06/11/2016 10:45 GMT+7

Mất hồ sơ vụ án, ai chịu trách nhiệm?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Thời gian gần đây, có nhiều vụ án xảy ra đã lâu nhưng khi khôi phục giải quyết thì phát hiện hồ sơ bị mất. Việc này đã dẫn đến tình trạng vụ án bị tắc, không giải quyết được, trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Trần Văn Thêm - người 43 năm phải mang thân phận tử tù - Ảnh: T.Lụa
Ông Trần Văn Thêm - người 43 năm phải mang thân phận tử tù - Ảnh: T.Lụa

Tháng 8-2016, cụ ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, quê Bắc Ninh), người mang thân phận bị can lâu nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, được minh oan sau 43 năm. Lý do chính khiến vụ việc của cụ Thêm bị kéo dài là do hồ sơ vụ án bị mất.

Năm 1970, ông Thêm bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tử hình về hành vi giết người, cướp tài sản. Đến cuối năm 1975, khi người được cho là hung thủ của vụ án bị bắt, ông Thêm được trả tự do.

Từ đó, ông Thêm gõ cửa nhiều cơ quan tố tụng để đề nghị được minh oan nhưng không được giải quyết. Nhiều cơ quan đã có văn bản trả lời không tìm thấy bất cứ tài liệu nào về vụ việc của ông Thêm.

Viện KSND tối cao đã trực tiếp đi xác minh tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng không có hồ sơ vụ án. Cho đến năm 2014, khi ông Thêm trích lục được hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tại Công an tỉnh Bắc Ninh thì vụ việc của ông mới được giải quyết.

Theo lãnh đạo TAND tối cao, hồ sơ vụ việc của ông Thêm đã bị thất lạc, những người làm việc thời đó nay đã về hưu hoặc đã chết nên rất khó xem xét trách nhiệm. Mới đây, ở Thái Nguyên có thêm một vụ án bị mất hồ sơ nên không giải quyết được.

Cụ thể, đầu năm 2016, ông Chu Văn Lâm (49 tuổi) đã đến công an đầu thú vì liên quan đến vụ án ma túy xảy ra cách đây hơn 20 năm.

Tuy nhiên khi kiểm tra lại thì các cơ quan tố tụng không tìm thấy hồ sơ gốc của vụ án, vì vậy không đủ chứng cứ để truy tố, xét xử với ông Lâm. Theo Viện KSND tỉnh Thái Nguyên, việc mất hồ sơ vụ án có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên hiện nay không xác định được thời điểm mất hồ sơ nên khó xác định thời hiệu để truy cứu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo phòng lưu trữ hồ sơ TAND tối cao cho biết hiện nay các tòa án địa phương và TAND tối cao đều có nơi lưu trữ hồ sơ riêng.

Việc lưu trữ, tiêu hủy hồ sơ vụ án được thực hiện theo quy định chung của Luật lưu trữ chứ chưa có văn bản riêng cho ngành tòa án về việc lưu hồ sơ.

Chính vì vậy, cả chục năm nay ngành tòa án không tiêu hủy hồ sơ vụ án nào. Hiện nay TAND tối cao đang xây dựng dự thảo quy định bảng thời hạn lưu trữ hồ sơ, quy định hồ sơ vụ án lưu trữ trong bao lâu thì được tiêu hủy và tiêu hủy những gì, những gì bắt buộc phải lưu lại để tránh tình trạng làm thất lạc hồ sơ vụ án.

Theo ông Vũ Trung Thành - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Điện Biên, mỗi giai đoạn tố tụng như khởi tố, truy tố, xét xử thì các cơ quan đều có quy định lưu hồ sơ. Hiện nay, trong giờ làm việc thì cán bộ có thể mang hồ sơ đến một số cơ quan liên quan như tòa án, viện kiểm sát, công an... để trao đổi công việc.

Tuy nhiên hết giờ làm việc thì có quy định cấm mang hồ sơ ra khỏi cơ quan. Cán bộ nếu muốn mang hồ sơ về nhà nghiên cứu thì phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo.

“Khi hồ sơ vụ án bị mất, trước tiên cần xem xét trách nhiệm của người liên quan thế nào? Động cơ mục đích gì? Nếu vì một số lỗi khách quan như đang trên đường đi làm nhiệm vụ bị cướp giật, hồ sơ bị mất do chiến tranh, lũ lụt hoặc thiên tai thì khó xem xét xử lý trách nhiệm.

Nếu phát hiện có tiêu cực trong việc mất hồ sơ sẽ bị xử lý hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Thực tế có một số cán bộ đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Vũ Trung Thành cho biết.

“Song song với việc có các chế tài nghiêm khắc về việc làm mất hồ sơ án, cần có quy định chặt chẽ về việc mã hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ dưới dạng file điện tử để tránh bị thất lạc và thuận tiện cho việc tìm kiếm sau này” - ông Đàm Thuận Hồng, chánh án TAND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, kiến nghị.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên