Nội dung này được đề cập trong báo cáo của UBND TP.HCM về chính sách, pháp luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn từ giai đoạn 2009 đến 2023.
Theo đó, hiện nay việc xử lý điểm đen tai nạn giao thông thực hiện theo quyết định 13 ban hành năm 2005 và thông tư 26 ban hành năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải.
Những năm qua, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xóa bỏ điểm đen, hạn chế tối đa phát sinh điểm đen mới. Hằng năm, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ban hành kế hoạch chi tiết xử lý các điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn.
Trong đó, kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan theo hai nhóm giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp xử lý kỹ thuật nhằm giải quyết điểm đen như bổ sung các biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn, biển báo chú ý quan sát, biển báo đoạn đường kiểm tra tốc độ...
Ngoài ra, Công an TP.HCM đã xây dựng kế hoạch chuyển hóa điểm đen, tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm là các lỗi gây tai nạn giao thông. Đồng thời tăng cường xử phạt nguội qua hình ảnh đối với khu vực có điểm đen tai nạn giao thông.
Vì vậy, số điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM giảm dần qua các năm. Đầu năm 2009 có 52 điểm đen, đến cuối năm 2023 còn lại 9 điểm đen (xem bảng).
Theo UBND TP.HCM, hiện tiêu chí xác định điểm đen tai nạn chỉ căn cứ số liệu tai nạn giao thông, không xét đến yếu tố nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe hay lỗi do điều kiện hạ tầng không đảm bảo. Điều này dẫn đến một số vị trí đầy đủ hạ tầng, mặt đường tốt nhưng vẫn được xác định là điểm đen.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể là quy định rõ về thời gian xác định điểm đen là trong năm dương lịch hay 12 tháng kể từ vụ tai nạn giao thông đầu tiên. Quy định về thời gian xóa điểm đen tai nạn giao thông.
Đồng thời, bổ sung căn cứ nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông kết hợp với số vụ, số người chết để xác định điểm đen.
Trong đó điều kiện hạ tầng giao thông, tầm nhìn, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ phải là nguyên nhân chính để xem xét; không xét các vụ chỉ do ý thức của người tham gia giao thông gây ra như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ...
Ngoài ra, cần bổ sung tiêu chí khoảng cách giữa hai vụ tai nạn giao thông xa nhất trên đoạn đường. Đối với nút giao khác mức, chỉ xét các vụ tai nạn xảy ra trên cùng một mặt bằng để xác lập điểm đen.
Khái niệm ùn ứ, ùn tắc giao thông hiện chưa được xác định cụ thể
Những năm qua, với việc đầu tư triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông đã được cải thiện.
Năm 2017 TP có 37 điểm nguy cơ ùn tắc, năm 2023 giảm còn 24 điểm. Qua theo dõi đến đến tháng 12-2023 có 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí xác định ùn tắc giao thông để áp dụng đồng bộ cả nước. Khái niệm ùn ứ, ùn tắc giao thông hiện chưa được xác định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá tác động của tình hình trật tự, an toàn giao thông thiếu nhất quán.
Để có cơ sở khoa học nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị, từ năm 2017, TP.HCM đã nghiên cứu và đề xuất áp dụng tạm bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Về số lượng xe, năm 2009, TP quản lý 4,44 triệu xe (trong đó có 4 triệu xe máy). Đến cuối 2023, TP quản lý 9,2 triệu, trong đó hơn 8,2 triệu xe máy. Số lượng xe tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng 7,2%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận