Ngày 19-12, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đến bờ Nam sông Dinh đoạn chảy qua hai thôn Phước Thiện và Ninh Quý thuộc xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) để ghi nhận thực tế. Tại đây, một số người dân cho biết nhiều năm qua, bờ sông thường xuyên bị sạt lở mỗi khi vào mùa mưa.
Hàng trăm hộ dân cận kề nguy hiểm
Điển hình như ngôi nhà của ông Phan Ngọc Huy (ở thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn) trước đây cách bờ sông Dinh hơn mười mấy mét. Nhưng mấy năm nay bờ sông ngày càng tiến gần vào vườn nhà.
Trước đây đất của gia đình ông có các bụi tre che chắn, nhưng qua nhiều năm các bụi tre cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mỗi năm bờ sông lại lấn vào đất của ông thêm 2 - 3m.
"Mỗi năm tôi đi nhặt bao xi măng về đổ đất, cát vào rồi kè lại, nhưng tấn 2 - 3 lớp vẫn sạt. Chờ chính quyền thì lâu nên mình phải bảo vệ tài sản của mình.
Nhiều năm qua, bờ sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng khiến chúng tôi luôn sống trong cảnh mất ăn mất ngủ" - ông nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Đức Hiệp - phó chủ tịch UBND xã Phước Sơn - cho biết bờ sông Dinh qua địa bàn xã hiện có 4 đoạn bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 5km. Sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tại những vị trí này, bờ sông đã lấn sâu vào khu dân cư, đất sản xuất của người dân từ gần chục mét đến 30 - 40m.
Ông Hiệp nói: "Thực tế trên đã gây hoang mang cho bà con nhân dân trong khu vực, mỗi khi đến mùa mưa địa phương luôn chuẩn bị sẵn phương án ứng phó lúc cần thiết.
Mùa mưa thì chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con dời đến các khu vực cao tránh lũ, bảo đảm tài sản của bà con. Địa phương luôn kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư xây kè để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân".
Bà Trương Thị Thanh Vân - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận - cho biết không chỉ bờ Nam sông Dinh chảy qua địa bàn xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) mà bờ Bắc của con sông này qua huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, tốc độ sạt lở lớn.
"Các đoạn bờ bị sạt lở ngày càng lấn sâu vào các khu dân cư đông đúc. Sạt lở bờ sông không những gây ra thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng và đời sống an cư của dân cư trong vùng.
Hiện tại hàng trăm hộ dân trong vùng đang sống sát mép bờ lở, cận kề với khu vực có hiểm họa cao" - bà Vân nói.
Thiếu kinh phí nên chưa xây dựng kè chống sạt lở
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, hiện nay hai bên bờ sông Dinh đoạn chảy qua huyện Ninh Phước, huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có tổng chiều dài bị sạt lở gần 10km. Đây là những đoạn chưa được gia cố, đầu tư kè kiên cố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết thời gian qua đơn vị đã tăng cường lực lượng kiểm tra các khu vực xung yếu để có giải pháp gia cố kịp thời khi xảy ra sạt lở để không ảnh hưởng đến người dân.
Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại hiệu quả cao bởi diễn biến mưa lũ ngày càng phức tạp. Để bờ sông Dinh không còn lấn sâu và các khu dân cư và đất sản xuất thì giải pháp lâu dài vẫn là sớm được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
"Hiện nay tỉnh cũng đã có các dự án xây dựng kè đối với các đoạn còn lại trên bờ sông Dinh. Đã có các đơn vị khảo sát, thiết kế và lập hồ sơ nhưng do tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa bố trí để tiếp tục đầu tư.
Tỉnh Ninh Thuận đã có các tờ trình gửi Chính phủ đề nghị các bộ ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ nguồn cấp bách dự phòng ngân sách trung ương để các dự án này sớm được triển khai" - bà Trương Thị Thanh Vân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận