. Ông nhận thấy đất nước đang trên đường phát triển và hòa nhập, từ một nước bấy lâu nay liên tục nhận tài trợ, giúp đỡ, đã thành một nước có nền kinh tế phát triển, lại biết sẻ chia, đùm bọc những nước bạn lân cận trong khu vực khi họ bị thiên tai. “Sau thảm họa kinh hoàng của trận sóng thần những ngày cuối năm 2004, VN đã thật sự làm bạn bè nể phục” - ông nói.

Ví dầu cầu ván đóng đinhCầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...

GS.TS Trần Văn Khê, Việt kiều Pháp, say sưa ngâm lại câu hát ru con và cho biết ông đã được nghe chính giọng ngâm của một em bé VN sinh sống ở Hà Lan. “Khi đó tôi thật sự xúc động... Ở Pháp, người Việt mình cũng thèm lắm được nghe câu quan họ, câu ca trù, ca Huế... Điều này nói lên rằng người VN xa xứ không thể quên những điều thân thương nhất và cũng không quên truyền đạt lại cho con cháu. Đó là tình cảm. Tình cảm ấm áp hơn tất cả vật chất mà ta có được”.

***

Lá rụng về cội. Chuyến về thăm quê hương của thiền sư Thích Nhất Hạnh và ông Nguyễn Cao Kỳ đã chứng minh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù ở xa quê hương đến đâu, người Việt con Rồng cháu Tiên cũng không bao giờ quên cội nguồn. Ngồi trong phòng tiếp khách tại dinh Thống Nhất, ông Kỳ không kềm được những giọt nước mắt, nhưng bây giờ là những giọt nước mắt của niềm vui, của sự đoàn tụ. Những cảm xúc không giấu giếm cứ tràn về khiến đôi mắt ông đỏ hoe.

0wWwhQ9s.jpgPhóng to
Bà con Việt kiều tại cuộc họp mặt
Ông tâm sự: “Tôi thường nói với mọi người trong cũng như ngoài nước là bây giờ chúng ta phải đoàn kết hướng tới tương lai, làm sao cho đất nước mình nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á. Tôi nghĩ bổn phận của chính quyền cũng như những người dân thường như tôi phải ý thức được điều này”.

Anh Cao Văn Phú, Việt kiều Pháp, về nước mở công ty ở TP.HCM, phải thuê đất làm xưởng sản xuất, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, song khi được hỏi, anh chỉ cười: “Đó là những khó khăn chung, đừng kêu nữa mà hãy cứ làm đi! Làm để mọi người biết rằng chỉ có hàng của VN là tốt nhất!”. Ba người con của anh Phú dù tất cả mang quốc tịch Pháp, đều học ở VN. “Tôi có cho mấy đứa nhỏ học ở Pháp, rồi sang Mỹ, nhưng cuối cùng chúng chỉ thích học ở VN” - anh Phú nói.

***

GS.TS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật, bộc bạch: “Tôi quyết định hồi hương vì sự kêu gọi của tình cảm quê hương, tình cảm gia đình và để có thể trực tiếp tham gia đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Tôi đã đóng góp cho nền khoa học công nghệ Nhật Bản và thế giới gần 300 công trình nghiên cứu đã được công bố. Nay tôi muốn dành thời gian còn lại của cuộc đời mình làm gì đó để đóng góp cho đất nước VN, đem hiểu biết và kinh nghiệm của mình giúp sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ trong nước. Trong khi đất nước đang cần mình thì mình lại đem kiến thức làm việc cho nước ngoài thì thật là vô lý!”. Nhiều trí thức Việt kiều cũng đã nghĩ như thế.

Và họ đã trở về.

Thành phố đã từng bước hình thành Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều, là những nơi hội tụ Việt kiều ở các quốc gia trên thế giới về nước cống hiến. Làng Việt kiều, Trung tâm Nghỉ dưỡng Việt kiều... sẽ là cơ hội cho những người con lâu ngày xa quê hương nhanh chóng hội nhập và có điều kiện để phục vụ lâu dài.

***

Chắc chắn con số Việt kiều về nước sẽ không dừng lại ở 400.000. Một ngày không xa, gần 2 triệu người Việt xa xứ sẽ có dịp trở về, đóng góp tài, sức. Chắc chắn như vậy, bởi sẽ không có người con đất Việt nào không mơ ước đến điều đó và tâm niệm phải làm được điều đó...

ĐOAN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên